Cho vay lãi nặng qua app và đòi nợ thuê quy mô xuyên quốc gia
Ngày 25/5, Phòng Cảnh sát Hình sự (Công an TP Hà Nội) cho biết, vừa phối hợp với Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) và các đơn vị nghiệp vụ của Công an thành phố triệt phá một đường dây cho vay lãi nặng qua app và đòi nợ thuê có quy mô xuyên quốc gia, liên quan đến gần 300 đối tượng, trong đó có các đối tượng là người nước ngoài.
Thời gian vừa qua, trên địa bàn TP Hà Nội và nhiều tỉnh, thành trên cả nước xuất hiện hiện tượng cho vay qua app và đòi nợ dưới hình thức “tín dụng đen”. Người vay chỉ cần chụp ảnh chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân và thế chấp bằng danh bạ điện thoại là có thể vay số tiền từ 2.000.000 - 30.000.000 đồng mà không cần gặp mặt hay ký kết bất cứ một giấy tờ vay nợ nào. Sau đó, các đối tượng sẽ thẩm định danh bạ điện thoại của người vay để xác định tính chính xác, lấy căn cứ cho việc đòi nợ sau này.
Người vay sẽ phải thanh toán trong vòng 3-5 ngày số tiền gốc ban đầu, tiền lãi sẽ được các đối tượng cắt ngay khi giải ngân. Nếu "con nợ" không thanh toán được tiền gốc như cam kết, số tiền sẽ được nhân lên, “lãi mẹ đẻ lãi con” lên tới 1.570% - 2.190%/năm.
Khi người vay không thanh toán được, các đối tượng sẽ cho bộ phận đòi nợ được phân cấp khác nhau nhắn tin, gọi điện nhắc nhở, đe dọa, khủng bố tinh thần từ "con nợ" đến người thân của họ và toàn bộ các mối quan hệ trong danh bạ điện thoại mà "con nợ" cung cấp trước đó.
Thậm chí, chúng còn cắt ghép hình ảnh của "con nợ" rồi tung lên mạng xã hội nhằm bôi nhọ uy tín, hạ danh dự, làm nhục để thúc ép "con nợ", hoặc người nhà phải trả tiền, gây bức xúc trong dư luận.
Qua công tác nắm tình hình Phòng Cảnh sát Hình sự Công an TP Hà Nội đã xác lập chuyên án đấu tranh, bóc gỡ toàn bộ đường dây cho vay lãi nặng và đòi nợ có tổ chức trên.
Ngày 24/5, đồng loạt các mũi trinh sát đã triệt phá 7 cơ sở của tổ chức cho vay lãi nặng dưới hình thức “tín dụng đen” ở 3 tỉnh, TP: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, bóc gỡ đường dây, đưa gần 300 đối tượng và thu giữ toàn bộ tang vật có liên quan về trụ sở cơ quan điều tra. Hiện vụ việc đang được Phòng Cảnh sát Hình sự tiếp tục điều tra, làm rõ.
Thắt chặt, kiểm soát, đảm bảo an ninh mạng
Liên quan vụ việc, trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối cho hay, đường dây cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê xuyên quốc gia vừa được Công an TP Hà Nội triệt phá có quy mô đặc biệt lớn, số đối tượng bị tạm giữ ban đầu đã lên đến 300 người.
Hiện nay chưa thể hình dung được mức độ nghiêm trọng của sự việc này cụ thể đến đâu nhưng có thể chắc chắn rằng đây là một tổ chức tội phạm với số người tham gia đông đảo, cấu kết chặt chẽ, liên quan đến lượng tài sản có giá trị cao, địa bàn hoạt động rộng lớn và đã có nhiều bị hại. Triệt phá được đường dây tội phạm này cho thấy trình độ, bản lĩnh và sự cố gắng không hề nhỏ của lực lượng công an nhân dân.
Câu hỏi đặt ra là vì sao mấy năm gần đây các vụ án hình sự liên quan đến các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia như lừa đảo, tín dụng đen, đánh bạc… lại có dấu hiệu gia tăng cả về số lượng, quy mô nhanh đến như vậy? Một trong các nguyên nhân là do công nghệ thông tin, mạng máy tính đang phát triển rất mạnh mẽ và các đối tượng đã biết tận dụng điều này để phục vụ mục đích phạm tội.
Từ lừa đảo qua mạng, đánh bạc qua mạng và bây giờ có thêm cho vay nặng lãi qua mạng. Mạng internet là công cụ kết nối giữa người với người và nó kết nối luôn cả các đối tượng phạm tội với các bị hại. Mọi sự vật hiện tượng đều có ưu nhược điểm và công nghệ cũng vậy, ưu điểm thì tất cả mọi người đều nhận thấy và tận dụng hiệu quả.
Tuy nhiên nhược điểm của công nghệ cũng đang ngày càng biểu hiện rõ nét và một trong số đó là sự gia tăng của tội phạm công nghệ cao. Có lẽ hiện nay việc kiểm soát hoạt động của các tổ chức cá nhân trên mạng còn nhiều hạn chế, môi trường mạng vẫn cho phép sự tự do. Các cơ quan quản lý nhà nước cần có biện pháp thắt chặt, kiểm soát, đảm bảo an ninh mạng; qua đó kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi lợi dụng mạng internet để phạm tội.
Hành vi cho vay lãi nặng nếu xét riêng thì nó không mang quá nhiều tính nghiêm trọng nhưng từ cho vay lãi nặng sẽ kéo theo một loạt các tệ nạn khác phát sinh. Có thể kể ra như các đối tượng cho vay khi đòi nợ có thể thực hiện các hành vi trái pháp luật như cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản, xâm phạm trái phép chỗ ở người khác… Hoặc ít nghiêm trọng hơn thì gọi điện quấy rối, đăng hình ảnh cắt ghép của người vay lên mạng nhằm xâm phạm danh dự, nhân phẩm của họ. Đấu tranh với cho vay nặng lãi có ý nghĩa lớn đối với bảo vệ trật tự an toàn xã hội.
“Có thể các đối tượng bị bắt trong đường dây này sẽ bị xử lý về nhiều hành vi vi phạm pháp luật và cần chờ kết quả giải quyết cuối cùng. Tuy nhiên chắc chắn trong đó có tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” theo quy định tại Điều 202 Bộ luật Hình sự năm 2015. Hình phạt cho người phạm tội này là khá “nhẹ” với mức cao nhất chỉ là 3 năm tù” - luật sư Nguyễn Ngọc Hùng nhận định.