Kinhtedothi - Chiều 25/5, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ TN&MT, ông Hoàng Dương Tùng – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường đã thông tin về tình hình thực hiện kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020 theo quyết định số 64/2003/QĐ-TTg và Quyết định số 1788/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, trong tổng số 439 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg, đã có 389/439 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cơ bản đã hoàn thành các biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để, không còn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (chiếm 88,61%); còn lại 50 cơ sở chưa hoàn thành các biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để (chiếm 11,39%).
Xả thải gây ô nhiễm nguồn nước (Ảnh minh họa: Internet)
|
Trong số 50 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến nay chưa hoàn thành việc xử lý ô nhiễm triệt để có 26 cơ sở hoạt động công ích (18 bãi rác, 8 bệnh viện) đã được Thủ tướng Chính phủ gia hạn thời hạn xử lý đến 31/12/2015 theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg. Như vậy, nếu không tính 26 cơ sở công ích đã được Thủ tướng Chính phủ gia hạn thời hạn xử lý đến 31/12/2015, đến nay tỷ lệ các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg đã hoàn thành các biện pháp xử lý là 389/413 cơ sở (đạt tỷ lệ 94,19%). Điều đó cho thấy các cơ chế, chính sách và biện pháp được thực hiện trong thời gian qua đã đem lại hiệu quả tích cực.
Đối với 186 cơ sở cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg có thời hạn xử lý đến 31/12/2015 (không kể 43 cơ sở còn tồn đọng, chuyển từ Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg sang), đến nay đã có 140 cơ sở cơ bản hoàn thành biện pháp xử lý, không còn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (chiếm tỷ lệ 75,27%).
Theo đánh giá của ông Hoàng Dương Tùng, nhìn chung, nhiều địa phương đã quan tâm chỉ đạo, xây dựng kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn. Tỷ lệ các cơ sở hoàn thành biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để đã có nhiều chuyển biến tích cực; các cơ sở đã có ý thức trong việc triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, nhiều cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đã chủ động thực hiện các biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để.
Bên cạnh đó, hành lang pháp lý xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cũng đang dần được hoàn thiện thông qua việc Luật hóa nội dung xử lý ô nhiễm triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Theo Bộ TN&MT, việc xử lý các cơ sở thuộc khu vực công ích trên thực tế gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là việc áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động không khả thi khi áp dụng đối với các cơ sở công ích (bệnh viện, bãi rác). Một số cơ sở công ích khi bị xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường nhưng không chấp hành quyết định xử phạt (Bệnh viện Đa khoa Việt Tiệp, Bệnh viện Lao phổi Hải Phòng,...) làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật. Trong khi đó, việc quy trách nhiệm cho người đứng đầu cơ sở công ích trong việc xử lý ô nhiễm triệt để cũng chưa được quan tâm thực hiện.
Một số địa phương còn thiếu quyết liệt, chậm triển khai thực hiện Kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ đối với các cơ sở trên địa bàn mặc dù Bộ đã có văn bản chỉ đạo, đôn đốc. Điều 19 của Nghị định số 179/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đã quy định về chế tài xử lý nghiêm đối với hành vi thực hiện không đúng nội dung yêu cầu, tiến độ xử lý ô nhiễm môi trường và hành vi không thực hiện biện pháp giảm thiểu ô nhiễm trong thời gian xử lý ô nhiễm triệt để. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều địa phương còn thiếu quyết liệt trong việc xử lý do tâm lý e ngại ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.