Ngày 26/11, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết 5 năm triển khai thực hiện Kế hoạch số 91 (ngày 24/4/2013) về triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn cháy lớn. Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an chủ trì Hội nghị.
Trong 5 năm qua, công an các đơn vị, địa phương đã có nhiều cố gắng nỗ lực, đạt được những kết quả tích cực, từng bước ngăn chặn, kìm chế được số vụ cháy, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do cháy, nổ gây ra, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước…
Đồng thời, công an các tỉnh, TP đã phân loại, lập hồ sơ quản lý PCCC đối với 259.128 cơ sở thuộc diện quản lý PCCC, trong đó có 104.514 cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ. Công an các đơn vị, địa phương đã tiến hành 365 cuộc thanh tra; tổ chức 1.471.401 lượt kiểm tra an toàn PCCC đối với 259.128 cơ sở thuộc diện quản lý PCCC; đã lập biên bản và ra quyết định xử phạt đối với 70.379 trường hợp vi phạm về PCCC với tổng số tiền nộp ngân sách gần 189,3 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động 1.115 trường hợp vi phạm về PCCC...
Tuy nhiên, công tác phòng ngừa, ngăn chặn cháy lớn vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Để xảy ra một số vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người như: Vụ cháy quán Karaoke số 68 Trần Thái Tông, Hà Nội làm 13 người chết (năm 2016); cháy nhà dân kết hợp làm xưởng sản xuất bánh kẹo ở huyện Hoài Đức làm 8 người chết (năm 2017); vụ cháy tại chung cư Carina Plaza, TP Hồ Chí Minh làm chết 13 người, bị thương 51 người (năm 2018).
Tại Hội Nghị, Thứ trưởng Lê Quý Vương ghi nhận, biểu dương những nỗ lực, kết quả tích cực đã đạt được trong phòng ngừa ngăn chặn cháy lớn thời gian qua, mà chủ công trong công tác này là lực lượng Cảnh sát PCCC, lực lượng phòng cháy chuyên ngành, lực lượng phòng cháy cơ sở, lực lượng dân phòng trong toàn quốc.
Về một số nhiệm vụ cần thực hiện trong thời gian tới, Thứ trưởng Lê Quý Vương đề nghị: Công an các đơn vị, địa phương cần thực hiện có hiệu quả Luật PCCC, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật PCCC và các văn bản hướng dẫn thi hành. Phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, chính quyền địa phương và các đơn vị chức năng rà soát, đề xuất hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý đối với công tác quản lý nhà nước về PCCC; tổ chức tốt phương châm 4 tại chỗ, phòng ngừa là chính, tính mạng con người là trên hết;
Quy hoạch, bố trí vị trí mạng lưới các Đội chữa cháy, CHCN khu vực và nâng cao trách nhiệm người đứng đầu; điều tra, rà soát, nắm chắc địa bàn, phân loại cơ sở theo mức độ nguy hiểm cháy, nổ, lập hồ sơ theo dõi, quản lý về PCCC, bảo đảm tất cả các cơ sở, địa bàn thuộc diện quản lý về PCCC có đầy đủ hồ sơ theo dõi, quản lý… Trên cơ sở đó, phân loại, phân tích đánh giá mức độ nguy hiểm cháy, nổ của từng cơ sở và triển khai đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, ngăn ngừa cháy lớn, kiên quyết xử lý nghiêm, công khai hóa các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật PCCC…
Thứ Trưởng Bộ Công an cũng yêu cầu, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH hướng dẫn, triển khai các giải pháp tăng cường PCCC trong dịp Tết Nguyên đán 2019.