Xử lý khi bị ngộ độc thực phẩm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngộ độc thực phẩm là mối lo hiện hữu, đặc biệt trong mùa hè này.

Làm thế nào để vừa chọn được nguồn thực phẩm an toàn, bảo quản đúng cách và cách xử lý khi không may bị ngộ độc là băn khoăn của nhiều người.

Bảo quản thực phẩm đúng cách

Bác sĩ Nguyễn Quốc Thái -  Phòng cấp cứu, Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện (BV) Bạch Mai cho rằng, phần lớn ngộ độc thực phẩm là do sử dụng thực phẩm nhiễm vi sinh vật. Vì vậy, cách bảo quản đặc biệt quan trọng. Chẳng hạn, các loại hải sản sau khi đánh bắt không được bảo quản đúng cách dễ bị nhiễm vi sinh vật, sẽ chuyển một loại axít amin trong thực phẩm thành histamin, khi ăn vào sẽ có phản ứng giống như trường hợp dị ứng. Nếu ăn càng nhiều, triệu chứng bệnh càng nặng. “Có một trường hợp bệnh nhân của chúng tôi, chỉ ăn cá thu nấu chín, nhưng có phản ứng tụt huyết áp. Nếu cá được bảo quản đúng sẽ không bị nhiễm bệnh” - bác sĩ Thái nói, và cho biết, hiện nay, nhiều người có xu hướng mua cá thu cắt lát nướng, tuy nhiên, nếu không được bảo quản lạnh thì càng tạo điều kiện để vi khuẩn phát triển, dễ bị ngộ độc.
Khám cho bệnh nhân ngộ độc thực phẩm tại Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai. 	Ảnh: Dương Ngân
Khám cho bệnh nhân ngộ độc thực phẩm tại Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Dương Ngân
Còn theo bác sĩ Lê Thị Hải – nguyên Giám đốc Trung tâm Khám Tư vấn dinh dưỡng, Viện dinh dưỡng, để tránh ngộ độc do hải sản, người nội trợ cần mua cá ở cơ sở được bảo quản tốt, vì nếu cá ươn sẽ sinh ra histamin. Đối với các loại rau, bằng mắt thường khó phân biệt được đâu là rau sạch và rau có phun thuốc trừ sâu. Vì vậy, mọi người nên mua ở cơ sở có địa chỉ sản xuất rõ ràng, không chọn rau xanh mướt, mỡ màng bất thường, không chọn rau, củ trái mùa. Khi sử dụng, nên rửa trực tiếp dưới vòi nước nhiều lần (ít nhất 3 lần) để giảm thiểu đáng kể chất bẩn.

Nhiều người cho rằng, bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh là an toàn, không lo bị nấm mốc, nhiễm khuẩn. Tuy nhiên, theo bác sĩ Hải, ngay cả thức ăn trong ngăn đá, vi sinh vật cũng chỉ ở dạng không hoạt động chứ chúng không chết đi. Đến khi đưa thực phẩm ra ngoài tủ lạnh thì vi sinh vật lại phát triển và hoạt động bình thường. Ở ngăn mát cũng vậy, vi sinh vật không chết, thậm chí nếu bảo quản thức ăn sống lẫn chín, hoặc thức ăn còn nóng mà cho luôn vào tủ lạnh thì tạo thuận lợi cho vi khuẩn phát triển.

Làm gì khi bị ngộ độc?

Bác sĩ Nguyễn Quốc Thái cho biết, hầu hết các trường hợp bị rối loạn tiêu hóa, khám ở Khoa Truyền nhiễm, BV Bạch Mai nguyên nhân chủ yếu do ăn phải thực phẩm nhiễm mầm bệnh vi sinh. Bên cạnh đó có một số loại hóa chất, hoặc các yếu tố liên quan đến hóa chất trong thực phẩm. Nếu bị ngộ độc do dư lượng thuốc trừ sâu, bảo vệ thực vật thì người dùng thường có biểu hiện nhẹ, ăn xong thấy nôn nao khó chịu, đau đầu, mệt mỏi, có rối loạn tiêu hóa nhẹ, buồn nôn, tiêu chảy ít… Tuy nhiên, những biểu hiện lâm sàng rất khó để phân biệt rối loạn tiêu hóa do sử dụng thực phẩm nhiễm vi sinh vật hay do dư lượng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật.

Cũng theo bác sĩ Nguyễn Quốc Thái, khi chưa xác định được nguyên nhân gây ngộ độc, mọi người không nên uống than hoạt hính mà chỉ nên uống nước oresol trong trường hợp bị nôn, tiêu chảy để chống mất nước và điện giải. Sau khi uống, tình trạng tiêu chảy hay những rối loạn tiêu hóa khác không đỡ, người bệnh nên đi khám. “Nhiều bài thuốc dân gian có khả năng làm ngừng ngay lập tức tiêu chảy, nhưng trong ngộ độc thực phẩm, chúng ta cần để tiêu chảy đủ thời gian thải độc tố ra ngoài” - bác sĩ Thái cho hay.
Bác sĩ Nguyễn Kim Sơn – nguyên Giám đốc Trung tâm chống độc, BV Bạch Mai khuyến cáo, nếu bị ngộ độc thức ăn, khẩn trương gây nôn cho bệnh nhân, nôn càng nhiều càng tốt để tống hết thức ăn ra ngoài. Nếu tình trạng ngộ độc nặng, ngay sau khi sơ cứu, đưa người bệnh đến trung tâm y tế gần nhất để kịp thời xử lý.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần