Mặc dù Văn phòng Quốc hội và Chính phủ đã ra thông cáo về việc lùi thời hạn thông qua Dự án Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc nhưng một số phần tử xấu vẫn kích động, đưa ra những dẫn chứng không có thật để lôi kéo Nhân dân. Nguy hiểm hơn, các đối tượng xúi giục bà con – những người có tinh thần yêu nước nhưng lại chưa hiểu rõ sự việc làm những việc có hại cho đất nước. Rõ ràng, lòng yêu nước của bà con đang bị những phần tử xấu lợi dụng.
Ông Hoàng Quốc Hùng (trú tại quận Cầu Giấy): Mấy ngày qua, các phương tiện truyền thông ghi nhận một số người dân đã có biểu hiện bị lôi kéo, quá khích, gây mất trật tự trong thể hiện quan điểm cá nhân về những chính sách của Đảng và Nhà nước. Theo tôi, họ thật đáng trách về hành vi nông nổi, thiếu kiểm soát. Mọi người đều có quyền công dân, tuy nhiên trước hành vi gây rối trật tự công cộng, thậm trí hủy hoại tài sản thì họ sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Với một số người dân đây là hành vi bồng bột nhất thời, nhưng đứng sau kích động là những phần tử phản động, cơ hội chính trị. Những phần tử này đã “đẩy” người dân vi phạm pháp luật. Tôi đề nghị lực lượng chức năng sớm xác minh, làm rõ những phần tử gây rối cầm đầu, xử lý nghiêm để nhanh chóng ổn định tâm lý người dân. (Anh Phong ghi)
Ông Lê Tiến Dũng- Tổ dân phố số 2 phường Phúc La (quận Hà Đông): Mục tiêu của Đảng, Nhà nước là đưa đất nước ngày càng phát triển giàu mạnh, song nhiều người chưa hiểu nên nghĩ rằng sẽ để lại những hệ lụy về an ninh chủ quyền quốc gia, lại thêm một số phần tử quá khích kích động, phá rối tại một số nơi, gây những tổn thất không đáng có về tài sản cho Nhà nước, Nhân dân và quan trọng hơn là mất ổn định an ninh chính trị. Do đó, Đảng và Nhà nước cùng với việc bên cạnh lắng nghe ý kiến của Nhân dân, cân nhắc những việc làm đem lại kết quả tốt nhất cho đất nước thì cần tăng cường tuyên truyền cho Nhân dân thấy được rõ bản chất của vấn đề. Song song với đó là xử lý thật nghiêm minh những đối tượng cầm đầu gây rối loạn trật tự xã hội, vạch trần bộ mặt phản động của các phần tử xấu, lợi dụng, lôi kéo, kích động người dân, để làm gương cho những người khác.(Thùy Linh ghi) |
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP Hồ Chí Minh, các cơ quan thông tấn đã đăng tải thông điệp của Chính phủ về Dự luật Đặc khu trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng vẫn có những đối tượng cố tình không nghe, không hiểu và gây kích động. Đặc biệt, trong quá trình tụ tập gây rối, một số đối tượng tấn công vào trụ sở UBND tỉnh Bình Thuận, đập phá, đốt tài sản của cơ quan công quyền. Hành vi này đã phạm vào tội "Gây rối trật tự công cộng" theo điều 318 Bộ luật Hình sự 2015.
Hành động của những đối tượng kích động Nhân dân, gây rối là việc làm vi phạm pháp luật nghiêm trọng, vi phạm trật tự an toàn xã hội, bởi dân chủ nhưng phải gắn với kỷ cương và phép nước. “Những đối tượng đó phải bị xử lý bằng pháp luật, nhất là những kẻ chủ mưu thì phải xử lý về mặt hình sự. Qua việc này, tôi cũng mong bà con cần phải cảnh giác trong bối cảnh hiện nay, không được để cho kẻ xấu xúi giục, lôi kéo, làm những việc trái pháp luật” – ông Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam chia sẻ.
Đồng quan điểm, luật sư Trịnh Lê Ngọc Quỳnh (Văn phòng Luật sư Hoàng Huy) cho rằng, việc người dân tham gia đóng góp ý kiến đối với các chính sách của Đảng, Nhà nước và các dự thảo luật là điều chính đáng và đáng được trân trọng. Tuy nhiên, việc đóng góp ý kiến nên thông qua các kênh kiến nghị, tiếp xúc cử tri, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng… Vì vậy, việc bày tỏ ý kiến của người dân phải trên tinh thần thượng tôn pháp luật, tránh để các đối tượng, phần tử xấu lợi dụng, lôi kéo, dẫn đến vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội.
Có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sựPháp luật Việt Nam tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền tài sản cá nhân, tổ chức một cách hợp pháp. Việc cố tình gây rối trật tự công cộng, trật tự an toàn xã hội, có những hành vi xâm phạm, đập phá tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức và cơ quan Nhà nước là vi phạm pháp luật. Theo luật sư Trịnh Lê Ngọc Quỳnh, đối với các hành vi trên, tùy theo mức độ có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội như: Tội hủy hoại tài sản hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản (Điều 178 Bộ luật Hình sự); Tội phá rối an ninh (Điều 118); Tội gây rối trật tự công cộng (Điều 318); Tội chống người thi hành công vụ (Điều 330)…
Luật sư Nguyễn Văn Hậu cũng cho hay, Điều 318 Bộ luật Hình sự quy định 2 trường hợp phạm tội như sau: Trường hợp người phạm tội thực hiện hành vi gây rối trật tự công cộng và đã gây ra hậu quả là gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, có tổ chức, được thực hiện công khai ở nơi công cộng, thể hiện dưới nhiều dạng hành vi cụ thể khác nhau có thể bằng lời nói thô tục, chửi bới, la hét hoặc bằng hành động đập phá đồ đạc, tài sản, đánh nhau, xô đẩy người khác hoặc tạo ra âm thanh gây tiếng ồn lớn… dẫn đến tình trạng mất ổn định, hỗn loạn ở nơi công cộng sẽ bị phạt tiền từ 5 - 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.