Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xử lý rác thải bằng chế phẩm sinh học tại huyện Hoài Đức: Mô hình tốt cần cơ chế hỗ trợ

Bài, ảnh: Tùng Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2015, Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT Hà Nội) phối hợp với Trung tâm Phát triển công nghệ Việt - Nhật triển khai Dự án phổ biến kiến thức và hỗ trợ người dân xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức xử lý rác thải thành phân hữu cơ vi sinh. Dự án nhận được sự ủng hộ cao từ phía người dân.

Tuy nhiên, sau giai đoạn thí điểm được hỗ trợ trang thiết bị, vật tư miễn phí, đến nay, không còn hộ dân nào tiếp tục thực hiện.

Hai thùng nhựa dùng để phân loại rác thải tại nguồn mà người dân xã Tiền Yên được cấp phát miễn phí từ năm 2015.

Năm 2015, gia đình anh Nguyễn Khắc Bút, thôn Tiền Lệ được chọn là một trong 100 hộ dân trên địa bàn xã Tiền Yên tham gia dự án xử lý rác thải nêu trên. Theo đó, gia đình anh được cấp phát miễn phí chế phẩm sinh học EM Bokashi để xử lý phụ phẩm nông nghiệp trên đồng ruộng. Anh Bút cho hay: Với 3 sào rau màu, khoảng 40 ngày sẽ thu hoạch được 1 tấn rau/sào, trong đó có khoảng 1 tạ phụ phẩm nông nghiệp. Khi xử lý bằng EM Bokashi, sau khoảng 15 - 30 ngày, 1 tạ phụ phẩm sẽ cho 10kg phân hữu cơ vi sinh. Ngoài ra, gia đình anh Bút còn được cấp phát hai thùng nhựa phục vụ phân loại rác vô cơ và hữu cơ. Tuy nhiên, đến nay, cả hai thùng nhựa được dùng để chứa rác thải chung. Gia đình anh Bút cũng đã không còn sử dụng EM Bokashi để xử lý rác thải.

Theo Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Tiền Yên Nguyễn Văn Hoa, thực tế quá trình triển khai những năm 2015 - 2016 cho thấy, bên cạnh tiết kiệm chi phí sản xuất, giúp cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt hơn, việc sử dụng EM Bokashi xử lý rác thải còn có ý nghĩa rất lớn đối với bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, sau giai đoạn thí điểm thành công, đến nay, dự án gần như đã… dừng hoạt động, do chế phẩm EM Bokashi có giá khá đắt (khoảng 20.000 đồng/lít). Ngoài chế phẩm trên, người dân còn phải mua thêm gỉ mật với giá hơn 4.000 đồng/lít để phối trộn. "Đời sống còn nhiều khó khăn khiến việc bỏ một khoản chi phí để xử lý môi trường là bài toán khó đối với phần lớn người dân. Hệ quả là đến nay, trên địa bàn xã không còn hộ dân nào sử dụng EM Bokashi để xử lý rác thải nữa..." - ông Hoa cho hay.

"Việc triển khai thí điểm dự án cho thấy tính hiệu quả, nhưng sau đó không thể tiếp tục triển khai nhân rộng là điều hết sức đáng tiếc..." - Phó Chủ tịch UBND xã Tiền Yên Nguyễn Như Khương bày tỏ quan điểm. Theo ông Khương, điều này đặt ra bài toán đối với công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực môi trường. Nên chăng, trong bối cảnh đời sống người dân vẫn còn những khó khăn nhất định, các cấp, ban ngành cần có cơ chế hỗ trợ để người dân tiếp cận, ứng dụng công nghệ vào giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường đang rất nóng hiện nay ở nông thôn. Đây là sự đồng hành cần thiết, để từ đó, biến mỗi người dân trở thành chủ thể trong gìn giữ môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp.