Xử lý vi phạm tác quyền: Bắt đầu từ thơ?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong hội thảo "Quyền sao chép tác phẩm và vai trò quản lý tập thể" diễn ra mới đây, các tác giả vẫn "kêu trời" trước tình trạng vi phạm bản quyền dưới nhiều hình thức.

Vì thế mà Hiệp hội quyền sao chép Việt Nam không thể trì hoãn thêm việc "xuất quân" xử lý các vi phạm về tác quyền, đầu tiên là trên các website.

Thiệt hại không tính được

Theo ông Bùi Nguyên Hùng - Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Việt Nam đã tham gia hầu hết các điều ước quốc tế quan trọng về quyền tác giả, có các văn bản pháp luật về sở hữu trí tuệ. Hơn nữa, nhìn từ thực tế, ta cũng đã có Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc, Hiệp hội công nghiệp ghi âm Việt Nam, Trung tâm quyền tác giả văn học Việt Nam, Hiệp hội quyền sao chép Việt Nam để bảo vệ quyền lợi cho người sáng tạo tác phẩm. Vậy nhưng "hành động" sao chép vẫn cứ diễn ra một cách điềm nhiên và càng ngày càng như "lộng hành" hơn.

 
Một tiết mục trình diễn tại Ngày thơ Việt Nam lần thứ X.
Một tiết mục trình diễn tại Ngày thơ Việt Nam lần thứ X.

Các hành vi xâm phạm "chướng tai gai mắt" nhất là sao chụp để sử dụng nội bộ hoặc sao chép bằng công nghệ số và sử dụng tác phẩm trái phép trên internet. Như bà Đoàn Thị Lam Luyến - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội quyền sao chép Việt Nam, phân tích: "Ảnh hưởng tiêu cực trực tiếp của các hoạt động sao chụp trái phép là làm mất đi khoản thu nhập quan trọng mà các tác giả và nhà xuất bản lẽ ra phải được hưởng theo quy định của pháp luật. Điều này đặc biệt bất lợi với các nước sử dụng ngôn ngữ không phổ biến trên thế giới như Việt Nam, bởi lẽ thị trường trong nước gần như là nơi duy nhất để người sáng tạo và nhà xuất bản tạo được thu nhập". Đấy là chưa kể đến thiệt hại khi điều tiếng về nạn xâm phạm bản quyền "vọng" ra nước ngoài, khiến các đối tác nước ngoài e ngại khi có ý định đầu tư để đưa tác phẩm vào Việt Nam. Và người thiệt thòi không chỉ là các tác giả Việt Nam và còn là công chúng khi bị bớt đi cơ hội tiếp cận các sáng tác nổi tiếng thế giới. Những thiệt hại này không thể tính ra được bằng các con số cụ thể, chỉ biết rằng rất lớn.

Dẹp thị trường thơ miễn phí

Cách đây gần 1 năm, Hiệp hội quyền sao chép Việt Nam đã bắt tay vào việc thu tác quyền thơ online. Song hành trình ấy cũng "vấp" phải rất nhiều trở ngại. Không chỉ bởi thói quen "xài chùa" diễn ra đã lâu, mà còn bởi chính chủ nhân của các tác phẩm cũng lơ là, thậm chí không hiểu hết về tác quyền. Đơn giản như vì "thèm" được công bố tác phẩm, nhiều tác giả tự tung tác phẩm của mình lên mạng thông qua facebook hoặc blog cá nhân, kể cả khi đã "gửi" tác phẩm vào tay Hiệp hội quyền sao chép Việt Nam. Việc thực thi tác quyền và bảo vệ quyền cho tác giả thơ vì thế cũng không còn "thẳng đường mà tiến" được.

Hiệp hội cũng đã trực tiếp gặp gỡ, trao đổi với các tác giả thơ để họ hiểu đúng về vấn đề tác quyền, và việc ủy quyền thực thi quyền tác giả cho Hiệp hội. Tuy nhiên, để rộng đường thực thi quyền tác giả, không thể ngồi yên chờ sự tự giác của các trang mạng. Sau nhiều lần gửi công văn đến chủ sở hữu các trang mạng vi phạm bản quyền về thơ mà không nhận được câu trả lời cũng như sự hợp tác, bà Luyến cho biết, vào tháng 1/2014, Hiệp hội sẽ tổ chức buổi hội thảo với mục đích chính là xử lý những website xâm phạm bản quyền thơ. Tại đó, Hiệp hội sẽ mời cơ quan an ninh mạng, cơ quan công an đến, rồi công bố công khai những website vi phạm để các nhà chức trách cùng "chung tay" dẹp bỏ thị trường thơ "xài chùa" khỏi hệ thống mạng. Để cho triệt để, Hiệp hội còn phối hợp với Liên đoàn quốc tế các Tổ chức quyền sao chép để xử lý các website thuộc chủ sở hữu nước ngoài.

Vẫn biết, việc ngăn chặn nạn sao chép, vi phạm bản quyền giữa buổi công nghệ số phát triển này không đơn giản. Song khi trong tay nắm giữ tới 32.000 tác phẩm được ủy quyền quản lý,  Hiệp hội quyền sao chép Việt Nam không thể khoanh tay đứng nhìn. Bắt đầu từ thơ, họ tin rằng vấn đề bản quyền sẽ "lan" đi rộng hơn tới các lĩnh vực văn học nghệ thuật khác.