70 năm giải phóng Thủ đô

Xử phạt nghiêm để ngăn chặn kịp thời

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày gần đây, có một sự kiện thu hút sự quan tâm của dư luận, đặc biệt là những người yêu Hà Nội. Đó là Thông báo số 2830-TB/TU ngày 4/9/2020 về “Kết luận của Thường trực Thành ủy về thực hiện dự án Con đường gốm sứ ven sông Hồng”.

Dưới sự chủ trì của Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ, Thường trực Thành ủy đã họp để nghe báo cáo về thiết kế tổng thể trang trí Con đường gốm sứ Hà Nội (đoạn đê sông Hồng từ cửa khẩu An Dương đến cầu Nhật Tân).
Cùng với việc khẳng định ý nghĩa, giá trị văn hóa, nghệ thuật độc đáo của Con đường gốm sứ ven sông Hồng, công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, được Tổ chức Kỷ lục Guinness thế giới trao Bằng công nhận là bức tranh nghệ thuật gốm sứ lớn nhất thế giới năm 2010, Thường trực Thành ủy Hà Nội tỏ rõ quan điểm không đồng ý chủ trương đổi tên “Con đường gốm sứ ven sông Hồng” thành “Con đường nghệ thuật”.
Có thể nói đây là một quyết định đúng đắn, đáp ứng nguyện vọng của người dân thành phố và những ai yêu Hà Nội. Hy vọng với quyết định này, Con đường gốm sứ ven sông Hồng, công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội không chỉ được tôn tạo mà còn phát triển, làm đẹp cho Thủ đô ngàn năm văn hiến.
Con đường gốm sứ ven sông Hồng là thành quả lao động nghệ thuật của một tập thể tác giả bao gồm các nhà trí thức, văn nghệ sĩ, kiến trúc sư, họa sĩ. Nó đã được vinh danh là công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, được ghi vào sách kỷ lục Guinness là bức tranh gốm lớn nhất ở thời điểm đó, và hơn tất cả, nó thực sự đã làm đẹp cho Thủ đô.
Với giá trị thẩm mỹ và ý nghĩa to lớn như vậy, Con đường gốm sứ ven sông Hồng là niềm tự hào của người dân Thủ đô, điểm dừng chân thú vị của du khách mỗi khi đặt chân đến Hà Nội. Một công trình như vậy đáng được trân trọng, gìn giữ.
Nhưng thật đáng buồn, chỉ sau vài năm, dư luận, công luận đã phải lên tiếng vì sự xuống cấp, bị hủy hoại của con đường công trình này, mà một trong những nguyên nhân không khó thấy là những hành vi thiếu văn hóa của một số người dân. Người ta bày hàng quán, tập kết rác thải ngay dưới chân công trình. Thậm chí, có người ngang nhiên phóng uế ngay bên công trình nghệ thuật đẹp đẽ ấy.
Có thể nói, đây là biểu hiện của một tình trạng đáng lo ngại, đó là ý thức tôn trọng, bảo vệ các công trình văn hóa, nghệ thuật và công trình công cộng của một bộ phận người Hà Nội đang ở mức đáng báo động. Cũng cần nói rằng, câu chuyện với Con đường gốm sứ ven sông Hồng không phải là cá biệt. Ví dụ gần đây nhất là con đường đi bộ dài nhất ven sông Tô Lịch được làm rất đẹp, tiện ích. Vậy mà chỉ một thời gian, một số nhà vệ sinh công cộng ven đường đã thành một điểm gây mất vệ sinh, bẩn thỉu, không thể sử dụng.
Được sự phản ánh của các phương tiện thông tin đại chúng, đơn vị quản lý đã cho dọn dẹp, nhưng liệu có thể dọn mãi, khi những người sử dụng vẫn tiếp tục các hành vi vô ý thức? Và cũng như vậy, Dự án cải tạo khu vực Hồ Gươm sắp hoàn thành nhưng ngay từ bây giờ trên các phiến đá lát làm chỗ nghỉ chân cho khách bộ hành đã thấy những hình vẽ, chữ ký kèm theo ngày tháng của những ai đó, một mầm mống của sự xâm hại!
Có lẽ là quá lo xa khi đặt câu hỏi liệu công trình dự án xây dựng con đường gốm sứ từ An Dương đến cầu Nhật Tân nay mai có rơi vào tình trạng của Con đường gốm sứ ven sông Hồng hôm nay?
Để câu trả lời là không, các cơ quan chức năng cần thực hiện thật nghiêm ý kiến chỉ đạo của Thường trực Thành ủy trong Thông báo số 2830-TB/TU. Đó là cùng với việc tiếp tục triển khai thực hiện dự án theo quy hoạch đã được phê duyệt;duy tu, bảo trì, sửa chữa phần đã xuống cấp… cần xây dựng và ban hành quy chế quản lý, duy tu, bảo dưỡng công trình này (và cả với các công trình công cộng khác của thành phố).
Đặc biệt, cần có những chế tài xử phạt thật nghiêm để ngăn chặn kịp thời những hành vi vi phạm. Có như vậy, các công trình công cộng mới được tôn trọng, bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa, nghệ thuật và tiện ích phục vụ người dân và làm đẹp Thủ đô.