Sáng 23/3, Đoàn giám sát của Ban Đô thị HĐND TP Hà Nội làm việc với UBND quận Hoàng Mai và huyện Thanh Trì về việc thực hiện chính sách pháp luật bảo vệ môi trường không khí trên địa bàn. Tham dự cùng Đoàn giám sát có đại diện Sở Xây dựng, Sở TN&MT.
Ban Đô thị đã mời chuyên gia về lĩnh vực môi trường tham gia cùng Đoàn giám sát gồm: PGS-TS Hoàng Anh Lê, Trường Đại học KHXH&NV-Đại học Quốc gia Hà Nội; PGS-TS Lý Bích Thủy, Viện Khoa học và Công nghệ môi trường-Đại học Bách khoa Hà Nội.
Đoàn giám sát đã đến thực tế tại một số điểm trong đó có Dự án khu đô thị Tây Nam Kim Giang I thuộc phường Đại Kim, quận Hoàng Mai (dự án nằm trên địa giới hành chính của huyện Thanh Trì, quận Hoàng Mai và Thanh Xuân). Dự án này nhận được nhiều ý kiến phản ánh của Nhân dân về tình trạng xe chở rác thải xây dựng, rác thải sinh hoạt đổ tại khu vực dự án gây ô nhiễm môi trường.
Giảm thiểu đáng kể tình trạng sử dụng bếp than tổ ong
Báo cáo về tình hình thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường không khí trên địa bàn quận Hoàng Mai, Phó Chủ tịch UBND quận Đỗ Thanh Tùng cho biết: Năm 2022 quận đã tổ chức lấy mẫu không khí xung quanh tại 8 điểm thuộc khu vực công nghiệp Hoàng Mai, 8 điểm thuộc khu vực đường giao thông, khu vực bến xe và 16 điểm thuộc khu vực dân cư. Kết quả cho thấy các chỉ tiêu phân tích đều đạt giới hạn cho phép quy định theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí xung quanh của Bộ TN&MT.
Quận đã có một số giải pháp bảo vệ môi trường, cải thiện chất lượng không khí như xử lý nghiêm các phương tiện chở đất đá, vật liệu xây dựng, chất thải rắn sinh hoạt không che chắn, gây ô nhiễm môi trường; hướng dẫn các cơ sở sản xuất kinh doanh phát sinh nguồn thải thực hiện nghiêm túc các biện pháp bảo vệ môi trường...
Năm 2010 trên địa bàn quận có hơn 3.000 bếp than tổ ong, quận đã thực hiện tuyên truyền vận động đã phối hợp tuyên truyền từng gia đình và đến nay đã giảm đáng kể. Trong năm 2023 quận sẽ tiếp tục vận động, tuyên truyền, thuyết phục và xử lý triệt để, tiến tới không còn hộ dân sử dụng bếp than tổ ong theo đúng tinh thần Chỉ thị số 15/CT-UBND của UBND TP Hà Nội.
Tại huyện Thanh Trì, Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Huy Toàn thông tin: Thực hiện Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 30/10/2019 của UBND TP về thay thế và loại bỏ bếp than tổ ong làm nhiên liệu trong sinh hoạt, kinh doanh, dịch vụ, qua công tác tuyên truyền, vận động đến nay huyện đã vận động người dân chuyển được 955 bếp than tổ ong sang sử dụng các loại bếp khác thân thiện với môi trường hơn và không còn cơ sở sản xuất than tổ ong để cung cấp ra thị trường.
Khi được tập huấn, tuyên truyền các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn cơ bản đã nhận thức được tác hại của việc sử dụng bếp than tổ ong trong sinh hoạt, sản xuất và kinh doanh nên đã chủ động dừng sản xuất, to kinh doanh than tổ ong để cung cấp ra thị trường. Từ năm 2021 đến nay trên địa cung bàn huyện, quan công tác vận động, tuyên truyền, thuyết phục đã hoàn thành chỉ tiêu TP giao, không còn bếp than tổ ong.
Xử phạt vi phạm môi trường với trên 4 tỷ đồng
Thông tin về kết quả xử lý hành hành vi vi phạm môi trường, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì cho biết, thời gian qua huyện đã thành lập 4 thanh tra, kiểm tra. Các đoàn này thực hiện thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất. Kết quả đã kiểm tra, phối hợp kiểm tra được 66 đơn vị sản xuất kinh doanh. Qua kiểm tra đã hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường; tham mưu cấp có thẩm quyền xử phạt 5 đơn vị, cá nhân với số tiền 4 tỷ 170 triệu đồng do có hành vi xả nước thải vào nguồn nước khi giấy phép xả thải đã hết hạn; xả nước thải vào nguồn nước vượt quy chuẩn của Việt Nam và của Thủ đô về nước thải; không có giấy phép môi trường theo quy định và khai thác trái phép trên sông Hồng...
UBND huyện Thanh Trì kiến nghị HĐND TP có ý kiến để UBND TP chỉ đạo các Sở, ngành của TP sớm hướng dẫn đẩy nhanh tiến độ di dời các đơn vị sản xuất, kinh doanh đang được TP giao đất, cho thuê đất thuộc 17 ngành nghề gây nhiễm môi trường, không phù hợp quy hoạch trên địa bàn huyện; Hướng dẫn việc thu gom, xử lý đối với các loại rác thải như chăn, đệm, bàn ghế, tủ cũ hỏng... do hiện nay các bãi rác của TP không tiếp nhận các loại rác thải này. Đồng thời, TP có các giải pháp phân luồng hoặc đẩy nhanh thực hiện các dự án tại các khu vực thường xuyên bị kẹt xe, chờ tầu để hạn chế tính trạng kẹt xe, chờ tầu vào các giờ cao điểm.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Đỗ Thanh Tùng đã báo cáo tiến độ thực hiện các biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật tại Dự án khu đô thị Tây Nam Kim Giang I thuộc địa bàn phường Đại Kim. Kết quả cho thấy, đến nay UBND phường Đại Kim đã phối hợp với các ngành chức năng liên quan thực hiện rào chắn cứng tại lối vào khu vực đổ trộm chất thải.
UBND quận đề nghị UBND TP chỉ đạo UBND huyện Thanh Trì phối hợp chặt chẽ với UBND quận Hoàng Mai ngăn chặn, xử lý các phương tiện đổ trộm chất thải tại dự án; tổ chức phương án bảo vệ hàng rào và biển cấm phương tiện vào Dự án Khu đô thị Tây Nam Kim Giang I. Đồng thời, tháo gỡ chính sách giải phóng mặt bằng và đôn đốc chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
Còn với quận Hoàng Mai, khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách pháp luật bảo vệ môi trường trên địa bàn hiện nay là các trạm trung chuyển rác thải sinh hoạt chưa được đầu tư đúng kỹ thuật do chưa có quy hoạch; còn hộ gia đình sử dụng than tổ ong, đốt chất thải không đúng nơi quy định; các sông tiêu thoát nước của TP (Tô Lịch, Lừ, Sét, Kim Ngưu) chưa được xử lý nước thải triệt để nên phát sinh khí thải cho môi trường.
Từ thực tế đó, quận Hoàng Mai đề xuất TP quan tâm chỉ đạo Sở TN&MT, Sở Xây dựng và các sở, ngành liên quan nghiên cứu phương án xử lý ô nhiễm môi trường ngay tại nguồn các sông tiêu thoát nước thải của TP hiện đang bị ô nhiễm nghiêm trọng; sớm xây dựng hệ thống cống bao tách nước thải ở Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở để xử lý...
Sau khi làm rõ một số nội dung Đoàn giám sát nêu về công tác chỉ đạo, giám sát, tuyên truyền thực hiện các chính sách về bảo vệ môi trường không khí; công tác phối hợp giữa các đơn vị... Đoàn giám sát đã ghi nhận nỗ lực của các ban, ngành liên quan trên địa bàn 2 quận trong công tác bảo vệ môi trường, có cách làm sáng tạo. Vấn đề ô nhiễm không khí trên địa bàn quận, phường bước đầu được quan tâm, đã triển khai xuống thực tế, có xử phạt.
Đoàn giám sát đã tiếp thu ý kiến đóng góp, đề xuất của các địa phương vào quy định của TP cũng như quy định chung để hoàn thiện chính sách. Đồng thời, đề nghị các địa phương tiếp tục quan tâm đến vấn đề ô nhiễm không khí, khí thải để có biện pháp quản lý hiệu quả.