Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xứ Nghệ lo… chống bão

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không phải là cơn bão Mangkhut khiến cả miền Bắc phải gồng mình, mà chính là cơn bão từ những NHM có thể khiến sân Vinh bị quá tải. Thậm chí, tại Hà Nội, Ban Tổ chức (BTC) giải cũng phải họp bàn nhằm tìm cách để trận đấu của mùa giải giữa SLNA và Hà Nội T&T diễn ra một cách an toàn.

Sợ vì được CĐV cuồng nhiệt

 

Cách đây chưa đầy một tuần, BTC sân Bình Dương đã huy động tối đa lực lượng và sử dụng những công cụ, biện pháp mạnh mới giúp trận đấu giữa B.Bình Dương và SLNA tránh khỏi đỗ vỡ. Họ đã phải đóng cửa sân trước khi trận đấu diễn ra 30 phút. Đây là quyết định dũng cảm và kịp thời, bởi duy chỉ số lượng CĐV SLNA đã lên đến 25.000 người trong khi sức chứa của sân chưa đầy 20.000 chỗ. Thế nên, sân Bình Dương đã bị quá tải và trên sân là một không khí hỗn loạn, các CĐV chen lấn, xô đẩy gây mất an ninh, an toàn. Thậm chí, các CĐV SLNA còn chống lại cả lực lượng an ninh, ném rất nhiều vật lạ xuống sân. Và rồi BTC sân Bình Dương đã làm hết trách nhiệm của mình nhưng vẫn bị phạt.
Xứ Nghệ lo… chống bão - Ảnh 1
Cuộc đối đầu giữa Hà Nội T&T (phải) và SLNA ở thời điểm nào cũng diễn ra rất căng thẳng.
Thực ra thì không chỉ BTC sân Bình Dương ngán CĐV Nghệ An mà ngay cả người nhà là BTC sân Vinh cũng nhiều lần phải đối diện với sự cố. Mùa giải này, ít nhất 2 lần sân Vinh bị vỡ. Mới đây nhất, trong trận đấu chia tay Công Vinh, trước sự xô đẩy của số đông khán giả, lan can khán đài sân Vinh đã đổ sụp. Hệ quả là có ít nhất 2 CĐV phải nhập viện cấp cứu. Rất may là các CĐV chỉ bị thương, nếu không, SLNA sẽ đối diện với nguy cơ không được thi đấu trên sân nhà.

 

Không khéo là vỡ sân

 

Đến cuối tuần này trận đấu mới diễn ra nhưng thành Vinh đã nóng về chuyện vé, chuyện tổ chức trận đấu sao cho an toàn. Ai cũng biết, SLNA và Hà Nội T&T đang cùng chạy đua đến ngôi vô địch. Thắng trong trận này, một trong hai đội bóng sẽ tiến gần hơn đến ngôi vô địch.

 

Có lẽ vì điều này mà giới chuyên môn cho rằng, chắc chắn, các CĐV sẽ dành sự chú tâm đặc biệt cho trận đấu. Sân Vinh sẽ trở nên bé nhỏ trước biển CĐV xứ Nghệ. Thế nhưng, chính điều này khiến cho dư luận thêm phần lo lắng, bởi nếu không có biện pháp hiệu quả, một lần nữa, sân Vinh sẽ vỡ. Khi ấy, hậu quả sẽ thật khôn lường.

 

Một chi tiết mà ít người nhắc tới, đó là giai đoạn cuối mùa, các đội bóng thường sử dụng khán giả làm thứ vũ khí tạo ra sự thay đổi về cán cân sức mạnh trong các trận đấu. Nhưng, vấn đề đặt ra là công tác đảm bảo an ninh, an toàn cho các trận đấu. Nếu các đội bóng buông lỏng công tác kiểm soát an ninh, có biện pháp chia cách các CĐV hai đội bóng thì mâu thuẫn có thể bùng phát thành xung đột trên khán đài. Mà, dư luận vẫn chưa quên cảnh, CĐV SLNA hỗn chiến với CĐV Thể Công, Hải Phòng cách đây không lâu.

 

Thế nên, bên cạnh công tác chống tiêu cực trong thi đấu, thiết nghĩ, BTC giải cũng như các đội bóng cần nghĩ đến việc bảo vệ an toàn cho CĐV cũng như tương lai của chính mình bằng những biện pháp thật sự hữu hiệu.