70 năm giải phóng Thủ đô

Xử lý nợ xấu, ngăn chặn sở hữu chéo ngân hàng

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không chỉ xử lý những ngân hàng yếu kém hay xử lý nợ xấu, quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng còn rất cam go, kéo dài, khi vấn đề sở hữu chéo và cho vay sân sau vẫn hết sức phức tạp.

Xung quanh những vấn đề này, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị.

TS Nguyễn Trí Hiếu
TS Nguyễn Trí Hiếu

Rủi ro nếu chậm tái cơ cấu ngân hàng

Mới đây, 2 ngân hàng 0 đồng là CBBank và OceanBank đã được chuyển giao bắt buộc cho Vietcombank và MB. Ông nhận xét gì về diễn biến này?

- Hiện toàn hệ thống ngân hàng có 5 đơn vị bị kiểm soát đặc biệt, gồm: OceanBank, CB, GPBank, DongABank và SCB. Trong đó, SCB là ngân hàng có quy mô lớn hơn rất nhiều so với 4 ngân hàng còn lại do đó, quá trình tái cơ cấu sẽ phức tạp hơn.

Một trong những nguyên tắc quan trọng là bảo đảm an ninh của hệ thống, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền. Do vậy, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) dùng các biện pháp kỹ thuật là mua 0 đồng để xử lý đối với những ngân hàng này.

Việc chuyển giao bắt buộc là phương án được quy định trong Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD), nhằm khắc phục tình trạng yếu kém của các ngân hàng thương mại. Trong thời gian qua, CB và OceanBank đã hoạt động dưới hình thức “0 đồng”, tức là không có khả năng tự chủ về tài chính và gặp khó khăn trong việc thu hút khách hàng.

Vậy nên, việc chuyển giao này không chỉ giúp cải thiện tình hình tài chính của hai ngân hàng mà còn tạo ra cơ hội cho Vietcombank và MB mở rộng quy mô hoạt động. Các ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc sẽ được hưởng một số cơ chế ưu đãi trên cơ sở tuân thủ Luật Các TCTD và các quy định khác.

Trong hoạt động chuyển giao bắt buộc CB cho Vietcombank và OceanBank cho MB không chỉ đơn thuần là một giao dịch tài chính. Đây là một phần trong chiến lược dài hạn của Chính phủ, NHNN nhằm nâng cao sức khỏe tài chính của hệ thống ngân hàng, tạo ra một môi trường tài chính vững mạnh và bền vững hơn.

Việc xử lý các ngân hàng yếu kém, bị kiểm soát đặc biệt, kéo dài từ năm 2015, được kỳ vọng sẽ khả quan trong năm 2024 sau khi có “ông lớn” ngân hàng chính thức nhận chuyển giao bắt buộc?

- Hiện, các ngân hàng trong diện này có tình hình tài chính rất khó khăn, như nợ xấu, tài sản tồn đọng cao, âm vốn chủ sở hữu, lỗ lũy kế có xu hướng tăng và không đáp ứng quy định về an toàn trong hoạt động ngân hàng. Một số ngân hàng thương mại tiềm ẩn rủi ro cao, gây mất an toàn hệ thống. Nếu việc xử lý kéo dài nhiều năm dẫn tới rủi ro có thể ngốn nguồn lực khi phải cho vay, đặc biệt để hỗ trợ các nhà băng yếu kém… Do đó, NHNN đang đẩy nhanh tiến độ chuyển giao bắt buộc với các đơn vị trên.

Mặc dù có nhiều cơ hội, nhưng cả Vietcombank và MB cũng phải đối mặt với không ít thách thức. Đặc biệt, việc cải thiện tình hình tài chính của CB và OceanBank sẽ là một nhiệm vụ không hề đơn giản. Cả 2 ngân hàng mới nhận chuyển giao đều cần có những chiến lược tái cấu trúc hiệu quả để khắc phục tình trạng lỗ lũy kế và nâng cao khả năng hoạt động.

Khá nhiều kỳ vọng cho hoạt động chuyển giao các ngân hàng yếu kém. Tuy nhiên, kết quả thực tế và lợi ích các bên đạt được đến đâu vẫn sẽ cần thêm thời gian để kiểm chứng.

Bài toán nợ xấu và tài sản không hiệu quả

Chính phủ chỉ đạo NHNN tiếp tục triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu. NHNN đặt mục tiêu đến cuối năm 2025, đưa nợ xấu toàn hệ thống (không bao gồm các ngân hàng thương mại yếu kém) ở mức dưới 3%. Ông đánh giá tình hình nợ xấu hiện nay ra sao?

- Nợ xấu và tái cơ cấu là hai phạm trù riêng biệt nhưng lại gắn kết với nhau. Hệ thống ngân hàng không thể thực hiện tái cơ cấu một cách toàn vẹn nếu không xử lý tốt nợ xấu. Ngược lại, xử lý nợ xấu sẽ không thể hiệu quả được nếu không thực hiện tái cơ cấu ngân hàng.

NHNN đã có nhiều động thái ngày càng quyết liệt nhằm thúc đẩy nhanh xử lý nợ xấu, tái cơ cấu như: ban hành các chỉ thị với yêu cầu cụ thể, quy định rõ ràng, kiên quyết; yêu cầu các ngân hàng báo cáo cụ thể tỷ lệ xử lý nợ xấu…

Sự quyết liệt trên thể hiện ý chí quyết tâm cao độ của NHNN hoàn thành các mục tiêu đặt ra. Nhưng, trong bối cảnh hiện nay, tôi nghĩ chúng ta không thể kỳ vọng quá lớn vào thời điểm cuối năm nay Việt Nam sẽ có hệ thống ngân hàng hoàn hảo nhất, nợ xấu được giải quyết một cách dứt điểm…

Thống kê của NHNN nợ xấu đang có xu hướng tăng là một vấn đề cần lưu ý, mức độ tăng cũng khá cao. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng đã lên gần 5%. Nếu bao gồm nợ tiềm ẩn có khả năng thành nợ xấu, nợ xấu bán cho VAMC..., thì con số tỷ lệ nợ xấu khoảng 6,9%.

Vậy theo ông, mấu chốt để giải quyết nợ xấu là gì?

- NHNN đã gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, ngày 23/4/2023 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng khó khăn, phần nào đáp ứng được nguyện vọng của hầu hết ngân hàng khi nền kinh tế phục hồi chậm, nhu cầu tín dụng yếu, tạo điều kiện cho DN trong việc trả nợ, còn ngân hàng tránh được nguy cơ nợ xấu tăng cao. Tuy nhiên, biện pháp này khiến con số nợ xấu trên chưa phản ánh đúng tình hình thực tế.

Thu hồi nợ xấu vẫn đang gặp khó khăn. Tại thời điểm này, các ngân hàng đang cấp tập rao bán tài sản thế chấp để xử lý, thu hồi nợ. Song để giải quyết vấn đề nợ xấu, có 2 vấn đề cần phải quan tâm: phát triển thị trường mua bán nợ và vực dậy thị trường bất động sản, bởi đa số nguồn vốn đang nằm tại thị trường này và đa số nợ xấu của hệ thống ngân hàng cũng là bất động sản, 80 - 90% tài sản thế chấp ngân hàng là bất động sản.

Ngoài ra, các bộ, ngành, NHNN, các cơ quan có thẩm quyền xem xét, hỗ trợ các TCTD trong quá trình xử lý nợ xấu, thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu; trong đó công tác tố tụng giải quyết vụ án tại Tòa án các cấp và thi hành án cần được giải quyết rút gọn, đẩy nhanh tiến độ. Tuy nhiên, trong vấn đề xử lý nợ xấu, nhất là nợ xấu liên quan đến khoản cho vay sân sau, công ty con của các ngân hàng.

NHNN tiếp tục tập trung thanh tra chuyên đề đối với những lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro trong hoạt động của các tổ chức tín dụng như cấp tín dụng tập trung vào các khách hàng lớn tiềm ẩn rủi ro, nhóm khách hàng (cho vay khách hàng cá nhân lớn...); hoạt động tư vấn, giới thiệu liên quan đến trái phiếu DN và các dịch vụ tư vấn, giới thiệu khác; thanh tra xử lý nợ xấu và thu hồi nợ ngoại bảng sau khi xử lý rủi ro; thanh tra tỷ lệ sở hữu cổ phần, mua bán, chuyển nhượng cổ phần...

Tình trạng sở hữu chéo dù giảm trên giấy tờ, song thực chất vẫn ăn sâu, bám rễ và ngày càng tinh vi khiến việc xử lý vô cùng khó khăn. Nói cách khác, tái cơ cấu ngân hàng không chỉ là xử lý nợ xấu, xử lý ngân hàng yếu kém, mà còn phải tái cấu trúc cả dòng vốn tín dụng toàn ngành.

Theo tôi, NHNN cần quyết liệt hơn trong thời gian tới đó là minh bạch hóa những thông tin; giám sát chặt, tăng chế tài, nếu phát hiện sai phạm rút giấy phép chứ không chỉ là xử phạt về hành chính.

Về phía các ngân hàng thương mại cổ phần cần, tăng cường các biện pháp kiểm soát nâng cao chất lượng tín dụng, đặc biệt tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro phát triển dịch vụ thanh toán dịch vụ phi tín dụng khác và mở rộng dịch vụ bán lẻ tín dụng tiêu dùng. Đẩy mạnh phát triển và đa dạng hóa dịch vụ ngân hàng, trong đó tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ ngân hàng truyền thống và phát triển nhanh các dịch vụ ngân hàng hiện đại.

Trước yêu cầu đẩy nhanh tiến độ xử lý các ngân hàng yếu kém, có ý kiến cho rằng nên tính đến giải pháp thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài?

- Một ngân hàng sức khỏe tốt sẽ sáp nhập một ngân hàng yếu kém ít nhiều bị ảnh hưởng nhiều đến hoạt động, chẳng hạn, kết quả kinh doanh có thể kém tích cực hơn trước bởi phải “ôm” cục nợ, nhân sự sẽ có sự xáo trộn, văn hóa DN cũng có thể bị ảnh hưởng…

Cách giải quyết hiệu quả được đưa ra, có thể là bán cho nhà đầu tư nước ngoài, bởi họ có nguồn lực để tăng vốn cho ngân hàng, tái cơ cấu nhiều mặt, trong đó xử lý nợ xấu một cách triệt để thay vì khoanh nợ như hiện nay. Tuy nhiên, để thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài, cần phải có quy định đặc cách về tỷ lệ sở hữu, nâng tỷ lệ đầu tư tối đa của họ vào các ngân hàng Việt Nam từ mức 30% lên 49% và đưa ra giá bán hợp lý.

Với tỷ lệ sở hữu chi phối, nhà đầu tư nước ngoài có thể tham gia vào việc tái cơ cấu và hoạch định các chiến lược phát triển ngân hàng. Điều này cũng phù hợp với lộ trình hội nhập quốc tế trong lĩnh vực ngân hàng với định hướng mở dần tỷ lệ sở hữu cho các đối tác ngoại.

NHNN cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan liên quan thực hiện các giải pháp để xử lý cơ bản các TCTD yếu kém. Chỉ đạo các ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc hoàn chỉnh phương án chuyển giao bắt buộc theo đúng quy định của pháp luật và chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền, trình Chính phủ phê duyệt và triển khai thực hiện. Ông nghĩ sao về thông điệp này?

- Như tôi vẫn nói, nợ xấu hiện đang tập trung chủ yếu ở các TCTD yếu kém, tuy nhiên chưa thể xử lý nhanh được do nhiều khoản nợ liên quan đến vụ án, hồ sơ pháp lý chưa hoàn chỉnh và khả năng trích lập dự phòng rủi ro của tổ chức tín dụng còn nhiều hạn chế. Tình trạng “sở hữu chéo”, tài sản bảo đảm được định giá không đúng giá trị, cho vay các DN “nội bộ”, “sân sau” còn phức tạp.

Các "ngân hàng 0 đồng" hay bị kiểm soát đặc biệt đều liên quan hàng loạt đại án khiến nhiều quan chức, doanh nhân nổi tiếng vướng lao lý như Hà Văn Thắm, Phạm Công Danh hay vụ án Vạn Thịnh Phát…

Tình hình sở hữu chéo trong ngành ngân hàng vẫn là vấn đề cần được giám sát chặt chẽ, nhằm bảo đảm sự an toàn và minh bạch cho hệ thống tài chính Việt Nam.

Xin cảm ơn ông!

 

Ngân hàng Thế giới (WB) khuyến cáo các cấp có thẩm quyền tại Việt Nam có thể ban hành chính sách nhằm cải thiện tỷ lệ an toàn vốn của các ngân hàng và tăng cường khung thể chế về giám sát an toàn (bao gồm phát hiện và xử lý các vấn đề về quan hệ giữa ngân hàng và các tập đoàn DN), can thiệp sớm và xử lý ngân hàng yếu kém (nhằm ngăn ngừa các ngân hàng sụp đổ gây ra các vấn đề mang tính hệ thống) và quản lý khủng hoảng…
TS Nguyễn Trí Hiếu