Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xử lý nghiêm việc phơi thóc trên đường giao thông

Nguyễn Thế Hanh, xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc người dân ngoại thành lấy lòng đường làm nơi phơi thóc không còn là chuyện mới, các phương tiện truyền thông cũng phản ánh nhiều năm nhưng cứ đến vụ gặt – đâu lại vào đấy!

Hiện đang vào cao điểm của vụ Mùa năm 2021, các ngả đường liên xã, liên huyện ở khu vực ngoại thành Hà Nội bị người dân chiếm dụng làm “sân nhà”. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nói trên, cơ bản là do các huyện tuy là nông thôn nhưng đất chật, người đông, chẳng mấy nhà có sân phơi rộng rãi. Về vụ Xuân, nắng nhiều – mưa ít nên việc phơi phóng rơm rạ, thóc lúa không đến mức cần kíp nhưng vụ Mùa, mưa bão liên miên, tranh thủ những ngày có nắng, cực chẳng đã, người dân phải buộc lòng… chiếm dụng đường công!
 Con đường đã hẹp, lại bị chiếm mất 1/2 để làm sân phơi thóc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao thông.
Để ngăn phương tiện giao thông lấn vào “sân phơi thóc”, người ta còn dùng nhiều thứ như gạch, gỗ, đá… chặn đường khiến giao thông bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vì thế khi lưu thông đến đoạn đường bị chiếm dụng làm sân phơi, ai cũng bức xúc. Điều 12 Nghị định100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 - 400.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: Phơi thóc, lúa, rơm, rạ, nông, lâm, hải sản trên đường bộ; đặt máy tuốt lúa trên đường bộ.

Tuy luật pháp đã quy định rất rõ nhưng hầu như các địa phương chưa mạnh tay trong việc xử phạt hành vi này. Chính vì vậy, cứ vào vụ là nhiều ngả đường nông thôn ngoại thành lại bị biến thành “sân nhà” của không ít nông hộ. Chuyện này “biết rồi, nói mãi” nhưng đến nay đâu vẫn còn đó! Thiết nghĩ, chính quyền các địa phương cần mạnh tay với hành vi trên, để giao thông nông thôn được đảm bảo an toàn.