Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xử lý sở hữu chéo ngân hàng vào giai đoạn cuối

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đưa những ông chủ không đủ điều kiện, phẩm chất, có dính dáng tới sở hữu chéo ra khỏi hệ thống ngân hàng (NH) một cách vĩnh viễn.

Động thái này đang thể hiện sự quyết liệt, khôn khéo của NH Nhà nước (NHNN) trong thanh toán nạn sở hữu chéo tại các NH Việt Nam.

Những tính toán thận trọng

Tâm điểm của giới truyền thông đang hướng về câu chuyện của Eximbank khi ngày 19/11 tới là ngày chốt quyền tham gia đại hội cổ đông bất thường của NH dự kiến diễn ra vào 15/12 tới. Eximbank được quan tâm bởi đây là tổ chức nắm giữ số lượng lớn cổ phiếu Sacombank (trên 8%), đồng thời trong cơ cấu cổ đông của Eximbank trước đây có ông Trầm Bê được cho là sở hữu nhiều cổ phiếu. Đây cũng là doanh nhân sở hữu nhiều cổ phiếu tại Sacombank và Southernbank. Như vậy, chỉ cần nhìn vào một cổ đông đã thấy mạng nhện chằng chịt liên quan đến các NH.
Khách hàng giao dịch tại một chi nhánh MaritimeBank Hà Nội.  	Ảnh:  Thanh Hải
Khách hàng giao dịch tại một chi nhánh MaritimeBank Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải
Gần đây, NHNN đã tuyên bố thông tin mới đáng chú ý: Ông Trầm Bê đồng ý nhượng lại tất cả quyền lợi sở hữu cổ phiếu tại Sacombank cho NHNN. Điều này đồng nghĩa với việc, một ông trùm NH và gia đình sẽ không có tên trong hệ thống. Câu chuyện giống với trường hợp của gia đình ông trùm Đặng Văn Thành - nguyên Chủ tịch Sacombank trước đây. Trên thực tế, sở hữu chéo và mạng nhện của nó cũng như những tác hại cho nền kinh tế từ việc cho vay cánh hẩu đã được đề cập rất nhiều lần. Nhiều vụ đại án liên quan đến các ông chủ nhà băng như Oceanbank, ACB, VNCB đã được bóc gỡ. “Bằng cách đưa những ông chủ ngân hàng dính tới sở hữu chéo ra khỏi hệ thống NH một cách vĩnh viễn, NH T.Ư không mất công truy xét sẽ xác định được những ai đứng tên hộ, những ai là chủ cổ phần thực sự của các NH, để xử lý tình trạng sở hữu chéo. Đây là động thái khôn ngoan, tránh tác động lớn đến hoạt động cả hệ thống, mà vẫn xử lý được những người đã có vi phạm” - TS Lê Xuân Nghĩa - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, người đã lên tiếng cảnh báo rất sớm về vấn nạn này nhận xét.

Người ta kỳ vọng, sau đại hội cổ đông bất thường của Eximbank, kết luận thanh tra về sở hữu chéo tại NH này từ tháng 3 sẽ được công bố. Hiện, trên danh sách Eximbank có 3 cổ đông lớn chính thức đứng danh là Vietcombank nắm 8,2% cổ phần, NH Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) của Nhật Bản nắm giữ 15% và VOF Investment Limited nắm 5%. Còn lại đều được nắm giữ phân tán và hợp lại theo nhóm. Trường hợp của Eximbank được làm quyết liệt cũng là động thái mạnh để cảnh tỉnh cho một số trường hợp vẫn đang trong bóng tối.

Tiếp tục lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng
Theo Thông tư 36 được ban hành ngày 20/11/2014 và có hiệu lực vào tháng 2/2015, mỗi NHTM chỉ được nắm giữ cổ phần tối đa không quá 2 TCTD khác và tỷ lệ nắm giữ phải dưới 5% vốn cổ phần ở mỗi TCTD. Các NH sẽ phải tính đến việc thoái vốn trước ngày 1/2/2016. Như vậy, chỉ còn vài tháng nữa là các NH sẽ hết hạn thoái vốn theo lộ trình mà NHNN cho phép.

Trước đó, giai đoạn 2011 - 2015, hàng loạt thương vụ sáp nhập, hợp nhất liên quan đến sở hữu chéo đã diễn ra. Đầu tiên là trường hợp 3 NH hợp nhất thành NH thương mại cổ phần (NHTMCP) Sài Gòn (SCB), sau đó là trường hợp NHTMCP Phát triển Mê Kông (MDB) sáp nhập NHTMCP Hàng hải Việt Nam (MaritimeBank), MaritimeBank sáp nhập Tài chính dệt may, NHTMCP Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB) sáp nhập vào NHTMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - chung sở hữu Nhà nước, NHTMCP Phương Nam (Southernbank) sáp nhập vào NHTMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank)…

Đến thời điểm này, theo nhận xét của NHNN, tình trạng sở hữu chéo vẫn còn tồn tại, nhưng các cổ đông lớn không còn dám mạnh tay thao túng NH để dành lợi ích cho công ty sân sau như trước. “Số cặp tổ chức tín dụng (TCTD) sở hữu chéo trực tiếp lẫn nhau đã giảm dần (chỉ còn 3 cặp TCTD có sở hữu chéo). Sở hữu cổ phần trực tiếp lẫn nhau giữa NH hiện tập trung ở một số NHTMCP, nhưng tỷ lệ không lớn. Tình trạng một TCTD sở hữu cổ phần tại một số TCTD hoặc một số TCTD sở hữu cổ phần tại một TCTD đã giảm so với thời gian trước đây” - Chánh Thanh tra NHNN Nguyễn Hữu Nghĩa nhấn mạnh.

Để tiếp tục thực hiện nghiêm chủ trương xóa bỏ sở hữu chéo NH, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng, cần cụ thể hóa và chuẩn hóa về điều kiện trở thành thành viên HĐQT NH: "Họ là ai, có đủ phẩm chất và kinh nghiệm để đảm đương công việc hay không? Chúng ta phải đảm bảo nguồn tiền được góp vốn vào NH là tiền sạch. Ở nhiều nước thậm chí họ còn điều tra nguồn gốc tiền góp vốn vào NH từ 3 đời". Đồng thời dẫn chứng: “Có những NH năm 2005 mới có vốn 5 - 7 tỷ đồng, đến năm 2010 đã là 3.000 tỷ đồng. Có những ông chủ làm hợp đồng vay vốn của NH khác về mua cổ phiếu, sau đó lấy cổ phiếu đó để thế chấp vay lại tiền NH”.