Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xử lý nước thải đô thị: Thiếu từ quy chuẩn đến hạ tầng kỹ thuật

Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xử lý nước thải đô thị đang được xem là một trong những thách thức lớn đối với nhiều đô thị tại Việt Nam, đặc biệt là các TP lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh…

Theo đánh giá của giới chuyên gia, nhiều TP chưa nhận thức hết được những nguy cơ môi trường do nước thải đô thị gây ra, hoặc có biết cũng chưa đủ nguồn lực để hóa giải nguy cơ đó.

Thủ phạm bức tử hàng loạt sông, hồ

Trong số những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nước, nguồn nước thải chưa qua xử lý hoặc xử lý không triệt để được xem là tác nhân nguy hiểm nhất đối với sức khỏe của nhóm ao, hồ, sông tại các đô thị lớn. Trong vài năm qua, hàng loạt sự cố môi trường nghiêm trọng có liên quan đến ô nhiễm nước đã xảy ra tại các đô thị; đơn cử như Hà Nội với những vụ việc cá chết tại hồ Tây, hồ Hoàng Cầu, hồ Linh Đàm… Theo nghiên cứu, đánh giá của các nhà khoa học, hầu hết hồ trên địa bàn Hà Nội đều có chung tình trạng mất khả năng tự phục hồi. Nói cách khác, sức khỏe nội tại của hồ quá yếu do ô nhiễm kéo dài, tình trạng phú dưỡng - thừa chất hữu cơ - khiến lượng ô xy sụt giảm, kích thích tảo độc phát triển… dần bức tử hệ thủy sinh của hồ.

Vận hành xử lý nước thải đô thị tại Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở. Ảnh: Hải Linh

Theo đánh giá của PGS.TS Trần Việt Nga (Đại học Xây dựng), khâu xử lý nước thải đô thị đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Đó là: sự gia tăng lưu lượng và tải lượng chất ô nhiễm, đặc biệt là Nitơ và Phốt pho trong lưu vực thoát nước; đặc tính nước thải phức tạp, khó xử lý… “Ngoài ra những hạn chế về hạ tầng kỹ thuật, nhân sự, năng lực xử lý nước thải của lực lượng chuyên trách cũng đang là vấn đề cấp bách cần lời giải toàn diện” - bà Nga nhìn nhận. Về vấn đề này, TS Nguyễn Phương Quý - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển môi trường SFC Việt Nam cho biết, Nitơ và Phốt pho trong nước thải có nguồn gốc từ rác sinh hoạt, chăn nuôi, rác phân hủy và các chất tẩy rửa đang ngày càng được sử dụng nhiều ở đô thị. Hàm lượng Nitơ, Phốt pho càng cao thì càng gia tăng tình trạng phú dưỡng, kích thích tảo độc phát triển, đe dọa sự an toàn của hệ thủy sinh.

Những con số biết nói

Theo lãnh đạo Bộ TN&MT, hiện chưa có những quy chuẩn, quy định riêng về xử lý Nitơ và Phốt pho trong nước thải. Điều đó cho thấy, không chỉ hạ tầng kỹ thuật mà cả các quy định pháp lý cũng chưa theo kịp sự gia tăng của nước thải có nồng độ Nitơ và Phốt pho cao. Còn theo Hội cấp thoát nước Việt Nam, tính đến cuối năm 2016, hệ thống hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường trên cả nước chỉ mới xử lý được hơn 10% tổng lượng nước thải đô thị. Hiện tại các tỉnh, thành mới chỉ có 35 hệ thống xử lý nước thải tập trung đang hoạt động với tổng công suất thiết kế khoảng 850.000m3/ngày đêm. Trong đó chỉ có 5 nhà máy có công nghệ xử lý sinh học sơ bộ (hồ kỵ khí ); 15 nhà máy có công nghệ xử lý sinh học bậc 2; 8 nhà máy xử lý sinh học bậc 2 kết hợp xử lý Nitơ và chỉ có 7 nhà máy xử lý sinh học kết hợp xử lý Nitơ, Phốt pho triệt để. Đa số các nhà máy xử lý nước thải chỉ loại bỏ chất hữu cơ và vi sinh vật gây bệnh mà chưa chú trọng đến vấn đề xử lý Nitơ, Phốt pho trong nước thải. Nhiều trường hợp các nhà máy xử lý được thiết kế và vận hành không phù hợp với đặc tính nước thải thực tế, dẫn tới giảm hiệu quả bảo vệ môi trường, giảm hiệu quả đầu tư.

Bên cạnh sự thiếu hụt nghiêm trọng các quy chuẩn, hạ tầng kỹ thuật, nhân lực chuyên trách, quá trình xử lý nước thải đô thị còn đòi hỏi phải có nguồn lực tài chính rất lớn. Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư phát triển môi trường SFC Việt Nam, TS Nguyễn Phương Quý chia sẻ, xử lý nước thải là một lĩnh vực đầu tư gần như không có lợi nhuận, do đó rất khó thu hút vốn xã hội hóa. Đại diện Hội Cấp thoát nước Việt Nam cho biết, đến nay số DN tư nhân đổ tiền vào lĩnh vực này chỉ có thể đếm được trên đầu ngón tay, trong khi đó, năng lực, công nghệ của các đơn vị công ích thuộc khối quốc doanh lại còn quá nhiều hạn chế. Nếu không có sự điều chỉnh kịp thời trong chính sách thu hút đầu tư, không kêu gọi, tận dụng được nguồn lực của khối DN tư nhân, vấn đề xử lý nước thải đô thị tại nước ta sẽ còn gặp nhiều khó khăn, chậm tiến triển và hệ lụy ngày một nặng nề hơn.

Cần chiến lược lâu dài

PGS. TS Trần Đức Hạ - Viện nghiên cứu cấp thoát nước và môi trường nhìn nhận, khó khăn lớn nhất trong xử lý nước thải đô thị hiện nay là thiếu công nghệ hiện đại. Hiện nước ta đang áp dụng từ 5 - 6 loại công nghệ xử lý nước thải (cả hóa học và sinh học), nhưng chỉ có 3 công nghệ đáp ứng tốt các tiêu chuẩn đề ra, đặc biệt là xử lý được Nitơ và Phốt pho. PGS. TS Trần Thị Việt Nga cũng cho rằng, cần phải có nhận thức đúng đắn về tác hại của Nitơ, Phốt pho khi không được xử lý phù hợp, thải bỏ vào môi trường nước. Từ đó hình thành những quy chuẩn, tiêu chuẩn bắt buộc đối với khâu xử lý nước thải đô thị; yêu cầu chủ đầu tư, tư vấn và đơn vị vận hành dây chuyền xử lý phải đáp ứng các tiêu chuẩn ngay từ khâu thiết kế. Đối với các nhà máy xử lý nước thải đã xây dựng mà chưa đạt chuẩn thì phải có giải pháp điều chỉnh hoặc nâng cấp công nghệ cho phù hợp với thực tế.

TS Nguyễn Phương Quý chia sẻ, dây chuyền công nghệ xử lý nước thải SBR mà Công ty CP Đầu tư phát triển môi trường SFC Việt Nam đang vận hành có xuất xứ từ Úc. Công nghệ này ra đời năm 1970 khi chính phủ Úc nhận thấy nguy cơ ô nhiễm nước gia tăng do Nitơ và Phốt pho. “Song song với việc tìm kiếm công nghệ xử lý, Chính phủ Úc đã đưa ra lệnh cấm sử dụng một số chất hóa học trong tẩy rửa như phốt pho chẳng hạn, nhằm kiểm soát và hạn chế nguồn thải nhiễm độc tận gốc. Chúng ta cũng cần sớm quan tâm đến khâu này để đưa ra chiến lược lâu dài bảo vệ môi trường nước” - ông Quý cho hay.

Một trở ngại lớn cũng đang rất cần cơ quan quản lý nhà nước sớm có biện pháp giải quyết là thu hút nguồn vốn xã hội hóa cho hoạt động xử lý nước thải đô thị. Hiện không ít DN muốn đầu tư vào lĩnh vực này nhưng do lợi nhuận thấp, ít hấp dẫn, thủ tục vẫn khá phức tạp nên chỉ có một số DN tiềm lực mạnh, có nền tảng công nghệ và nhân lực chuyên nghiệp, hiện đại mới dám dấn thân vào thử thách.

Nước thải công nghiệp và sinh hoạt đang là nguồn chính gây ô nhiễm môi trường nước tại các đô thị lớn. Hàm lượng Nitơ, Phốt pho trong nước thải không được kiểm soát ngay từ đầu vào đang khiến tình trạng phú dưỡng trên các sông hồ tăng cao, gây độc cấp tính và mãn tính diện rộng với hệ sinh thái nước. Nitơ và Phốt pho không chỉ là 2 tác nhân gây ra hiện tượng phù dưỡng trong nguồn nước sông, hồ mà còn có nguy cơ tạo nên chất tiền ung thư, suy hô hấp ở trẻ em…

PGS.TS Trần Thị Việt Nga  (Đại học Xây dựng)


Theo thống kê của Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng), tính đến hết năm 2016, hệ thống hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường trên cả nước mới đáp ứng xử lý được khoảng 10% lượng nước thải sinh hoạt và 40% lượng nước thải công nghiệp. Phần lớn trong khoảng 5.000 làng nghề trên toàn quốc vẫn chưa có trạm xử lý nước thải.