Xử phạt lỗi vi phạm PCCC trên 2,3 tỷ đồng ở huyện Hoài Đức

Công Tâm
Chia sẻ Zalo

 Kinhtedothi - Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an, Công an TP Hà Nội về việc tổng rà soát, kiểm tra an toàn PCCC&CNCH, Công an huyện Hoài Đức đã vào cuộc triển khai các biện pháp nghiệp vụ.

Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Trung Thuận cho biết: Tính đến cuối năm 2022, trên địa bàn Hoài Đức có tổng số 4.460 cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC&CNCH. Trong đó, có 735 cơ sở do Công an quản lý, 3.725 cơ do UBND các xã, thị trấn quản lý, 12 khu dân cư, 1 khu công nghiệp và 8 CCN có nguy hiểm cháy, nổ cao (197 cơ sở trong khu, CCN, 4.263 cơ sở trong khu dân cư).

Lực lượng Cảnh sát PCCC Công an huyện Hoài Đức thường xuyên tập huấn nhằm chủ động các phương án  
Lực lượng Cảnh sát PCCC Công an huyện Hoài Đức thường xuyên tập huấn nhằm chủ động các phương án  

Quán triệt triển khai quyết liệt, nghiêm túc các văn bản chỉ đạo, UBND huyện Hoài Đức đã yêu cầu các đơn vị liên quan và UBND các xã, thị trấn trên tinh thần, nhiệm vụ được giao triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của UBND TP và Công an TP, Công an huyện thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc, chấn chỉnh các đơn vị kịp thời khắc phục tồn tại.

Kết quả sau gần 2 tháng triển khai, UBND huyện đã hoàn thành việc tổng rà soát, kiểm tra công tác PCCC trên địa bàn. Cụ thể, đã kiểm tra được 5.500 cơ sở, trong đó có 296 cơ sở có nguy hiểm cháy, nổ. Tiến hành xử phạt 342 hành vi vi phạm hành chính về PCCC&CNCH với 312 lượt xử phạt, tổng số tiền trên 2,3 tỷ đồng.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Trung Thuận: Ngoài ra, có 236 cơ sở bị đình chỉ hoạt động do không đủ điều kiện. Trong quá trình triển khai cũng gặp nhiều khó khăn bởi số lượng cơ sở thuộc diện quản lý nhà nước về PCCC trên địa bàn lớn, trong khi đó lực lượng Công an tại các xã, thị trấn phải kiêm nhiệm thực hiện nhiều nhiệm vụ khác.

Bên cạnh đó, do chế tài xử phạt đối với một số hành vi vi phạm PCCC còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe; chế tài cưỡng chế thực hiện các quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định đình chỉ hoạt động còn nhiều vướng mắc liên quan đến các vấn đề dân sinh, an sinh xã hội, quyền và lợi ích của doanh nghiệp, người dân, người lao động.

Thời gian tới, UBND huyện triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp như: Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các phòng, ban chức năng trong việc kiểm tra, xử lý, tạm đình chỉ, đình chỉ, thu hồi giấy phép liên quan và việc dừng hoạt động theo quy định của pháp luật, nhất là trong đợt tổng rà soát, kiểm tra an toàn về PCCC&CNCH.

Kiên quyết xử phạt vi phạm hành chính, tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động, công khai danh tính chủ đầu tư và công trình vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng đối với các công trình vi phạm trong công tác đầu tư xây dựng như xây dựng không phép, trái phép trên đất dự án, nông nghiệp, hành lang bảo vệ đê, lưới điện, sai mục đích sử dụng đất.

Ngoài ra, có biện pháp răn đê với các chủ đầu tư cố tình vi phạm, chây ỳ không thực hiện, chuyển hồ sơ sang cơ quan Cảnh sát điều tra xem xét trách nhiệm hình sự. Kết hợp công tác kiểm tra, xử lý vi phạm với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng kiến thức, pháp luật về PCCC tới người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình.

Qua đó, nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác PCCC, giảm thiểu tối đa thiệt hại do cháy, nổ gây ra. Tăng cường thực hiện kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc chấp hành quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động đối với chính quyền cấp xã, cam kết tự ngưng hoạt động, khắc phục tồn tại của các cơ sở trên địa bàn.

Không để tình trạng cơ sở không đảm bảo các điều kiện về an toàn PCCC vẫn vẫn lét lút hoạt động, gây cháy, nổ nghiêm trọng. Đồng thời, gắn rõ trách nhiệm của chính quyền cấp xã trong việc tổ chức, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về PCCC quy định tại Điều 52 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP.

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần