Sáng nay, 6/9, Đoàn giám sát số 2 của HĐND TP Hà Nội do Phó Chủ tịch HĐND TP Phạm Quí Tiên chủ trì đã làm việc với lãnh đạo các sở TN&MT, Công Thương, Ban QLDA ĐTXD công trình HTKT và nông nghiệp TP Hà Nội và các cơ quan, đơn vị liên quan về việc thực hiện các quy định pháp luật bảo vệ môi trường trong quản lý hoạt động thoát nước và xử lý nước thải (XLNT) trên địa bàn TP.
Dự buổi làm việc có Phó Chủ tịch UB MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Đàm Văn Huân; lãnh đạo các Ban HĐND TP, Văn phòng Đoàn ĐB Quốc hội và HĐND TP, các sở, ngành liên quan.
Nhiều bất cập cần sớm tháo gỡ
Chia sẻ những khó khăn, tồn tại trong công tác XLNT làng nghề hiện nay, Phó Giám đốc Sở TN&MT Mai Trọng Thái cho hay, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy Đảng, chính quyền về bảo vệ môi trường tại các UBND cấp xã chưa tập trung; trong khi lực lượng cán bộ quản lý môi trường cấp huyện thiếu, cán bộ chuyên trách môi trường cấp xã cũng vừa thiếu vừa chưa đúng chuyên môn. Công nghệ sản xuất tại nhiều làng nghề chủ yếu là thủ công và bán thủ công, lạc hậu nên quá trình sản xuất phát sinh nhiều khí thải và nước thải gây ô nhiễm môi trường; việc thay đổi tư duy, phương thức sản xuất theo xu hướng sản xuất sạch hơn, hạn chế ô nhiễm môi trường gặp nhiều khó khăn.
Ngoài ra, cơ sở hạ tầng bảo vệ môi trường tại nhiều làng nghề hạn chế do thiếu vốn, hoạt động sản xuất xen kẽ trong khu dân cư nên đường thoát nước thải vẫn sử dụng theo đường thoát dân sinh, nguy cơ cao gây ô nhiễm, ảnh hưởng sức khỏe người dân…
Từ đó, nêu các chỉ tiêu chủ yếu cần hoàn thành đến hết năm 2025, lãnh đạo Sở khẳng định, sẽ phối hợp các sở, ngành liên quan và UBND cấp huyện đẩy nhanh lập danh mục, lộ trình và phương án xử lý ô nhiễm môi trường nước đối với làng nghề trên địa bàn TP (giai đoạn 2020-2030) trình UBND TP phê duyệt, làm cơ sở triển khai thực hiện các chương trình, dự án XLNT tại làng nghề, các giải pháp về bảo vệ môi trường làng nghề, nhằm hoàn thành những chỉ tiêu đề ra.
Sở cũng đề xuất UBND cấp huyện đôn đốc UBND cấp xã xây dựng phương án bảo vệ môi trường làng nghề và triển khai thực hiện theo phương án được duyệt; chỉ đạo thực hiện các mô hình bảo vệ môi trường làng nghề, XLNT làng nghề theo phân cấp…
Phó Giám đốc Ban QLDA ĐTXD công trình HTKT và nông nghiệp TP Đặng Việt Trung cho hay, Ban có 27 dự án theo Quy hoạch (QH) thoát nước tại Quyết định 725/QĐ-TTg ngày 10/5/2013, gồm 8 dự án đã hoàn thành, 8 dự án chuyển tiểp đang thi công, 11 dự án giai đoạn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, chủ trương đầu tư; đã tích cực phối hợp các sở, ngành, quận, huyện triển khai chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư, giải quyết các dự án... Nhưng đầu tư lĩnh vực thoát nước, XLNT đòi hỏi nguồn lực rất lớn, ngân sách TP chưa kịp đáp ứng yêu cầu của QH 725/QĐ-TTg đề ra, sau gần 10 năm nhiều dự án chưa được đầu tư.
Cũng theo lãnh đạo Ban, hiện có 11 dự án giai đoạn lập, trình duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư thuộc Nghị quyết 21/NQ-HĐND ngày 23/9/2021 của HĐND TP với tổng vốn 24.591 tỷ đồng theo QH thoát nước tại Quyết định 725/QĐ-TT; 7 dự án trong danh mục dự án khởi công mới cần đẩy nhanh chuẩn bị đầu tư và bố trí vốn hàng năm theo tiến độ thực tế. Hiện 7/11 dự án đã được UBND TP có quyết định giao các sở Xây dựng, NN&PTNT chủ trì, Ban QLDA phối hợp lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư. Để sớm thực hiện các mục tiêu theo Quyết định 725/QĐ-TTg, Ban đề nghị TP tiếp tục giao 4/11 dự án còn lại cho Sở Xây dựng chủ trì, Ban phối hợp lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư; TP cân đối bố trí vốn cho 11 dự án này để đầu tư giai đoạn 2022-2025.
Còn theo Sở Công Thương, trên địa bàn TP có 70 cụm công nghiệp (CCN) đang hoạt động, đến tháng 8/2022 có 30 CCN đã có hệ thống XLNT tập trung, 11 CCN do Ban QLDA ĐTXD công trình HTKT và nông nghiệp TP đang tập trung thực hiện dự kiến năm nay hoàn thành đưa vào hoạt động. Hạn chế là tiến độ triển khai dự án ĐTXD hệ thống XLNT tập trung tại các CCN đã hoạt động ổn định giai đoạn 2014-2015 đang bị chậm so với Đề án; một số CCN được đầu tư đồng bộ trạm XLNT tập trung song chưa phát huy hiệu quả; một số CCN có trạm XLNT tập trung nhưng các DN, hộ dân trong CCN chưa thực hiện nghiêm đấu nối xả thải với hệ thống này. Thu phí nước thải cũng nhiều khó khăn do chủ đầu tư chưa xác định giá dịch vụ thoát nước và lưu lượng nước của DN...
Vì vậy, lãnh đạo Sở kiến nghị UBND TP có cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư hoàn thiện HTKT tại các CCN, do hiện cơ sở hạ tầng ban đầu xây dựng đã xuống cấp nên cần kinh phí cải tạo, bảo dưỡng; có cơ chế hỗ trợ kinh phí để vận hành trạm XLNT khi nguồn thu chưa đảm bảo cân đối với nguồn kinh phí quản lý, vận hành.
Với các CCN diện tích nhỏ chưa đầu tư hệ thống XLNT có giải pháp đấu nối nước thải của các CCN đó với các CCN khác đang triển khai gần đó đã có hệ thống XLNT để tránh lãng phí tài chính trong vận hành trạm; với CCN không còn quỹ đất để xây dụng trạm XLNT thì đề nghị bổ sung QH để triển khai... Cùng đó, đề nghị TP tăng cường thanh, kiểm tra xứ lý vi phạm bảo vệ môi trường với DN tự ý khai thác nước ngầm phục vụ sản xuất, không đấu nối nước thải vào hệ thống xử lý của CCN.
Rà soát kỹ, đưa ra giải pháp hiệu quả khắc phục bất cập
Ghi nhận cố gắng của các sở, ngành, tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát cũng thẳng thắn nêu một số vấn đề bất cập cần định hướng giải quyết. Trong đó, vai trò của Sở TN&MT trong phối hợp các sở, ngành TP quản lý, cấp phép về môi trường nhất là với dự án XLNT; việc thực hiện quy định pháp luật về bảo vệ môi trường trong quản lý thoát nước và XLNT; vai trò thực hiện thanh, kiểm tra về bảo vệ môi trường…
Đáng chú ý, nêu chuyển biến tại các trạm XLNT rất chậm, dù đã qua nhiều lần được giám sát, một số ý kiến đề nghị thẳng thắn chỉ ra, hiện 26/70 CCN trên địa bàn TP có trạm XLNT nhưng hiệu quả hoạt động trạm, chất lượng xả thải cần đánh giá rõ hơn. Việc thực hiện xã hội hóa đầu tư được triển khai, giải pháp từ đầu tư đến xây dựng, bàn giao, quản lý vận hành các trạm XLNT cũng là vấn đề được đặt ra...
Sau khi lãnh đạo sở, ngành trao đổi làm rõ những vấn đề này, kết luận giám sát, Phó Chủ tịch HĐND TP Phạm Quí Tiên nhấn mạnh, công tác bảo vệ môi trường nói chung và bảo vệ môi trường trong hoạt động XLNT tại các khu, CCN, nước thải làng nghề luôn được TP quan tâm chỉ đạo kịp thời bằng các nghị quyết chuyên đề, chương trình công tác, kế hoạch… Trong đó, HĐND TP đã ban hành các nghị quyết chuyên đề về cơ chế, chính sách và đưa chỉ tiêu tỷ lệ CCN đang hoạt động ổn định có hệ thống XLNT tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường hoặc quy chuẩn quốc gia vào Nghị quyết phát triển KT-XH hằng năm.
Từ chỉ đạo của TP, các sở, ngành liên quan đã có nhiều cố gắng, trong đó các Sở TN&MT, Sở Công Thương tích cực tham mưu UBND TP ban hành nhiều văn bản triển khai thực hiện; chỉ đạo các quận, huyện có khu, CCN, làng nghề xây dựng chương trình, kế hoạch nhằm thực hiện các mục tiêu tăng cường bảo vệ môi trường trong quản lý hoạt động thoát nước, XLNT... Triển khai QH thoát nước Thủ đô tại Quyết định 725/QĐ-TTg, Ban QLDA ĐTXD công trình HTKT và nông thôn TP được giao tổ chức triển khai thực hiện 27 dự án, đến nay 8 dự án đã hoàn thành, đóng góp quan trọng vào hệ thống thoát nước TP.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch HĐND TP đề nghị trước những hạn chế bất cập đã được nhìn nhận, các sở, ngành đánh giá kỹ thực trạng thực hiện các quy định pháp luật bảo vệ môi trường trong quản lý hoạt động thoát nước và XLNT trên địa bàn TP, chú ý yếu tố lịch sử, so sánh với các chỉ tiêu, mục tiêu trong các chương trình của Thành uỷ, nghị quyết của HĐND TP, kế hoạch của UBND TP, đặc biệt yếu tố lịch sử ở các CCN, làng nghề, từ đó đưa ra giải pháp khắc phục bất cập, xác định nhiệm vụ đến năm 2025 và 2030.
"Cần rà soát kỹ 29 CCN còn lại chưa có hệ thống XLNT, phân tích để xây dựng lộ trình, điều chỉnh cho phù hợp thực tế, đánh giá sự cần thiết tiếp tục đầu tư ở CCN nào và CCN nào không cần thiết đầu tư. Với những CCN đang được đầu tư hệ thống XLNT từ ngân sách thì cần đảm bảo tiến độ. Các sở, ngành cũng cần rà soát toàn bộ QH, đánh giá kỹ chế tài, cần thiết thì tham mưu tăng mức xử phạt vi phạm trong lĩnh vực này, đặc biệt liên quan cơ chế chính sách để đề xuất với TP, nhằm quản lý công tác này tốt hơn"- Phó Chủ tịch HĐND TP nêu rõ.