Tồn đọng khó xử lý
Số liệu tổng hợp của UBND TP Hà Nội trình HĐND TP kết luận thanh tra về trật tự xây dựng trên địa bàn, trong đó có nhiều công trình “khủng” sai phạm đã được xử lý, có thể kể đến: Dự án đầu tư xây dựng và quản lý vận hành chung cư 93 Lò Đúc (Hai Bà Trưng).
Theo kết luận của Thanh tra TP (ngày 29/9/2015), dự án xây dựng sai so với Giấy phép xây dựng (GPXD) tại tầng 28, 29 và 30. Cụ thể, tầng áp mái (tầng 28) và tầng tum (tầng 29) chia căn hộ và tầng 30 không có trong GPXD. Tổng thanh tra Chính phủ và UBND TP Hà Nội đã tiếp công dân và chỉ đạo: giữ nguyên hiện trạng tầng 28, 29; tầng 30 không xử phạt mà để lại làm diện tích chung của nhà chung cư.
Tương tự là trường hợp Tòa nhà 8B Lê Trực (Ba Đình), đã hoàn thành phương án phá dỡ phần sai phạm giai đoạn 1 (tầng 19 + tum thang), đang phối hợp, đôn đốc UBND quận Ba Đình khẩn trương thực hiện lập thẩm tra phương án phá dỡ giai đoạn 2 (tầng 17 - 18) theo chỉ đạo của UBND TP. Sau khi xem xét đề nghị của nhà thầu thi công phá dỡ về việc không bảo đảm an toàn và kết cấu của tòa nhà, UBND TP Hà Nội đã có văn bản xin ý kiến Bộ Xây dựng, các cơ quan chuyên môn để có phương án tháo dỡ giai đoạn 2 cho phù hợp.
Mặc dù, chính quyền TP Hà Nội đã tích cực trong việc xử lý những sai phạm vượt tầng, số lượng công trình sai phạm giảm, nhưng thời gian gần đây tình trạng sai phạm trật tự xây dựng lại diễn ra với chiều hướng phức tạp, việc xử lý các công trình sai phạm còn tồn đọng gặp nhiều khó khăn.
Tại báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội về việc xử lý các công trình tồn đọng, trong giai đoạn 2015 - 2016, cho thấy không đạt kết quả và tiến độ theo yêu cầu. Cụ thể, tính đến cuối năm 2019, trong số 40 công trình sai phạm trong giai đoạn này, chính quyền các quận, huyện và cơ quan chức năng mới xử lý được 2 công trình, còn tồn đọng 38 công trình. Đáng chú ý, tình trạng sai phạm GPXD không chỉ xảy ra ở các công trình lớn của các DN, mà còn diễn ra phổ biến ở các công trình nhỏ lẻ của người dân.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong thời gian qua, ngoài những vấn đề tồn đọng liên quan đến công tác quản lý nhà chung cư trên địa bàn, vấn đề về vi phạm trật tự xây dựng vẫn diễn ra phức tạp, khó xử lý. “Công tác bảo đảm trật tự xây dựng đô thị đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng kết quả chưa vững chắc. Vi phạm trật tự xây dựng vẫn còn những diễn biến phức tạp, một số công trình tồn đọng từ các năm trước vẫn chưa được giải quyết, xử lý dứt điểm. Số lượng công trình vi phạm mới vẫn ở mức cao, trường hợp xây dựng trên đất nông nghiệp, đất công, đất rừng vẫn còn phổ biến” - ông Dũng cho hay.
Cũng theo đại diện lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội, số lượng các công trình vi phạm trật tự xây dựng trong thời gian qua vẫn còn nhiều, một phần là do lực lượng thanh tra xây dựng tại các địa bàn còn mỏng. Khi các Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị được chuyển biên chế theo sự quản lý của UBND các quận, huyện, thị xã thì việc phối hợp với chính quyền sở tại chưa mang lại kết quả như yêu cầu.
Xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm
Tháng 10/2019, UBND TP Hà Nội, ban hành Văn bản số 4710/UBND-ĐT, yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong việc chưa xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm còn tồn đọng trên địa bàn, tổ chức triển khai cưỡng chế xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng còn tồn đọng năm 2015 - 2016 trên địa bàn TP theo đúng quy định pháp luật. UBND TP cũng yêu cầu Sở Quy hoạch - Kiến trúc không xem xét, đề xuất giao dự án mới hoặc điều chỉnh dự án đối với nhà đầu tư vi phạm về trật tự xây dựng còn tồn đọng trên địa bàn.
Sai phạm vượt tầng tại các công trình cao tầng, dự án nhà ở trên địa bàn TP Hà Nội vẫn diễn biến phức tạp (trong hình sai phạm tại dự án Thành phố giao lưu - quận Bắc Từ Liêm. Ảnh: Doãn Thành |
Theo chuyên gia về quy hoạch đô thị, TP Hà Nội - Thạc sĩ Trần Tuấn Anh, chỉ đạo không giao dự án mới cho các chủ đầu tư vi phạm trật tự xây dựng là chế tài răn đe cần thiết. Nhưng đối với các công trình đã sai phạm, cần phải mạnh tay xử lý, không chỉ lập biên bản hành chính, phạt tiền rồi cho qua. “Đối với các công trình sai phạm vượt tầng thì không chỉ phạt hành chính nữa, mà phải thực hiện chế tài tháo dỡ, có như vậy sẽ không tạo thành tiền lệ để các công trình sau này sai phạm” - ông Trần Tuấn Anh nhìn nhận.
Đồng quan điểm, KTS Trần Huy Ánh - Hội KTS Hà Nội cho biết, đối với các dự án chung cư cao tầng, nếu xây vượt thêm một tầng thì chủ đầu tư sẽ có thêm hàng chục căn hộ để bán, thu lợi từ vài chục đến vài trăm tỷ đồng, nên họ sẵn sàng được nộp phạt để hợp thức hóa sai phạm của mình, vì vậy cần phải có chế tài nặng hơn. Tuy nhiên, việc phá dỡ một công trình kiên cố là không đơn giản, vừa ảnh hưởng đến tâm lý người dân đang sinh sống và tốn kém tài chính của Nhà nước. “Nếu công trình không thể phá dỡ thì Nhà nước có thể tịch thu toàn bộ diện tích sai phạm để làm công trình công cộng, chủ đầu tư phải có trách nhiệm hoàn trả toàn bộ số tiền mà người dân đã phải bỏ ra mua nhà; và phải bồi thường người dân nếu ở mức nghiêm trọng. Còn đối với các công trình dân dụng thì cần kiên quyết tháo dỡ” - ông Ánh phân tích.
"Chính quyền cơ sở và các đội trật tự xây dựng phải là những người có trách nhiệm đầu tiên, đối với những sai phạm về trật tự xây dựng tại địa bàn được phân công quản lý. Để tránh xảy ra tình trạng tiêu cực, bao che cho vi phạm, rõ ràng phải cần có thêm chế tài xử phạt lãnh đạo chính quyền cơ sở, có thể bằng hình thức cách chức và cho thôi việc." - KTS Nguyễn Văn Thanh - Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Theo kế hoạch, từ quý II/2020, Sở Xây dựng Hà Nội sẽ tiến hành kiểm tra hàng loạt các dự án chung cư, nhà cao tầng; tập trung làm rõ những hạn chế, khó khăn cần tháo gỡ; xác định nguyên nhân cũng như trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, các cấp chính quyền, DN và người dân trong quản lý, vận hành, sử dụng. |