70 năm giải phóng Thủ đô

Xử phạt các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm tại huyện Đông Anh

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Từ đầu năm 2023 đến nay, huyện Đông Anh (Hà Nội) đã tiến hành kiểm tra 942 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Công tác kiểm tra, xử phạt các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm được tăng cường.

Tăng cường kiểm tra xử phạt

Trưởng phòng Y tế huyện Đông Anh Nguyễn Thành Luân cho biết, thực hiện chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện về việc tăng cường đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn, từ đầu năm đến nay, tuyến huyện đã thành lập 4 Đoàn của Ban chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm, 2 Đoàn kiểm tra liên ngành, 1 Đoàn của Công An huyện, 1 Đoàn của Đội Quản lý thị trường số 09. Đối với tuyến xã, thị trấn huyện chỉ đạo thành lập 24 Đoàn kiểm tra liên ngành.

Công tác kiểm tra xử lý cơ sở kinh doanh thưc phẩm vi phạm trên địa bàn huyện Đông Anh được tăng cường (Ảnh minh họa).
Công tác kiểm tra xử lý cơ sở kinh doanh thưc phẩm vi phạm trên địa bàn huyện Đông Anh được tăng cường (Ảnh minh họa).

“Theo phân cấp quản lý, huyện có 5.200 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm (cấp xã chiếm: 86,2%; cấp huyện: 11,7%; cấp TP: 2,1%). Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng của huyện đã tiến hành kiểm tra 942 cơ sở (chiếm 18,1%), qua đó phát hiện và lập biên bản xử phạt hành chính 44 cơ sở vi phạm (chiếm 4,7%),  với tổng số tiền phạt trên 159 triệu đồng” – ông Luân cho hay.

Theo đó, các lỗi vi phạm chủ yếu, gồm: Không đeo khẩu trang trong quá trình chế biến thực phẩm; có côn trùng động vật gây hại; điều kiện vệ sinh cơ sở chưa đảm bảo; không bố trí riêng biệt về nơi bảo quản nguyên liệu, thành phẩm, sơ chế, chế biến, đóng gói; không có ủng hoặc giầy, dép sử dụng riêng trong khu vực sản xuất thực phẩm; không lưu mẫu thực phẩm hoặc lưu mẫu sai đúng quy định; sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ để sơ chế, chế biến thực phẩm...

Duy trì mô hình điểm về kinh doanh dịch vụ ăn uống

Cũng theo đại diện Phòng Y tế huyện Đông Anh, từ đầu năm đến nay, huyện đẩy mạnh triển khai xây dựng mô hình điểm mới về kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố tại 2 tuyến: Khu đô thị EuroWindow River Park và vùng phụ cận thuộc thôn Đông Ngàn, xã Đông Hội; khu đường Lê Hữu Tựu và khu vực phụ cận.

Tiếp tục xây dựng và duy trì thực hiện mô hình điểm về kinh doanh dịch vụ ăn uống, UBND Huyện đã giao UBND các xã xây dựng mô hình điểm tại khu Hà Hương – Liên Hà và đường Đản Dị – Uy Nỗ; Quốc lộ 3 – Mai Lâm; Trục đường Cao Lỗ – Uy Nỗ; Khu Cầu Lớn – Nam Hồng; Khu thôn Bầu – Kim Chung; Khu 3ha sau Trung tâm Thương mại Đông Anh - thị trấn Đông Anh; Khu Bắc Thăng Long - Hải Bối; Trục đường sau Cổng C - KCN Thăng Long - Sáp Mai - Võng La;  Khu Đại Đồng và lân cận của xã Đại Mạch, thôn Ngọc Chi – xã Vĩnh Ngọc...

“Mô hình điểm về kinh doanh dịch vụ ăn uống đã tạo sự thay đổi về diện mạo của các cơ sở so với trước, chủ cơ sở đã chủ động bổ sung, sửa chữa cơ sở vật chất, trang thiết bị; tổ chức khám sức khỏe cho bản thân và người lao động tham gia trực tiếp chế biến thực phẩm” – Trưởng phòng Y tế huyện Đông Anh Nguyễn Thành Luân cho biết thêm.

Bên cạnh đó, nhằm đảm bảo công tác quản lý kinh doanh về thực phẩm, ngành Y tế huyện Đông Anh cũng đặc biệt quan tâm đến việc cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm. Cụ thể, từ đầu năm huyện đã cấp lại và cấp mới 2 giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, các cơ sở có Giấy chứng nhận còn hạn đạt 91,6%.

Huyện cũng tiếp nhận bản cam kết lại của 176/184 cơ sở đã ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm chiếm tỷ lệ 95,6 %; Các xã, thị trấn đã ký cam kết: 2.345/2.386 cơ sở đạt 98,3%; Số cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ 7329 hộ/8048 hộ đạt 91%.