Xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản: Không để “con sâu làm rầu nồi canh”

An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 7/10/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 119/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản. Theo đó, mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí là 500 triệu đồng đối với tổ chức, 250 triệu đồng đối với cá nhân.Mặc dù vậy, thời gian gần đây, tình trạng vi phạm trong lĩnh vực hoạt động báo chí, lợi dụng danh nghĩa báo chí để sách nhiễu DN, địa phương, đơn vị lại ngày càng có chiều hướng tăng.

 Ảnh minh họa
Các phóng viên, cộng tác viên có hành vi vượt quá chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, với nhiều cách thức gây phiền hà như gửi văn bản yêu cầu giải trình, cung cấp thông tin. Nhiều tòa soạn đã cử nhà báo, cấp giấy giới thiệu cho phóng viên, cộng tác viên (CTV) tác nghiệp về những vấn đề không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép; gây sức ép bằng cách liên tục gọi điện, nhắn tin… với đích là cái hợp đồng quảng cáo hoặc “có ba trăm lạng, việc này mới xong”.
Điều này khiến cho Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) phải có văn bản gửi UBND các tỉnh, TP; Hội Nhà báo Việt Nam; các cơ quan chủ quản báo chí; tổng biên tập các cơ quan báo chí về việc chấn chỉnh tình trạng lợi dụng danh nghĩa báo chí để sách nhiễu, hoạt động trái pháp luật. Một số nhà báo, cộng tác viên “nhúng chàm” đã bị cơ quan pháp luật bắt giam. Tình trạng không ít đơn vị, DN trung bình mỗi tháng phải làm việc với hàng chục tạp chí, phần lớn người được giới thiệu đều là cộng tác viên. Đề tài khá giống nhau, thậm chí không liên quan gì đến tôn chỉ, mục đích của tạp chí nhưng nếu không “biết điều” thì bị gọi điện 24/7, bao giờ đạt được mục đích mới thôi.
Thực tế này khá trùng khớp với nhận định của Bộ TT&TT, thời gian qua, bộ nhận được nhiều thông tin, phản ánh về việc có một số cơ quan báo chí, trong đó chủ yếu là tạp chí thuộc các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội, nghề nghiệp. Điểm chung là các tạp chí đều phải tự chủ về tài chính, không được bảo đảm kinh phí thường xuyên. Ngoài việc không được bố trí ngân sách, nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ chính trị, thông tin, tuyên truyền nhiều tạp chí còn bị áp đặt nghĩa vụ tài chính với cơ quan chủ quản.

Tình trạng lợi dụng danh nghĩa báo chí để sách nhiễu, hoạt động trái pháp luật gia tăng như hiện nay do 3 nguyên nhân chính.

Đầu tiên, do công tác tuyển chọn nhân sự của một số tòa soạn, văn phòng đại diện đang có lỗ hổng. Quy trình tác nghiệp, cấp Thẻ nhà báo, giấy giới thiệu không chặt chẽ, thiếu sự giám sát thường xuyên. Để xảy ra tình trạng nhà báo, CTV vừa bị báo này sa thải lập tức có thể gia nhập báo khác.

Tiếp đến cơ quan chủ quản báo chí không bảo đảm kinh phí thường xuyên và các điều kiện cần thiết cho hoạt động của cơ quan báo chí trực thuộc nên đành làm ngơ cho phóng viên, cộng tác viên phải “lăn mình làm kinh tế”.

Cuối cùng là các đơn vị, địa phương có sai phạm, bị “bắt thóp” ngại tố cáo các phóng viên, CTV tác nghiệp sai quy định khiến “nhờn thuốc”.

Rõ ràng để hạn chế tình trạng này ngoài việc nâng cao vai trò giáo dục, bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ người làm báo thì Bộ TT&TT còn phải ràng buộc trách nhiệm người đứng đầu. Bộ Bộ TT&TT, Hội Nhà báo Việt Nam cần công bố các đường dây nóng để các đơn vị, địa phương phản ánh kịp thời các hành vi nhũng nhiễu của các phóng viên, CTV.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần