Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xử phạt phương tiện không chấp hành tín hiệu đèn giao thông: Quy định sau “đá” quy định trước

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2016, khi Nghị định 46/CP chính thức có hiệu lực, hàng loạt tranh cãi đã xảy ra xung quanh một số quy định bị tăng nặng mức xử phạt.

Và khi những tranh cãi đã có phần “hạ nhiệt” thì việc Bộ GTVT ban hành một quy định (Thông tư 06 - PV) “đá” thẳng vào các quy định trước đó, khiến mâu thuẫn này lại trở nên gay gắt.
Càng gỡ càng rối
Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định, khi tín hiệu vàng được bật lên, các phương tiện phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp. Trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy, các phương tiện được đi tiếp nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát và nhường đường cho người đi bộ qua đường. Thậm chí, từ ngày 1/8/2016, Nghị định 46 đã coi hành vi vượt đèn vàng như vượt đèn đỏ. Theo lý giải của Bộ Công an, việc xử phạt hành vi vượt đèn vàng như đèn đỏ là tạo thói quen giảm tốc độ khi gặp đèn vàng, cũng như ngăn chặn tình trạng vượt đèn đỏ, phóng nhanh vượt ẩu tại những nút giao của một người điều khiển phương tiện.

Đèn tín hiệu giao thông trên đường Ngô Gia Tự, quận Long Biên. Ảnh: Phạm Hùng

Thế nhưng, từ ngày 1/11/2016, khi Thông tư 06 của Bộ GTVT về việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về báo hiệu đường bộ (hay còn gọi là Quy chuẩn 41) chính thức có hiệu lực, việc áp dụng các quy định trên gặp rất nhiều khó khăn. Cụ thể, theo Quy chuẩn 41, tín hiệu vàng là báo hiệu sự thay đổi tín hiệu từ xanh sang đỏ. Khi tín hiệu vàng bật sáng, người điều khiển phương tiện phải cho xe dừng trước vạch sơn “vạch dừng xe”. Nếu không có sơn “vạch dừng xe” thì phải dừng trước đèn tín hiện theo chiều đi. Đặc biệt, Quy chuẩn 41 cũng bổ sung quy định, trong trường hợp phương tiện đã tiến sát hoặc vượt quá vạch sơn “vạch dừng xe”, nếu dừng lại sẽ nguy hiểm thì phải nhanh chóng đi tiếp ra khỏi nơi giao nhau”. Và cũng từ đây, lợi dụng hai chữ “nguy hiểm”, hàng loạt chủ phương tiện vẫn cố tình vượt đèn vàng gây mất ATGT.
Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo một số Đội CSGT trên địa bàn TP Hà Nội cho biết Việt Nam đang trong quá trình hội nhập, việc sửa đổi các quy định để phù hợp với xu thế chung của thế giới và khu vực là điều cần thiết. Thế nhưng, việc sửa đổi ra sao, cần phải tính toán kỹ lưỡng để phù hợp với các quy định hiện hành, tránh chồng chéo, gây khó cho người tham gia giao thông cũng như các lực lượng thực thi công vụ.
Cần một lời giải thích
Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc HTX Luật Đống Đa Vũ Hồng Hoa cho rằng, để xảy ra tình trạng trên trách nhiệm đầu tiên thuộc về Bộ GTVT, đơn vị ban hành Thông tư 06. Theo lý giải của bà Vũ Hồng Hoa, Luật là văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội ban hành để cụ thể hóa Hiến pháp nhằm điều chỉnh các loại quan hệ xã hội trong các lĩnh vực hoạt động của xã hội. Luật có giá trị pháp lý cao chỉ sau Hiến pháp. Trong khi đó, Thông tư là văn bản giải thích, hướng dẫn thực hiện những văn bản của Nhà nước ban hành, thuộc phạm vi quản lý của một ngành nhất định. Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn. Và trong trường hợp này, Luật Giao thông đường bộ 2008 do Quốc hội là căn cứ pháp lý cao nhất chứ không phải là Thông tư 06.
Để ngăn chặn tình trạng văn bản sau “đá” văn bản trước, Thông tư mâu thuẫn với Luật… Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 quy định, các đơn vị tổ chức xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật là phải đảm bảo tính hợp hiến, tính hợp pháp và tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật. Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì Bộ GTVT lại cho ban hành một văn bản vi phạm các quy định hiện hành gây khó khăn cho chính người dân và các lực lượng chức năng. Dẫu biết, hiện tại, Bộ GTVT đang khẩn trương sửa chữa những bất cập trong Thông tư 06 cho phù hợp với Luật Giao thông đường bộ 2008. Tuy nhiên, dư luận đặt ra câu hỏi, tại sao một văn bản dù đã hứng chịu nhiều “gạch đá”, gây nhiều bức trong dư luận từ khi ra đời đến nay (từ 1/11/2016) nhưng phải đến khi Bộ Tư pháp có văn bản yêu cầu, Bộ GTVT mới tiến hành sửa đổi. Và ai, đơn vị nào sẽ phải chịu trách nhiệm cho những sai phạm, sự phiền toái của thông tư nêu trên gây ra đối với người tham gia giao thông..., rất cần có câu trả lời thỏa đáng trước dư luận.