Xử lý nợ xấu đang thiếu hành lang pháp lý

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là cách mà một luật sư đã nói về những vướng mắc pháp lý trong“công cuộc” xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng hiện nay.

Hệ thống pháp luật chưa hoàn chỉnh, sự thiếu kết hợp giữa các cơ quan, việc “đá nhau” giữa các văn bản pháp luật là nguyên nhân khiến nhiều con nợ vẫn ung dung nhà lầu, xe sang, du lịch nước ngoài trong khi ngân hàng khóc dở mếu dở.

Nợ đầm đìa, vẫn chây ì

Tháng 5/2013, việc nhân viên gần 10 ngân hàng (VIB, MB, ABBank, Nam Việt, SeaBank, VIB, LienViet Bank…) “mắc võng” canh giữ kho hàng của Công ty Âu Mỹ đã khiến Khu công nghiệp Quất Động (Thường Tín, Hà Nội) xôn xao. Nắm được thông tin DN này gặp khó khăn, phải ngừng hoạt động, nhiều ngân hàng đã cử cán bộ "ăn chực, nằm chờ" canh giữ khối tài sản thế chấp của "con nợ" với tâm lý… vớt vát được chừng nào hay chừng đó...
Ngân hàng vẫn gian nan thu hồi nợ xấu. Trong ảnh: Giao dịch tại ABBank. Ảnh: Hà Lâm
Ngân hàng vẫn gian nan thu hồi nợ xấu. Trong ảnh: Giao dịch tại ABBank. Ảnh: Hà Lâm
Đòi nợ từ lâu đã trở thành “ác mộng” với nhiều nhân viên ngân hàng. Con nợ chây ì, công tác xử lý tài sản thế chấp khó khăn… là những rào cản khiến dù cho vay có tài sản đảm bảo nhưng đến 5, 10 năm, thậm chí hơn nữa vẫn không phát mại được để thu tiền về. “Có vụ việc ngân hàng đến niêm phong tài sản thế chấp (đã thông báo với chủ nợ) nhưng người nhà cố tình không mở cửa. Khi nhà bị niêm phong, chủ nhà lại “kêu cứu” rằng ngân hàng nhốt người trái phép, làm mất uy tín của ngân hàng. Nhiều khách hàng cố tình tìm mọi cách trì hoãn trả nợ, cứ nghĩ là kiện cáo ra tòa thì sẽ được lợi nên việc thu hồi tài sản đảm bảo của ngân hàng càng thêm khó khăn” - một luật sư nêu lên thực tế.

Gian nan thực thi luật

Không phủ nhận nợ xấu có nguyên nhân từ việc ngân hàng cho vay ồ ạt, thiếu kiểm soát, tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, không nên đổ hết lỗi cho ngân hàng. Nợ xấu là do cả nền kinh tế.

Nhiều năm qua, dù ngân hàng nỗ lực nhưng tốc độ xử lý nợ xấu vẫn rất chậm. Cụ thể, từ năm 2012 - 2014, tổng giá trị các khoản nợ xấu được xử lý ước đạt hơn 311.000 tỷ đồng. Đến cuối tháng 12/2014, tỷ lệ nợ xấu chiếm 3,25% tổng dư nợ (cùng kỳ năm 2013 là 3,61%). Tuy nhiên, trong 2 tháng đầu năm 2015, nợ xấu lại có chiều hướng tăng trở lại, chiếm tỷ lệ 3,59% tổng dư nợ.

TS Phạm Ngọc Long - Viện trưởng Viện Khoa học quản trị DN nhỏ và vừa đưa ra 3 điểm nghẽn lớn cản trở quá trình xử lý nợ xấu. Đó là cơ chế xử lý nợ xấu chưa hợp lý, nhiều hạn chế, khuôn khổ pháp lý về xử lý nợ xấu chưa kiện toàn, hệ thống chính sách thiếu đồng bộ, hữu hiệu và hiệu lực cao.

Một chuyên gia kinh tế cho rằng, không dưới 70% rào cản xử lý nợ xấu là do vướng mắc pháp lý, cho nên tháo gỡ khó khăn trong xử lý nợ xấu phải bằng pháp lý.

Theo quy định tại Nghị định 163/2006/NĐ-CP, tổ chức tín dụng (TCTD) có quyền tự mình và chủ động xử lý nợ nếu như đã có thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm. Cũng theo Nghị định này, trong quá trình thu giữ tài sản đảm bảo, nếu bên giữ tài sản bảo đảm có dấu hiệu chống đối, cản trở, gây mất an ninh, trật tự công cộng hoặc có hành vi vi phạm pháp luật khác thì người xử lý tài sản bảo đảm có quyền yêu cầu chính quyền địa phương và cơ quan công an áp dụng các biện pháp theo quy định của pháp luật để đảm bảo an ninh, trật tự”. Như vậy, cơ quan công an chỉ có trách nhiệm giữ gìn an ninh chứ không có biện pháp và chế tài xử lý nếu bên giữ tài sản bảo đảm bất hợp tác, không chịu bàn giao. Theo bà Trần Thị Hồng Hạnh - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, trên thực tế, TCTD rất khó thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm do bên bảo đảm thường bất hợp tác, tìm cách tẩu tán tài sản… Điều đó cho thấy quy định về vai trò của cơ quan công an, UBND trong việc hỗ trợ TCTD thực hiện quyền thu giữ tài sản là chưa khả thi.

Theo các chuyên gia, muốn xử lý nợ xấu nhanh, dứt điểm và hiệu quả thì không thể chỉ trông chờ vào nỗ lực của riêng ngành ngân hàng. “Ngân hàng Nhà nước nên đóng vai trò đầu mối phối hợp với các bộ, ngành liên quan như các Bộ: Tư pháp, TN&MT, Xây dựng, để chỉnh sửa các quy định có liên quan đến các Luật: Dân sự, Đất đai, Nhà ở và các văn bản hướng dẫn dưới luật, nhằm đẩy nhanh tiến độ xử lý tài sản bảo đảm, tài sản thế chấp, góp phần xử lý dứt điểm nợ xấu, đảm bảo quyền và nghĩa vụ hợp pháp của chủ nợ và người đi vay” - chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh đề xuất.

Bên cạnh đó, các quy định pháp luật có liên quan đến giao dịch bảo đảm, hoạt động tín dụng, xử lý nợ của TCTD cần phải được nghiên cứu rà soát tổng thể để bổ sung, chỉnh sửa theo hướng đảm bảo tính đồng bộ, nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật. Các quy định phải rõ ràng, dễ hiểu để đảm bảo được hiểu và thực thi một cách thống nhất.