Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xử lý rác thải tại nông thôn Hải Phòng: Tìm lời giải cho bài toán khó

Bài, ảnh: Vĩnh Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xử lý rác thải tại nông thôn Hải Phòng đang là bài toán khó cần sớm có lời giải để đảm bảo hiệu quả về môi trường bền vững và xây dựng nông thôn mới.

Lượng thải nhiều, kinh phí thấp

Thống kê sơ bộ gần đây nhất, TP Hải Phòng hiện có dân số 1.980.800 người, trong đó nội thành chiếm 42,01%, nông thôn là 56,29%... Lượng rác thải sinh hoạt trung bình một người tại thành thị là 1,25kg/ngày, nông thôn là 0,82kg/ngày. Lượng rác thải toàn TP là gần 1.987 tấn/ngày, thu gom đạt 94,61%. Trong khi đó, quy hoạch xử lý chất thải rắn trên địa bàn TP đến năm 2025 có 7 khu xử lý rác tại các huyện: Vĩnh Bảo, Thủy Nguyên, Tiên Lãng, Kiến Thụy, An Lão, Cát Hải, Bạch Long Vỹ. Quá trình triển khai thực hiện, có 3 địa điểm quy hoạch phù hợp với thực tế và được sự đồng thuận của người dân (Minh Tân, huyện Thủy Nguyên; Áng Chà Chà, huyện Cát Hải và Trấn Dương, huyện Vĩnh Bảo). Vị trí quy hoạch tại xã Tân Trào, huyện Kiến Thụy không phù hợp với thực tế, do ảnh hưởng hành lang thoát lũ sông Văn Úc nên cần phải điều chỉnh. Vị trí quy hoạch tại xã Cấp Tiến, huyện Tiên Lãng đang xin ý kiến đồng thuận của người dân về vị trí và phương thức xử lý. Vị trí quy hoạch tại Trường Thọ, huyện An Lão nằm trong quy hoạch khu công nghiệp Tràng Duệ mở rộng giai đoạn 3 và khu sân golf, không được sự đồng thuận của người dân, hiện nay không tìm được địa điểm khác phù hợp để quy hoạch xây dựng khu xử lý chất thải rắn tập trung của huyện.

Bãi rác Hoàng Xá, thị trấn An Lão, TP Hải Phòng.

Vì thế, theo kế hoạch đặt ra của TP đến năm 2015 phải xây dựng thành công các khu xử lý rác tập trung tại địa bàn các huyện, nhưng trên thực tế đã không được thực thi như mong đợi. Việc xử lý hiện nay tại các huyện mới chỉ dừng ở việc chôn lấp tại các bãi rác tạm. Điều này khiến người dân lo ngại vì chỉ thời gian ngắn nữa sẽ không còn chỗ để đổ rác tạm, trong khi việc đầu tư kinh phí cho công tác xử lý tại nông thôn còn rất hạn chế. Mỗi năm ngân sách chỉ cấp khoảng hơn 100 triệu đồng/xã từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường nên còn rất hạn chế cho công tác xử lý rác thải tại các bãi rác tạm theo đúng quy trình.

Liên quan đến xử lý rác thải, Sở NN&PTNT Hải Phòng cũng đã có nhiều chương trình đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao ý thức cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường. Một số chương trình đã được triển khai như Ngày VSMT nông thôn, định kỳ vào cuối tháng, tất cả các xã trên địa bàn các huyện dành ra một ngày, huy động tất cả các lực lượng và Nhân dân để tự thu dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm, trụ sở làm việc, nơi ở và các địa bàn công cộng. Đây là phong trào đang được nhân rộng và trở thành một mô hình tốt đối với cộng đồng xã hội, tạo thành một thói quen đáng để mọi người học tập và tạo lập cho mình ý thức tự giác để bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT cũng đã phối hợp với Sở TN&MT xây dựng hướng dẫn chi tiết việc xử lý rác thải tại các bãi rác tạm nhằm giảm thiểu ô nhiễm và tăng công năng sử dụng trong thời gian chưa có khu xử lý rác tập trung; xây dựng lộ trình đóng cửa các bãi rác đã quá tải; phối hợp Sở Tài chính tham mưu UBND TP bổ sung thêm kinh phí sự nghiệp môi trường hàng năm cho các xã với mục tiêu xử lý rác thải tại các bãi rác tạm; hướng dẫn các địa phương thành lập các tổ đội thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt trên địa bàn.

Loay hoay xử lý bãi rác tạm

Tại địa bàn nông thôn hiện có nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực giày da, nên việc ký hợp đồng thu gom, xử lý chất thải công nghiệp của các cơ sở sản xuất còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, chất thải rắn làng nghề đang được tái sử dụng một phần, còn lại chưa ký hợp đồng chuyển giao cho các đơn vị có chức năng thu gom, xử lý theo quy định. Đến nay, vẫn còn tình trạng đổ rác công nghiệp tại các bãi rác tạm hoặc tại các nơi khác trên địa bàn nông thôn.

Đối với chất thải rắn làng nghề, hiện nay trên địa bàn TP có 18 làng nghề, rác thải một phần được tái sử dụng, phần còn lại được tập trung tại khu vực làng nghề hoặc thu gom xử lý chung rác thải thông thường.

Đối với rác thải y tế, trên địa bàn các huyện có 9 bệnh viện, 9 trung tâm y tế tuyến huyện và 153 trạm y tế xã/thị trấn. Một số cơ sở y tế tuyến xã thực hiện tự xử lý rác thải y tế bằng lò đốt thủ công; vẫn còn hiện tượng một số cơ sở y tế tư nhân, tuyến xã chưa ký hợp đồng với đơn vị có chức năng để chuyển giao xử lý chất thải rắn y tế.

Hải Phòng mới chỉ có 1 khu xử lý chất thải rắn tập trung tại xã Minh Tân, huyện Thủy Nguyên, do Công ty CP Thương mại và Dịch vụ kho vận Phú Hưng đầu tư xây dựng. 6 huyện còn lại đang phối hợp với Sở Xây dựng rà soát vị trí, điều chỉnh quy hoạch; huyện An Lão không tìm được vị trí xây dựng phù hợp; huyện Bạch Long Vỹ chưa đề xuất thực hiện đầu tư xây dựng khu xử lý tập trung theo quy hoạch.