Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xử phạt không phân loại rác: Rõ lộ trình để chế tài đi vào cuộc sống

Vũ Khoa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc áp chế tài xử phạt đối với hành vi không phân loại rác từ hộ gia đình nhận được nhiều ý kiến đồng tình, do đây được coi là khâu cốt lõi trong công tác kiểm soát, hạn chế rác thải ra môi trường.

Tuy nhiên, nếu vội vàng áp dụng nhưng thiếu phương pháp, chính sách đúng đắn sẽ có nguy cơ bị quên lãng.

Người dân lo lắng

Nghị định 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường (thay thế Nghị định 155/2016/NĐ-CP, Nghị định 55/2021/NĐ-CP) có hiệu lực từ 25/8 tới đây, nhằm thực thi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Thu gom rác thải trên địa bàn quận Đống Đa. Ảnh: Phạm Hùng
Thu gom rác thải trên địa bàn quận Đống Đa. Ảnh: Phạm Hùng

Theo đó, hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định, không sử dụng bao bì chứa chất thải sinh hoạt có thể bị xử phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Quy định mới này nhằm thúc đẩy quá trình phân loại rác tại nguồn, với những điều khoản liên quan đến thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, xử lý ô nhiễm môi trường, tận dụng tài nguyên có thể tái chế.

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, GS.TS Hoàng Xuân Cơ - nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quan trắc và mô hình hóa môi trường (Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận định, việc cơ quan quản lý Nhà nước đề cao nội dung phân loại rác thải tại nguồn là đúng đắn, cần thiết đối với mục tiêu bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, nếu áp chế tài xử phạt trong khi chưa thực hiện đầy đủ các bước nghiên cứu, thí điểm và tuyên truyền tới người dân sẽ khiến nhiều bất cập nảy sinh.

“Để quy định được thực sự đưa vào thực tiễn, cơ quan quản lý Nhà nước cần làm rõ được một số vấn đề như sau phân loại, rác thải sẽ đi đâu? Sẽ được xử lý ra sao? Đây là những điểm chưa có ai trả lời được. Và nếu còn điểm chưa rõ ràng, việc áp chế tài xử phạt sẽ bị bỏ qua bởi không phù hợp với thực tiễn, mặt khác còn gây nghi ngại đến cho người dân” - GS.TS Hoàng Xuân Cơ khẳng định.

Liên quan đến vấn đề này, Tổ trưởng Tổ dân phố 11 phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm Nguyễn Thị Bích Thủy cho rằng, quy định xử phạt nếu không phân loại rác đang khiến người dân rất bối rối và lo lắng.

Theo bà Thủy, việc bỏ chung các loại rác đã trở thành thói quen, muốn thay đổi cần có sự tuyên truyền, vận động, nên có các tờ rơi phát về tổ dân phố. Trên cơ sở đó, tổ dân phố sẽ thông báo tới từng hộ gia đình để nắm bắt quy trình phân loại rác. Nếu không có hướng dẫn, rất nhiều người sẽ không nhận biết được đâu là rác hữu cơ, rác vô cơ, rác có thể tái chế và từng loại rác thì bỏ vào đâu... dẫn đến quy định sẽ không đi vào cuộc sống.

Địa phương còn bối rối

Tại Hà Nội, công tác bảo vệ môi trường với nhân tố cốt lõi từ các hộ gia đình vẫn luôn được các cấp, ngành TP quan tâm và triển khai nhiều công tác thí điểm, mô hình mẫu về phân loại rác thải trên địa bàn các huyện. Không ít chương trình mang lại tín hiệu khả quan, cho thấy ý thức người dân đang dần thay đổi.

Tuy vậy, khi chế tài xử phạt có hiệu lực, nhiều ý kiến cho rằng cần có hướng dẫn cụ thể về cách làm, tránh việc người dân vô tình bị phạt oan vì thiếu thông tin.

Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Kim Sơn (huyện Gia Lâm) Lê Thị Thùy Dương cho biết, về quy định xử phạt theo Nghị định 45/NĐ-CP, các cơ sở trên địa bàn huyện đã được nắm bắt thông qua một số hội nghị, thông tin báo chí, đồng thời Hội Phụ nữ xã cũng đã thực hiện nhiều bước để thông tin tới người dân.

Thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường từ gốc cũng được Hội Phụ nữ xã thực hiện thí điểm theo chỉ đạo của các cấp UBND xã Kim Sơn, UBND huyện Gia Lâm nhằm đẩy mạnh hiệu quả thay đổi tư duy của người dân.

“Tuy vậy, trước thời điểm Nghị định có hiệu lực, chúng tôi đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ người dân đối với việc xử phạt. Ngoài tuyên truyền về chính sách mới, cơ sở chưa được định hướng về phương pháp triển khai, người dân phải làm như thế nào để tránh bị xử phạt... là những khó khăn phát sinh trong thời gian qua. Do đó, tôi mong muốn các cơ quan cấp trên sớm có hướng dẫn cụ thể nhằm tạo điều kiện thực thi” - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Kim Sơn chia sẻ.

Chủ tịch UBND xã La Phù, huyện Hoài Đức Nguyễn Hữu Khoa cũng bày tỏ việc người dân bắt buộc phải phân loại rác từ hộ gia đình nếu không muốn bị xử phạt hiện còn gặp nhiều khó khăn, về cả kinh phí bổ sung công cụ thu gom, trang thiết bị giám sát.

“Đặc thù ở xã La Phù gồm nhiều cơ sở kinh doanh, sản xuất nên công tác bảo vệ môi trường được chú trọng xuyên suốt nhiều năm. Tuy nhiên, yêu cầu kiểm soát quy trình phân loại rác thải từ hộ gia đình vẫn khiến địa phương gặp bối rối. Ví dụ như thùng rác sẽ được đặt ở đâu, giờ thu gom như thế nào hay hành vi như thế nào sẽ bị xử phạt?” - ông Nguyễn Hữu Khoa cho biết.

Cần thêm thời gian thí điểm

Chính vì những khó khăn đã nêu, GS.TS Hoàng Xuân Cơ cho rằng, Hà Nội cần thêm thời gian triển khai mô hình thí điểm. Trước đó, công tác phân loại rác từ hộ gia đình tại cụm dân cư, tổ dân phố đã thực hiện và mang lại cả kết quả tích cực, cũng như phát lộ nhiều bất cập. Vấn đề này sẽ sớm được rút kinh nghiệm để đưa vào thực tiễn. Tuy nhiên, ở các khu chung cư với đặc thù khác biệt, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ phải có thêm đề án nghiên cứu.

“Khối lượng rác thải từ các hộ gia đình sống trong chung cư, nhà cao tầng trên địa bàn Hà Nội là rất lớn. Ở nhiều tòa nhà, mỗi tầng chỉ có 1 thùng rác chung nên việc phân loại sẽ rất khó thực hiện. Do đó, nếu TP không có biện pháp kiểm soát sẽ gây ra nhiều hệ lụy khiến việc thực hiện phân loại tại nguồn không được đồng bộ, dẫn đến thất bại. Lộ trình triển khai còn đến năm 2024, do vậy chúng ta không được vội vàng, cần từng bước tháo gỡ vướng mắc, lập ra đường đi rõ ràng mới mong chính sách đạt được hiệu quả mong đợi” - GS.TS Hoàng Xuân Cơ nhận định.

GS.TS Hoàng Xuân Cơ cũng cho rằng, thực hiện phân loại rác tại nguồn có thể học tập theo cách làm của một số nước đã áp dụng. Ví dụ như người dân sẽ phải mua các túi rác được phân biệt bởi màu sắc, khối lượng. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị thu gom, phân loại để đưa vào nhà máy phù hợp. Mặt khác, cân nặng của các túi rác cũng khiến việc phát hiện vi phạm về phân loại dễ dàng hơn vì khối lượng của các loại rác là khác nhau.

 

Theo Khoản 7 của Điều 79 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định, việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân phải được thực hiện chậm nhất là ngày 31/12/2024. Điều này đồng nghĩa với việc kể từ ngày 25/8 (ngày Nghị định 45/2022 có hiệu lực) cho đến hết ngày 31/12/2024, tuỳ thuộc vào tình hình, đặc điểm của từng tỉnh, TP mà sẽ có lộ trình triển khai phù hợp trong thực hiện và áp dụng chế tài liên quan đến vấn đề phân loại rác tại nguồn.