Ông Phạm Đức Toàn cho hay, việc xây dựng Dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, các nội dung chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật hiện hành, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới. Dự Luật có phạm vi rộng, bao trùm các giai tầng trong xã hội. Thời gian qua, dư luận xã hội có sự quan tâm rất lớn đối với dự Luật này.
Về đề xuất nghiên cứu, bổ sung vào dự thảo để đảm bảo công bằng đối với các đối tượng khi xử lý vi phạm về thi đua, khen thưởng, ông Phạm Đức Toàn khẳng định, Dự thảo Luật đang trong quá trình chỉnh lý, Ban Soạn thảo sẽ tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội và Nhân dân, sẽ có các quy định cụ thể để xử lý vi phạm không chỉ với cá nhân mà còn đối với cả tập thể.
Trong đó, về nguyên tắc thi đua, nguyên tắc khen thưởng, dự thảo Luật sẽ quy định thành tích đến đâu khen thưởng đến đó, quan tâm khen thưởng người trực tiếp lao động, sản xuất.. và khen thưởng tại địa bàn miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc, bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới. Đồng thời, quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác thi đua, khen thưởng trong việc thẩm định hồ sơ khen thưởng; quy định nghiêm cấm các hành vi cản trở, nhũng nhiễu, gây khó khăn trong thi đua, khen thưởng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong việc đề nghị và ra quyết định khen thưởng trái pháp luật.
Về vấn đề dư luận rất quan tâm là cần chú trọng khen thưởng cán bộ dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm, ông Phạm Đức Toàn khẳng định, Dự thảo Luật sửa đổi cũng đề ra nguyên tắc theo hướng CBCCVC nếu có những sáng tạo hoặc thành tích trong từng lĩnh vực cụ thể như chống tham nhũng…, thành tích đến đâu khen thưởng đến đó; sau này sẽ có nghị định hướng dẫn cụ thể.