Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xử lý nghiêm các sai phạm trong thi tốt nghiệp PTTH, không có vùng cấm

Văn Sinh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu xử lý nghiêm các vụ việc tiêu cực, sai phạm trong thi tốt nghiệp phổ thông trung học và tuyển sinh đại học năm 2018 và những năm trước, bảo đảm không có vùng cấm, lấy lại sự công bằng trong thi cử, cũng như niềm tin của học sinh, phụ huynh học sinh và nhân dân cả nước.

Ngày 4/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2019.
Tại phiên họp, Chính phủ đã nghe và thảo luận các nội dung: Tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng năm 2019; kết quả đánh giá lại quy mô tổng sản phẩm trong nước giai đoạn 2010-2017; việc tiếp thu, giải trình phương án phân bổ vốn và việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn (theo kết luận của UBTVQH tại phiên họp thứ 33); công tác chuẩn bị tài liệu kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV; dự án Bộ Luật lao động (sửa đổi); tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết; kết quả kiểm tra của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ tháng 4/2019; dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Quy hoạch; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp nhằm hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và một số nội dung quan trọng khác.
 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp Chính phủ, chiều 4/5. Ảnh: VGP
Kinh tế xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực
Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định, kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2019 tiếp tục chuyển biến tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 4 tháng đầu năm tăng 2,71% so với cùng kỳ năm 2018, là mức tăng bình quân 4 tháng đầu năm thấp nhất trong 3 năm gần đây. Các cân đối lớn về tài chính, tiền tệ, tín dụng cơ bản được bảo đảm; lãi suất ngân hàng được giữ ổn định.
Tổng vốn đầu tư có yếu tố nước ngoài (FDI) tăng 81% so với cùng kỳ năm 2018; đạt kỷ lục về giá trị vốn đầu tư đăng ký của 4 tháng trong vòng 4 năm trở lại đây. Tình hình sản xuất kinh doanh các khu vực tiếp tục phát triển, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 4/2019 ước tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,5%; du lịch tiếp tục tăng trưởng tốt, tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 4 ước đạt khoảng 1,47 triệu lượt người, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2018.
Công tác an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân tiếp tục được bảo đảm; các lĩnh vực văn hóa, xã hội, thông tin và truyền thông được quan tâm chỉ đạo và phát triển toàn diện; công tác bảo vệ môi trường, chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu được tăng cường. Công tác đối ngoại đạt nhiều kết quả tích cực. An ninh chính trị và trật tự xã hội ổn định...
Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2019, các thành viên Chính phủ cũng cho rằng, tình hình kinh tế-xã hội còn có nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó nổi lên là sản xuất nông nghiệp gặp không ít khó khăn trước nguy cơ hạn hán, thiếu nước tại các tỉnh Trung Bộ, Tây Nguyên; dịch tả lợn châu Phi đã bắt đầu hạ nhiệt nhưng do dịch bệnh lan rộng đã gây ảnh hưởng đến phát triển đàn và kết quả chăn nuôi lợn. Ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến chế tạo tăng trưởng chậm lại. Xuất khẩu tuy vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng so với cùng kỳ nhưng tăng thấp. Cán cân thương mại 4 tháng duy trì xuất siêu, nhưng thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công có cải thiện trong tháng 4 nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu...
Kiên định thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục bám sát tình hình để có đối sách, phản ứng chính sách chủ động, linh hoạt, hiệu quả trong công tác chỉ đạo, điều hành. Kiên định thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra, trong đó cần bám sát mục tiêu tại các kịch bản tăng trưởng GDP hàng quý, 6 tháng, cả năm đã đề ra. Đồng thời đẩy mạnh giải quyết, xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh một cách quyết liệt hơn, hiệu quả hơn. Quyết tâm hành động, giữ vững kỷ luật, kỷ cương, nói đi đôi với làm và phải làm thực chất; nỗ lực phấn đấu cao nhất để thực hiện thành công và toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2019 và tạo động lực cho những năm tiếp theo.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện hiệu quả các biện pháp bảo đảm tăng trưởng tín dụng theo kế hoạch đề ra, đáp ứng nhu cầu vốn cho các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Quan tâm phát triển thị trường tín dụng tiêu dùng, tài chính vi mô; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, nhất là tín dụng cho bất động sản và chứng khoán. Kết hợp hài hòa giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác để thực hiện mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, khơi thông các động lực cho tăng trưởng; kiểm soát lạm phát; bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh.
Làm tốt công tác quản lý thu, chi NSNN; cơ cấu lại các khoản thu, tăng cường quản lý thu; chống chuyển giá, trốn thuế; chống thất thu, nợ đọng thuế. Mở rộng áp dụng hóa đơn điện tử, cơ bản hoàn thành trong năm 2019 ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra thuế. Giám sát chặt chẽ các khoản chi từ NSNN, tiết kiệm chi thường xuyên, không bố trí kinh phí cho các nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp thiết; hạn chế mua sắm xe ô tô và trang thiết bị đắt tiền; tiết kiệm tối đa chi phí tổ chức hội nghị, khánh tiết, công tác nước ngoài...
Tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong quá trình triển khai thực hiện các dự án đầu tư công hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật. Nghiêm khắc kiểm điểm và làm rõ trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân gây chậm trễ việc thực hiện kế hoạch đầu tư công gây thất thoát, lãng phí nguồn lực của nhà nước. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý đấu thầu, có biện pháp cụ thể để khắc phục những tiêu cực trong đấu thầu; đẩy mạnh triển khai thực hiện đấu thầu qua mạng.
Quyết liệt hơn nữa trong tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển thị trường nông sản, có phương án căn cơ hơn để giải bài toán về xuất khẩu gạo, nông sản, thủy sản. Chủ động phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, trong đó giải quyết triệt để vấn đề về dịch tả lợn Châu Phi, bệnh lở mồm long móng, bệnh lợn tai xanh; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, giết mổ, vận chuyển sản phẩm gia súc, gia cầm làm lây lan dịch bệnh.
Theo dõi sát sao tình hình sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là trong công nghiệp chế biến, chế tạo; khuyến khích đổi mới công nghệ, tăng cường năng lực sản xuất, mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu.
Quyết liệt hơn nữa trong công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng. Triển khai thực hiện hiệu quả, đồng bộ các giải pháp để phát triển thị trường trong nước, thị trường xuất khẩu. Kiểm soát tốt hoạt động tạm nhập, tái xuất, quy định về nguồn gốc, xuất xứ, tránh tình trạng "mượn đường" nước ta để xuất khẩu sang nước thứ 3.
Theo dõi sát diễn biến, thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình thị trường bất động sản; hoàn thiện hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản; triển khai mạnh mẽ Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội...
Tiếp tục thực hiện quyết liệt Nghị quyết của Trung ương về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Quan tâm tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch. Đẩy mạnh quản lý và kiểm soát chất lượng kinh doanh dịch vụ phục vụ du lịch; thực hiện tốt công tác bảo đảm an ninh an toàn cho du khách.
Tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, lễ hội. Ngăn chặn kịp thời các biểu hiện tiêu cực, lợi dụng lễ hội, tín ngưỡng tôn giáo để hoạt động thu lợi bất chính, mê tín dị đoan; tăng cường tuyên truyền, phổ biến các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Các bộ, ngành, địa phương theo phân công cùng với Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức thành công Đại lễ Vesak 2019.
Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội; quan tâm hỗ trợ giảm nghèo nhanh hơn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Làm tốt công tác y tế dự phòng, chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh truyền nhiễm, dịch bệnh theo mùa, tích cực thực hiện các biện pháp giảm quá tải bệnh viện. Các bộ, ngành và địa phương chủ động lên phương án, tổ chức các hoạt động vui chơi lành mạnh, bảo đảm an toàn cho trẻ em trong dịp hè, hạn chế thấp nhất trẻ em đuối nước và các tai nạn khác trong dịp hè.
Xử lý nghiêm các vụ việc tiêu cực, sai phạm trong thi tốt nghiệp phổ thông trung học và tuyển sinh đại học năm 2018 và những năm trước, bảo đảm không có vùng cấm, lấy lại sự công bằng trong thi cử, cũng như niềm tin của học sinh, phụ huynh học sinh và nhân dân cả nước. Rà soát, chuẩn bị các điều kiện, tổ chức tốt kỳ thi trung học phổ thông, tuyển sinh đại học cao đẳng năm 2019, không để tái diễn sai phạm, tiêu cực.
Chủ động theo dõi diễn biến thời tiết và phòng chống thiên tai. Tích cực triển khai các chương trình, dự án ứng phó với biến đổi khí hậu. Tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của các tầng lớp nhân dân trong bảo vệ môi trường, đặc biệt là việc thải bỏ rác thải nhựa.
Không ngừng củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống; tập trung phòng chống, đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm. Thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông, kiềm chế tai nạn giao thông.
Các bộ, ngành, địa phương chủ động, cung cấp thông tin chính xác, kịp thời cho báo chí, góp phần định hướng dư luận, tạo đồng thuận xã hội; tăng cường kỷ luật phát ngôn; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân; triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng; đấu tranh, phản bác thông tin sai sự thật, trái với quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước.
Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ đôn đốc, kiểm tra thực chất hơn việc thực hiện nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ giao cho các bộ, ngành, địa phương và báo cáo công khai tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ hàng tháng.
Về việc tăng giá điện gây tâm tư trong người dân những ngày qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu kiểm tra việc điều chỉnh mức giá bán điện, phương pháp tính giá, từ đó, công khai kết quả, cho biết “Việc này, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN cũng thấy cần thiết phải báo cáo lại trước Chính phủ, trước nhân dân về vấn đề này”.