Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xử lý vi phạm trật tự xây dựng: Gắn trách nhiệm của chính quyền cơ sở

Vân Hằng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thẳng thắn nhìn nhận “giải quyết từ gốc bao giờ cũng dễ hơn phần ngọn”, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục nêu rõ quan điểm cần triệt tiêu vi phạm trật tự xây dựng (TTXD) khi còn trứng nước. Tức là phải phát hiện và “thổi còi” các địa phương còn đùn đẩy trách nhiệm, cố tình bao che cho sai phạm.

 Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục 
Phát triển các công trình to, đẹp để bộ mặt Thủ đô hiện đại hơn là định hướng Nhà nước khuyến khích. Tuy nhiên, phải đúng quy hoạch, giấy phép và không chấp nhận xây dựng không phép. Trong khi, một số vùng trung tâm, ven đô Hà Nội còn tồn tại sai phạm. Ông có ý kiến thế nào về vấn đề trên?
- Trong những năm qua, các đồ án quy hoạch đô thị, quy hoạch chi tiết xây dựng đã và đang dần hoàn thiện, làm cơ sở cho việc cấp giấy phép xây dựng; thủ tục cấp phép xây dựng cũng đơn giản hóa và được các cơ quan cấp phép thực hiện trực tuyến qua mạng internet, tạo thuận lợi cho người dân và DN. Vì vậy, số lượng giấy phép xây dựng và tỷ lệ công trình có phép tăng qua từng năm.

Tuy nhiên, do tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, nhất là từ khi mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, các dự án đầu tư, các khu nhà ở, khu đô thị gia tăng về số lượng và quy mô, đặc biệt tại các vùng ven đô. Đồng thời, hệ thống văn bản pháp luật quản lý trong lĩnh vực quy hoạch, đất đai, xây dựng đô thị còn nhiều chồng chéo nên công tác quản lý gặp không ít khó khăn. Ngoài ra, vì lợi nhuận mà không ít chủ đầu tư cố tình vi phạm pháp luật và sự thiếu kiên quyết trong việc kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn, xử lý vi phạm của chính quyền cơ sở nên trên địa bàn TP còn một số trường hợp công trình không phép, sai phép, sai quy hoạch đã được phê duyệt về chiều cao, số tầng, mật độ xây dựng…
 Thanh tra xây dựng quận Hai Bà Trưng kiểm tra một công trình xây dựng trên địa bàn. Ảnh: Vân Hằng
Với trách nhiệm quản lý Nhà nước, Sở Xây dựng có những giải pháp gì chấn chỉnh việc vi phạm trong lĩnh vực xây dựng, thưa ông?

- Là cơ quan thường trực, tham mưu giúp UBND TP Hà Nội trong công tác quản lý TTXD, Sở Xây dựng đã và đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Thứ nhất, với phương châm “phòng hơn chống”, Sở Xây dựng đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật. Đồng thời, công khai các tổ chức, cá nhân có các hành vi vi phạm TTXD nghiêm trọng đã được các cơ quan chức năng thiết lập hồ sơ, xử lý theo quy định để tạo sự răn đe, hạn chế phát sinh các vi phạm mới.

Với sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Thành ủy, HĐND, UBND TP, sự vào cuộc của các sở, ngành, các tổ chức chính trị xã hội, sự triển khai có hiệu quả của chính quyền cơ sở cấp huyện, cấp xã: 100% các công trình xây dựng đều được kiểm tra, kiểm soát. Tỷ lệ số công trình có vi phạm giảm mạnh so với cùng kỳ các năm trước (năm 2016: 13,5%; năm 2017: 10,99% và 8 tháng đầu năm 2018 là 5,39%).

Thứ hai, trong thời gian qua, UBND TP đã giao Sở Xây dựng cùng với Thanh tra TP, Sở Nội vụ thực hiện nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra công vụ để xem xét trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền cơ sở cũng như của các tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý TTXD. Bên cạnh đó, trong giai đoạn Sở Xây dựng quản lý 30 Đội TTXD quận, huyện, thị xã (từ tháng 1/2014 đến hết ngày 10/8/2018), Sở đã chỉ đạo Thanh tra Sở thường xuyên thanh tra, kiểm tra công vụ với 30 Đội nêu trên. Qua đó, đã phát hiện, xem xét kỷ luật đối với 89 cán bộ, công chức, viên chức thuộc lĩnh vực TTXD có vi phạm.

Thứ ba, nhằm tăng cường tính chủ động, tính chịu trách nhiệm toàn diện của Chủ tịch UBND cấp huyện trong công tác quản lý TTXD, Sở Xây dựng phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu UBND TP báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm thành lập Đội quản lý TTXD đô thị trực thuộc UBND cấp huyện quản lý và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận tại Quyết định số 26/QĐ-TTg ngày 22/6/2018; UBND TP cũng ban hành Quyết định số 3406/QĐ-UBND thí điểm thành lập Đội quản lý TTXD đô thị tại Hà Nội trên cơ sở bàn giao các Đội TTXD địa bàn thuộc Thanh tra Sở về UBND cấp huyện trực tiếp quản lý.

Thứ tư, Sở Xây dựng thường xuyên tổng hợp, báo cáo và đề xuất nhiều biện pháp với Thành ủy, UBND TP để chỉ đạo các cấp ủy và chính quyền cơ sở tập trung xử lý dứt điểm các vi phạm TTXD tồn đọng giai đoạn 2015 - 2016. Đến nay đã xử lý, giải quyết dứt điểm 365/409 trường hợp (tương ứng tỷ lệ 89,25%). Đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm, dứt điểm các vi phạm về TTXD mới ngay từ khi phát sinh.

Dù đã có quyết định thí điểm điều chuyển Thanh tra xây dựng về quận, huyện, thị xã nhưng ghi nhận vẫn có trường hợp cố tình tiếp tay cho sai phạm, thưa ông?

- Thời gian qua, Quận ủy, UBND các quận, huyện, thị xã đã vào cuộc mạnh mẽ để xử lý các vi phạm về TTXD. Tất cả các công trình xây dựng vì thế được kiểm tra, kiểm soát. Các vi phạm phức tạp, nổi cộm đã được hạn chế hơn. Các vi phạm còn tồn đọng được rà soát, phân loại, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm xử lý. Ý thức chấp hành pháp luật của người dân và DN trong lĩnh vực xây dựng đô thị từng bước được nâng cao. Tỷ lệ số công trình có vi phạm giảm mạnh so với cùng kỳ các năm trước.

Tuy nhiên, quá trình xử lý ở một vài nơi còn né tránh, đùn đẩy trách nhiệm dẫn đến còn một số vụ việc vi phạm TTXD dù được phát hiện, lập hồ sơ nhưng xử lý chưa kiên quyết, kịp thời, diễn biến phức tạp, gây dư luận không tốt. Việc quản lý TTXD thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của chính quyền cơ sở được quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương: Cụ thể tại Điều 29, Điều 50 với cấp huyện và Điều 36, Điều 64 với cấp xã. Để cụ thể hóa, Sở Xây dựng đã hoàn thiện Dự thảo Quy định quản lý TTXD trên địa bàn TP, quy định rõ trình tự, thẩm quyền và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng trên địa bàn TP và đề cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền cấp huyện, cấp xã. Hiện đang trình UBND TP xem xét, ban hành.

Để lập lại kỷ cương, tăng tính hiệu quả quản lý về lĩnh vực xây dựng, thời gian tới ngành có biện pháp nào mới?

- Nhằm phát huy các giải pháp đã đạt hiệu quả thời gian qua, Sở Xây dựng tiếp tục xây dựng kế hoạch phối hợp với các cơ quan ngôn luận và UBND các cấp để thông tin, tuyên truyền, nâng cao ý thức của chủ đầu tư và Nhân dân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về quy hoạch, đất đai, xây dựng. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn, phổ biến kiến thức, đăng thông tin về các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực xây dựng trên Cổng thông tin điện tử Sở Xây dựng.

Song song đó, Sở Xây dựng Hà Nội thường xuyên tham mưu, đề xuất UBND TP nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, tăng cường kỷ cương trong công tác quản lý TTXD, xử lý các trường hợp vi phạm TTXD còn tồn đọng và kết quả thực hiện các kết luận, kiến nghị xử lý sau thanh tra, kiểm toán trên địa bàn Hà Nội theo các kế hoạch 117/KH-UBND, 122/KH-UBND, số 125/KH-UBND của UBND TP. Qua đó, tiếp tục đôn đốc UBND quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, rà soát, xử lý dứt điểm các vi phạm còn tồn đọng, nổi cộm trên địa bàn quản lý, không để phát sinh các trường vi phạm gây bức xúc dư luận.

Đồng thời, kiến nghị UBND TP xem xét trách nhiệm của Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn để xảy ra tình trạng thiếu kiên quyết khi xử lý vi phạm theo thẩm quyền. Hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong quá trình xử lý vi phạm TTXD trên địa bàn.

Xin cảm ơn ông!