Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xử lý mạnh tay vụ lõi lọc nước Kangaroo giả

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mới đây, khi tiến hành kiểm tra tại Công ty TNHH NANO Việt Nam (có địa chỉ tại xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội), lực lượng chức năng đã phát hiện và thu giữ hàng ngàn sản phẩm lõi lọc nước mang nhãn hiệu Kangaroo giả.

Mới đây, khi tiến hành kiểm tra tại Công ty TNHH NANO Việt Nam (có địa chỉ tại xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội), lực lượng chức năng đã phát hiện và thu giữ hàng ngàn sản phẩm lõi lọc nước mang nhãn hiệu Kangaroo giả.

Nhiều lần bị làm giả

Sáng 9/4, Đội 4, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP Hà Nội phối hợp với Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 7, thuộc Chi cục QLTT Hà Nội đã phát hiện, bắt quả tang và thu giữ hàng ngàn lõi lọc nước giả mang nhãn hiệu Kangaroo do Công ty TNHH NANO Việt Nam (ở khu Thủy sản, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì) sản xuất lậu. Thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện và thu giữ hàng ngàn sản phẩm lõi lọc nước mang nhãn hiệu Kangaroo giả.
Lực lượng liên ngành kiểm tra và thu giữ hàng ngàn lõi lọc nước Kangaroo bị làm giả.
Lực lượng liên ngành kiểm tra và thu giữ hàng ngàn lõi lọc nước Kangaroo bị làm giả.
Tại cơ quan công an, Trần Ngọc Tuấn (SN 1987, HKTT tại khu đô thị Cầu Bươu, huyện Thanh Trì) – Giám đốc Công ty TNHH NANO Việt Nam khai nhận, từ tháng 7/2014, Tuấn thuê nhà ở khu Thủy sản trái với Giấy phép đăng ký kinh doanh (đăng ký trụ sở Công ty tại số nhà 30, khu tập thể Phát Tín, phường Văn Quán, quận Hà Đông) để làm nơi chứa hàng và sản xuất hoàn thiện lõi lọc nước giả mang nhãn hiệu Kangaroo.

Quy trình sản xuất và hoàn thiện lõi lọc nước mang nhãn hiệu Kangaroo giả này được Tuấn mua nguyên liệu trôi nổi trên thị trường gồm vỏ nhựa lõi lọc Kangaroo (đủ các màu sắc) với giá hơn 13.000 đồng/vỏ cùng cát thạch anh, than, bông trắng, màng co, tem nhập khẩu in giả, máy dập nắp, máy gia nhiệt… về để sản xuất sản phẩm lõi lọc nước. Sau khi lõi lọc nước được gia công hoàn thiện, Tuấn chỉ đạo công nhân lắp vào máy lọc nước Kangaroo chính hãng mà Công ty này nhập về, sau đó đem bán lẻ cho khách hàng để kiếm lời.

Trước đó, vào ngày 27/10/2014, lực lượng chức năng cũng từng phát hiện máy lọc nước của nhãn hiệu Kangaroo bị một cơ sở khác làm giả. Cụ thể, Đội 4, Phòng Cảnh sát kinh tế tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh máy lọc nước có địa chỉ tại số 137 phố Định Công (quận Hoàng Mai) do Trần Văn Phương (SN 1989, HKTT  tại thôn 1 Quỳnh Đô, Vĩnh Quỳnh, Thanh Trì) làm chủ. Tại thời điểm kiểm tra, tổ công tác yêu cầu xuất trình giấy tờ liên quan chứng minh nguồn gốc hàng hóa nhưng Phương đã không có bất cứ chứng từ nào. Ngay lập tức, Phương được mời về trụ sở Công an để phục vụ công tác điều tra.

Qua đấu tranh khai thác, Phương khai nhận đã mua vỏ máy, nhãn mác, cùng nhiều thiết bị lọc nước xịn của hãng Kangaroo để làm mẫu mã. Sau khi ký hợp đồng được với một xưởng sản xuất thuộc Công ty CP Đầu tư sản xuất và Thương mại Đào Thịnh (có địa chỉ tại ngõ 15, tổ 1 Định Công, Thịnh Liệt) để liên kết làm giả các thiết bị nói trên, Phương đã đưa phôi cùng nhiều thiết bị gần giống máy lọc nước xịn của nhãn hiệu Kangaroo cho cơ sở này làm giả các thiết bị giống Kangaroo xịn.

Mở rộng điều tra, ngay trong ngày 27/10/2014, lực lượng chức năng đã tiến hành khám xét cơ sở sản xuất thuộc Công ty CP Đầu tư sản xuất và Thương mại Đào Thịnh. Tại đây, cơ quan Công an bắt quả tang nhân viên của công ty này đang thực hiện cắt tiện nhiều lõi lọc nước giả nhãn hiệu Kangaroo. Bước đầu, nhân viên khai nhận, chỉ với chiếc máy tiện cắt chữ vi tính, cơ sở này đã sản xuất hàng trăm lõi lọc nước mỗi ngày, cùng nhiều thiết bị khác để dựng thành máy lọc nước Kangaroo giả. Sau khi hoàn tất thành phẩm, nhân viên dán nhãn mác in chữ Kangaroo vào để giao cho Phương bán.

Cần sự vào cuộc đồng bộ

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, đại diện của Tập đoàn Kangaroo cho rằng, nguyên nhân chính của nạn hàng giả, hàng nhái vẫn lộng hành là do việc phát hiện, xử lý còn gặp khó khăn. Bên cạnh đó là chế tài xử lý lại quá nhẹ nên không đủ sức răn đe. Mặt khác, lực lượng QLTT bị hạn chế bởi việc chỉ kiểm soát được hàng hóa đã lưu thông, còn khâu thông tin, tố cáo và làm cho tới cùng lại là của DN và các cơ quan chức năng khác.

Để chống hàng giả, hàng nhái cần có sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt và xử lý triệt để với chế tài đủ nặng của các cơ quan chức năng cũng như cần có sự đồng hành của người tiêu dùng với nhà sản xuất. Ngay khi vụ việc được phát hiện, nhận thấy đây là một hành vi trục lợi và gây thiệt hại về niềm tin của khách hàng với các sản phẩm của hãng nên Tập đoàn đã tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan giải quyết vụ việc.

Trong thời gian tới, phía Tập đoàn Kangaroo sẽ tiếp tục phối hợp với công an kinh tế và các cơ quan chức năng xử lý triệt để việc làm giả sản phẩm của hãng để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng. Hiện nay, Tập đoàn Kangaroo đang có 10.000 cửa hàng bán sản phẩm chính hãng trên toàn quốc, vì vậy, để đảm bảo quyền lợi, Tập đoàn khuyến cáo khách hàng nên tìm đến các cửa hàng chính hãng để mua sản phẩm.

 
Theo vị đại diện của Tập đoàn Kangaroo, các sản phẩm chính hãng do tập đoàn này sản xuất đều đã áp dụng biện pháp để phân biệt với hàng giả, hàng nhái. Theo đó, biện pháp phân biệt được thể hiện ở 2 phần: phần sản xuất (nhãn hiệu của hãng sẽ được dập nổi trên thân lõi và có dán tem thiếc chứ không phải tem giấy như bình thường); phần quản lý thị trường, ngay từ cuối năm 2012, hãng này đã sử dụng tem của Bộ Công an, trên mỗi tem đều có một mã số và người tiêu dùng nếu muốn biết đó có phải hàng chính hãng hay không chỉ cần cào lớp phủ bên ngoài, sau đó nhắn tin mã số trên tem đó đến tổng đài sẽ nhận được thông tin về sản phẩm.