Ngày 4/5/2017, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2017.
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng tình với Báo cáo cũng như kịch bản, phương án tăng trưởng kinh tế quý II, III, IV và cả năm 2017 được Bộ KH&ĐT xây dựng; nhấn mạnh, qua phân tích, đánh giá kết quả tháng 4 và 4 tháng cho thấy nhiệm vụ trong những tháng tiếp theo của năm 2017 là rất nặng nề, nhất là đối với việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng 6,7% và kiểm soát lạm phát 4%.
|
Dự án nhà máy phân đạm của Vinachem cũng nằm trong danh sách 12 dự án thua lỗ, kém hiệu quả cần xử lý. |
Trên cơ sở báo cáo của Bộ KH&ĐT và ý kiến các bộ, ngành, Chính phủ đã thảo luận và thống nhất chỉ tiêu tăng trưởng cụ thể đối với các khu vực và cả nước trong 3 quý còn lại và cả năm 2017. Thủ tướng yêu cầu, ngay sau phiên họp này, Bộ KH&ĐT tiếp tục rà soát cụ thể từng chỉ tiêu, thống nhất với các bộ, ngành để tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nêu rõ, để thực hiện được các mục tiêu đề ra đòi hỏi phải có sự nỗ lực rất lớn và phối hợp đồng bộ, hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương. Nhiệm vụ càng khó khăn thì quyết tâm càng phải lớn và người đứng đầu càng phải thể hiện bản lĩnh và khả năng lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, đặc biệt là sự chủ động sáng tạo và tinh thần dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Các Bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch UBND các địa phương phải quyết liệt vào việc một cách cụ thể, chỉ đạo ưu tiên tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng đề ra. Lấy chủ đề của năm 2017 “Tăng cường kỷ cương, đề cao trách nhiệm, thi đua sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững” làm trọng tâm hành động, tạo chuyển biến thực chất, kết quả rõ ràng, tích cực hơn trong những tháng tới.
Về quan điểm chỉ đạo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ kiên định, nhất quán thực hiện mục tiêu tăng trưởng và lạm phát đề ra bởi thực hiện được các mục tiêu này mới bảo đảm được các cân đối vĩ mô như NSNN, nợ công, đầu tư, xuất nhập khẩu và việc làm, thu nhập, đời sống người dân. Đồng thời, tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững những năm tiếp theo và bảo đảm đạt mục tiêu kế hoạch 5 năm 2016-2020 tăng trưởng 6,5-7%.
Trên tinh thần này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đối với từng ngành, lĩnh vực để các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện.
Theo đó, đối với lĩnh vực công thương, cần thực hiện quyết liệt các giải pháp để bảo đảm được chỉ tiêu tăng trưởng. Về xử lý 12 dự án thua lỗ, kém hiệu quả của ngành Công Thương, tinh thần là năm 2017-2018 phải xử lý xong. Đồng thời, ngoài 12 dự án này, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải rà soát lại toàn bộ DNNN để xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh.
Tập trung phát triển thương hiệu ngành hàng, sản phẩm; khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản phẩm có thương hiệu mạnh, sức cạnh tranh trong nước và quốc tế, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Bảo đảm cung ứng điện cho phát triển sản xuất và sinh hoạt những tháng cao điểm mùa Hè. Phấn đấu tăng trưởng ngành sản xuất, phân phối điện cả năm đạt 11,5%.
Đối với lĩnh vực nông nghiệp, tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng cường ứng dụng công nghệ cao, nâng cao năng suất, chất lượng gắn với thị trường trong nước, quốc tế, bảo đảm tăng trưởng từng lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản để đạt được mục tiêu tăng trưởng nông nghiệp cả năm khoảng 3%.
Về giá cả, thị trường nông sản, cần tập trung rà soát, đánh giá, làm rõ những điểm còn bất cập, yếu kém trong công tác quản lý nhà nước, nhất là về quy hoạch, kế hoạch, quản lý vật tư nông nghiệp, chất lượng hàng hóa, phát triển thị trường bán buôn, bán lẻ, xuất khẩu và hệ thống thông tin giá cả, thị trường; không để tình trạng người nông dân bị động chạy theo thị trường dẫn đến thua thiệt lớn như trong nuôi lợn hiện nay.
Các bộ, ngành chức năng đẩy mạnh đàm phán tìm thị trường cho chăn nuôi, đặc biệt là các sản phẩm từ lợn, cả khu vực biên mậu và chính ngạch. Rà soát, có biện pháp khoanh nợ, giãn nợ. Có biện pháp hỗ trợ các cơ sở chế biến tăng cường thu mua, chế biến sản phẩm và kiểm soát chặt chẽ việc tạm nhập tái xuất. Về lâu dài, cần triển khai các giải pháp hạ giá thành sản xuất, tăng cường chế biến sâu; điều chỉnh quy mô và cơ cấu chăn nuôi phù hợp với thị trường, tổ chức theo chuỗi giá trị.
Cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế trọng tâm nêu trên, Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chú trọng làm tốt nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, biến đổi khí hậu, quốc phòng, an ninh, đối ngoại...
Chỉ đạo thực hiện các giải pháp lập lại trật tự, kỷ luật kỷ cương hành chính; tăng cường kiểm tra, rà soát, không để tiếp diễn tình trạng vi phạm trong bổ nhiệm cán bộ, coi thường kỷ cương, kỷ luật hành chính; xử lý nghiêm các vi phạm, nhũng nhiễu, tiêu cực...