Xử lý nhà, đất “siêu mỏng, siêu méo”: Làm dần từng bước

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 29/5, Đoàn giám sát của Thường trực HĐND TP Hà Nội đã làm việc với UBND TP để...

Kinhtedothi - Chiều 29/5, Đoàn giám sát của Thường trực HĐND TP Hà Nội đã làm việc với UBND TP để thống nhất kết luận sau đợt giám sát về việc chấp hành pháp luật quản lý trật tự xây dựng đô thị, xử lý nhà, đất "siêu mỏng, siêu méo" trên địa bàn. Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo, Phó Chủ tịch HĐND TP Lê Văn Hoạt, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Quốc Hùng đã dự cuộc làm việc.

Kết quả chưa tương xứng với quyết tâm

Quanh vấn đề xử lý các trường hợp nhà, đất "siêu mỏng, siêu méo" tồn tại từ trước năm 2005, Đoàn giám sát cho rằng: Về cơ bản, các cơ chế, chính sách quy định của TP để xử lý đối với các trường hợp này đã đầy đủ, các giải pháp để tổ chức thực hiện đồng bộ, phù hợp quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, việc xử lý 192 trường hợp nhà, đất "siêu mỏng, siêu méo" tồn tại trước năm 2005 tiến độ chậm, kết quả chưa tương xứng với quyết tâm chính trị và sự chỉ đạo của TP. Đến nay, vẫn còn tồn đọng chưa xử lý 174 trường hợp trên địa bàn 7 quận. Việc hợp thửa, hợp khối được TP xác định là giải pháp ưu tiên, nhưng có quận làm tốt, hiệu quả, có nơi kết quả đạt thấp. Việc quản lý, sử dụng diện tích đất sau thu hồi vào mục đích công cộng như làm bảng tin, cây ATM… cũng còn lúng túng, chưa đạt mục tiêu cải tạo cảnh quan kiến trúc đô thị.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo phát biểu tại cuộc làm việc.  	Ảnh:  Anh Quý
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Anh Quý
Kết quả giám sát cũng chỉ ra, tại các tuyến đường mới mở trên địa bàn TP như Kim Mã - Trần Phú, Vành đai 1, Vành đai 2, Vành đai 2,5, đường Thanh Nhàn, Nguyễn Văn Huyên đã phát sinh thêm 442 trường hợp nhà, đất "siêu mỏng, siêu méo". Việc ban hành các quy định quản lý tạm thời đối với các tuyến đường mới mở là giải pháp tình thế, những nội dung cũng thiếu thống nhất.

Ngoài những nguyên nhân khách quan như những trường hợp còn tồn tại đến nay do khó trong hợp thửa, hợp khối, phức tạp trong xử lý, nhưng các thành viên đoàn giám sát cũng thống nhất cho rằng: Có cả nguyên nhân là sự chưa quan tâm đúng mức, chưa quyết liệt, thiếu chủ động của địa phương; lúng túng và có tư tưởng trông chờ, coi đó là trách nhiệm của TP. "Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến kết quả đạt thấp, chậm tiến độ" - đại diện đoàn giám sát nhấn mạnh.

Vẫn là bài toán khó

Từ thực tế giám sát, Thường trực HĐND TP đã đề nghị UBND TP cùng với sửa đổi, điều chỉnh Quyết định 15/2011/QĐ-UBND cho phù hợp với Luật Đất đai 2013, Luật Xây dựng, nghiên cứu có chính sách khuyến khích các hộ dân hợp thửa, hợp khối để đẩy nhanh tiến độ thực hiện; có kế hoạch cân đối bố trí nguồn vốn, quỹ nhà tái định cư, phương án xử lý dứt điểm 174 trường hợp còn tồn đọng.

Đối với các tuyến đã quy hoạch mở rộng, đoàn giám sát cũng đề nghị các sở, địa phương phối hợp rà soát, phân loại để có phương án xử lý trường hợp nhà, đất "siêu mỏng, siêu méo" cùng với việc thu hồi đất phục vụ dự án; không để phát sinh trường hợp mới…

Nhấn mạnh đến việc các trường hợp "siêu mỏng, siêu méo" là hệ quả tất yếu của sự phát triển đô thị, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Quốc Hùng nhìn nhận: Thực tế những năm trước, do thiếu những quy chuẩn, nên trong phát triển đô thị, chỉ tập trung vào mở đường, chưa quan tâm đến cảnh quan xung quanh. Cùng với đó, tại các địa phương, việc quản lý cũng chưa đầy đủ, nên đã phát sinh tồn tại. Năm 2014, TP đã chỉ đạo để có quy chuẩn, tiêu chuẩn, chế tài để quận, huyện quản lý, ngăn không cho xuất hiện thêm các trường hợp "siêu mỏng, siêu méo" trên các tuyến đường mới mở. Quan điểm của TP là cương quyết, những trường hợp nào không thể hợp thửa, hợp khối là thu hồi mà tuyến Kim Mã - Trần Phú là điển hình. TP cũng đã thành lập tổ công tác, kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ cho các quận, huyện. Với những trường hợp cũ, tổ công tác cũng sẽ điều tra, khảo sát, phân loại, đề xuất phương án xử lý để TP chỉ đạo thực hiện.

Bày tỏ sự nhất trí cao với kết luận của Đoàn giám sát, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo cũng bày tỏ: Nhà, đất "siêu mỏng, siêu méo" là vấn đề rất phức tạp và giải quyết phải dần dần, từng bước. Thực tế có thể áp dụng ba giải pháp: Thứ nhất, vận động thuyết phục hợp thửa, hợp khối, nhưng phải tuân thủ quy luật của thị trường nên phát sinh việc khó đồng thuận về giá cả; thứ hai là thiết kế, chỉnh trang đô thị phù hợp cho những trường hợp có thể tồn tại được (với các trường hợp trên 14m2, không méo); thứ ba là thu hồi. Nhưng giải pháp thu hồi cũng vướng bài toán là sau đó sử dụng đất để làm gì, trong khi số tiền để thu hồi cũng không nhỏ. Đây là bài toán không dễ chút nào. Và Chủ tịch UBDN TP cho rằng: Trong xử lý "siêu mỏng, siêu méo", nên có những giải pháp phù hợp với từng trường hợp ở mức tạm chấp nhận được. UBNB TP cũng tiếp thu những kiến nghị của Đoàn giám sát để chỉ đạo thực hiện tốt hơn. 

Trước những kiến nghị của Đoàn giám sát, trong đó có việc đề nghị Chính phủ, Bộ Xây dựng cho phép Hà Nội được xây dựng và áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn riêng về quy hoạch, kiến trúc phù hợp với đặc thù, Chủ tịch UBND TP cho biết: UBND TP đã "ký hợp đồng" với Bộ Xây dựng để xây dựng Bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn về xây dựng trong đô thị, để tạo điều kiện cho Hà Nội vừa bảo tồn vừa phát triển. Hiện đã xong và TP đang đề nghị Bộ xây dựng sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Cùng với đó, quanh vấn đề mở rộng đường cùng thiết kế chỉnh trang đô thị hai bên mặt đường, Chủ tịch UBND TP cũng mong muốn HĐND có thêm tiếng nói để tạo ra cơ chế thực hiện thuận lợi hơn.