Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xử lý hơn 82.000 vụ buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thông tin mới nhất từ Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), Bộ Công Thương, sau 1 năm chính thức đi vào hoạt động, lực lượng QLTT đã kiểm tra trên 141.000 vụ; phát hiện, xử lý 82.300 vụ vi phạm; chuyển 107 vụ việc sang cơ quan tố tụng hình sự.

Trong năm qua, Tổng cục QLTT đã ký nhiều quy chế phối hợp với các đơn vị như Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Hà Nội, Hiệp hội Thông tin tư vấn kinh tế thương mại Việt Nam... nhằm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại, bảo vệ thương hiệu và người tiêu dùng Việt Nam.

Lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra 1 cửa hàng kinh doanh trên địa bàn

Một số vụ việc vi phạm nghiêm trọng, liên địa bàn, có dấu hiệu tội phạm đều được Tổng cục QLTT trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra. Điển hình như: Vụ kiểm tra hàng giả, hàng cấm tại Móng Cái; thực phẩm nhập lậu tuyến Lào Cai - Yên Bái - Hà Nội; mặt hàng amply giả mạo xuất xứ Hàn Quốc tại Quảng Bình; đồng hồ giả mạo Thụy Sĩ tại Khánh Hòa và Đà Nẵng; điện thoại giả mạo nhãn hiệu SAMSUNG; đường cát, vải, quần áo nhập lậu tại An Giang, TP Hồ Chí Minh; ấn phẩm nhập lậu tại Hà Nội; sản xuất sản phẩm thời trang giả mạo thương hiệu The North Face tại Hưng Yên…

Ngoài ra, với vai trò là lực lượng chủ công trong đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên thị trường nội địa, Tổng cục QLTT đã chỉ đạo các Cục QLTT địa phương kịp thời xây dựng và triển khai các phương án, kế hoạch kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm

Mặt khác, chú trọng quản lý địa bàn, kịp thời kiểm tra, xử lý các vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong dư luận xã hội; kết hợp với kiểm tra, xử lý vi phạm, lực lượng QLTT đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, triển khai cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng; xử lý các tổ chức, cá nhân đã thực hiện việc ký cam kết nhưng vẫn vi phạm.

Thời gian qua, được sự chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, lực lượng QLTT đã tham gia, triển khai nhiều chuyên đề, kế hoạch kiểm tra cao điểm vào các lĩnh vực mặt hàng như xăng dầu, phân bón, thực phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, buôn lậu trên tuyến đường bộ, đường sắt...

Qua đó, các lực lượng chức năng đã triệt phá nhiều vụ việc, ổ nhóm lớn. Điển hình là vụ việc kiểm tra 18 kho hàng tại quận 6, TP Hồ Chí Minh trong đầu tháng 5/2019, bước đầu đã xác định được nhiều đối tượng kinh doanh hàng lậu, hàng cấm với quy mô tương đối lớn, vụ việc đang được điều tra, xác minh làm rõ để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh cho biết, để đẩy lùi nạn hàng giả cần tập trung vào 3 điểm chính: Thứ nhất, về mặt thể chế, chế tài; thứ hai, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, tăng cường công tác vận động bởi hàng giả hiện nay ở cả hai chiều cung và cầu; thứ ba, đẩy mạnh công tác thông tin.

"Muốn chống hàng giả phải tạo ra cơ sở thông tin tốt từ cơ sở báo tin, thông tin tuyên truyền, tổ chức hệ thống thông tin" - ông Trần Hữu Linh nhấn mạnh.

Vị Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT cũng lưu ý, DN nên là đối tượng chủ động trong việc công khai các mặt hàng bị làm giả của đơn vị mình với các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, để DN tin tưởng, cơ quan chức năng phải tạo ra cơ sở để DN đặt niềm tin, đến và chia sẻ, cùng phối hợp với cơ quan chức năng để ngăn chặn, bảo vệ thương hiệu cho DN.