Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xử lý nước thải sinh hoạt: Tạo cơ chế hấp dẫn để thu hút đầu tư

Vũ Khoa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trên địa bàn TP Hà Nội hiện nay còn nhiều khu nhà ở, khu đô thị tập trung đông dân cư nhưng thiếu hệ thống xử lý nước thải đầu nguồn. Do đó, nước thải được xả thẳng ra môi trường, kéo theo hàng loạt nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường đất, nước, không khí.

Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở, Hoàng Mai. Ảnh: Công Hùng
Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở, Hoàng Mai. Ảnh: Công Hùng

Nhiều hệ lụy lâu dài

Theo thạc sĩ địa chất và môi trường Nguyễn Phương Đông, nước thải sinh hoạt bao gồm những thành phần chính như hợp chất lơ lửng, vi khuẩn và một phần chất thải rắn. Trong đó, các hợp chất gồm hạt lơ lửng không thể nhìn thấy bằng mắt thường nhưng cấu tạo rất bền vững. Thành phần này đặc biệt gây hại cho cơ thể con người, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước, thực phẩm cũng như hệ sinh thái. Đi kèm là vi khuẩn gây hại hình thành khi các loại chất thải rắn sinh hoạt (thực phẩm, đất cát...) bị ngưng tụ lâu dài ngoài môi trường.

Bên cạnh những biểu hiện dễ thấy như mùi hôi thối, bệnh ngoài da, bệnh tiêu hóa, ô nhiễm có nguyên nhân từ nước thải sinh hoạt còn để lại di chứng lâu dài, gây ảnh hưởng đến động thực vật, đất đai, không khí, mạch nước ngầm và các nguồn nước tự nhiên như sông ngòi, kênh rạch. Theo Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, TS Phùng Sỹ Chí, Hà Nội hiện là đô thị có tốc độ phát triển rất nhanh.

Tuy nhiên, công tác xử lý nước thải tại các khu dân cư, khu đô thị lớn dường như chưa theo kịp nhu cầu. Nhiều nơi, nước thải chưa được xử lý hoặc mới xử lý được một phần nhỏ rồi xả trực tiếp ra ao hồ, kênh rạch, sông nội thành gây ô nhiễm môi trường nước mặt.

Tại một số khu đô thị trên địa bàn TP đến nay vẫn không có quy hoạch xây dựng trạm xử lý nước thải riêng biệt như dự án khu đô thị Mỹ Đình I, Trung Hòa - Nhân Chính, Làng Quốc tế Thăng Long, Linh Đàm, Định Công, Pháp Vân – Tứ Hiệp, Văn Quán, Yên Phúc, Xa La... mặc dù từ năm 2014, đã có quy định bắt buộc các chủ đầu tư khi xây dựng khu đô thị phải có hạ tầng xử lý rác cục bộ trước khi đưa vào mạng lưới chung. Chưa kể, hệ thống xử lý nước thải tại nhiều làng nghề, cụm công nghiệp chưa hoàn chỉnh càng khiến hiểm họa ô nhiễm tăng cao.

Tăng cường nguồn lực

Về hệ thống xử lý nước thải cục bộ tại khu dân cư, khu đô thị, thạc sĩ Nguyễn Phương Đông cho rằng, hiện nay trên địa bàn Hà Nội còn tồn tại tình trạng thiếu đồng bộ, nơi có, nơi không. Để có giải pháp tháo gỡ hiệu quả, trước hết TP cần yêu cầu các chủ đầu tư thực hiện nghiêm theo quy định của pháp luật hiện hành, trong đó phải có hệ thống xử lý nước thải cục bộ. Nơi nào thiếu, chủ đầu tư phải có trách nhiệm bổ sung để phù hợp với quy hoạch phân khu và kết nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Với dự án đang triển khai đã có thiết kế hạ tầng trạm xử lý, nhà máy, cơ quan quản lý cần đôn đốc chủ đầu tư thực hiện đúng quy định thì mới được đưa vào sử dụng. Ngoài ra, để bảo vệ nguồn tài nguyên nước lâu dài, bền vững cũng cần tăng cường chế tài đối với các hành vi vô trách nhiệm, gây ô nhiễm nguồn nước.

Trên thực tế, vấn đề thiếu nhà máy xử lý nước thải không chỉ diễn ra cục bộ tại các khu dân cư, khu đô thị. Nhiều dự án xử lý tập trung cũng đang đình trệ. Việc thực hiện Quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (theo Quyết định 725/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) cũng bộc lộ không ít hạn chế do thiếu nguồn lực.

Do đó, nhiều chuyên gia cho rằng, TP cần quan tâm hơn đối với khâu quy hoạch, tránh chồng chéo. Đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút DN tư nhân cùng tham gia xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Cùng với đó, các địa phương cũng cần xem xét phương án cải tạo hệ thống sông, hồ điều hòa nhằm tạo ra sự kết nối với hệ thống thoát nước đô thị.

Theo quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn 2050 hệ thống nước thải khu vực đô thị TP sẽ phân chia thu gom xử lý theo 39 khu vực, gồm 41 nhà máy với công suất đến năm 2030 phải đạt được là 1.880.300m3/ngày đêm và đến năm 2050 đạt 2.482.500m3/ngày đêm. Thời gian qua, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo các sở, ngành thực hiện tổng rà soát nội dung về hạ tầng kỹ thuật cho thoát nước, xử lý nước thải của các khu vực phát triển đô thị và khu nhà ở, khu dân cư. Qua đó, xác định danh mục, phân loại khu vực để có kế hoạch triển khai xử lý môi trường hiệu quả.

 

Trên quan điểm thực hiện theo phương thức Nhà nước và tư nhân cùng làm, các đơn vị cần nghiên cứu tạo ra cơ chế giá, chính sách thu hút được DN đầu tư hệ thống xử lý nước thải. Mặt khác, phải đảm bảo tính ổn định để DN yên tâm đầu tư, tránh việc cơ chế, chính sách liên tục thay đổi, gây ảnh hưởng đến quá trình triển khai các dự án xử lý, thoát nước.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh