Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xử phạt vi phạm trong kinh doanh xăng, dầu còn nhẹ tay

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hàng loạt DN, thương nhân vẫn cố tình vi phạm quy định kinh doanh xăng, dầu, trong đó có vi phạm quy định xuất hóa đơn điện tử (HĐĐT) theo từng lần bán hàng gây bức xúc trong dư luận.

Do đó, vấn đề minh bạch xuất, nhập, tồn kho xăng, dầu của DN và siết chặt quản lý kinh doanh xăng, dầu của Bộ Công Thương chưa bao giờ hết nóng.

Giải mã nguyên nhân vi phạm

Thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), 4 tháng đầu năm 2024, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) đã nghiêm túc triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương về việc tập trung thực hiện các giải pháp bảo đảm cung ứng đủ xăng, dầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân, DN và mới đây nhất là việc thực hiện nghiêm quy định về HĐĐT đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng, dầu.

Kết quả, lực lượng QLTT trên cả nước đã phát hiện 144 vụ vi phạm, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trên 3,5 tỷ đồng đối với các trường hợp, DN vi phạm.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bắt giữ tàu cá chở dầu DO trái phép. Ảnh: Minh Nhân
Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bắt giữ tàu cá chở dầu DO trái phép. Ảnh: Minh Nhân

Theo lãnh đạo Tổng cục QLTT, các lỗi vi phạm chủ yếu được phát hiện đối với loại hình thương nhân phân phối xăng, dầu là không đăng ký hệ thống phân phối với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

Các DN mua hoặc bán xăng, dầu với đối tượng ngoài hệ thống phân phối theo quy định; ký hợp đồng đại lý xăng, dầu với thương nhân kinh doanh xăng, dầu trong thời gian thương nhân kinh doanh xăng, dầu đó đang là đại lý xăng dầu của thương nhân đầu mối khác hoặc thương nhân phân phối xăng, dầu khác hoặc tổng đại lý kinh doanh xăng, dầu khác.

Bên cạnh đó, lực lượng QLTT các địa phương phát hiện nhiều cửa hàng bán xăng, dầu có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng; bán xăng, dầu không đúng địa chỉ theo giấy phép đăng ký.

Gần đây nhất, ngày 22/4, lực lượng QLTT Quảng Ninh đã kiểm tra, phát hiện tàu chở dầu Sao Biển 02, QN-7680 thuộc Công ty TNHH du lịch dịch vụ thương mại Thúy Nga được Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh cấp Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng, dầu tại địa điểm: khu vực cầu cảng Nhà máy Xi măng Thăng Long, TP Hạ Long, Quảng Ninh. Nhưng tại thời điểm kiểm tra, chiếc tàu đang thực hiện việc bán dầu tại khu vực Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu (TP Hạ Long, Quảng Ninh) không đúng địa điểm ghi trong giấy phép. Hành vi này đã bị lực lượng QLTT tỉnh Quảng Ninh lập biên bản, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 50 triệu đồng.

Tại Bắc Giang, Cục QLTT tỉnh Bắc Giang đã ban hành và đang triển khai kiểm tra đối với 37 thương nhân kinh doanh xăng, dầu, gồm: thương nhân phân phối, tổng đại lý, thương nhân làm đại lý bán lẻ, nhượng quyền bán lẻ, thương nhân kinh doanh dịch vụ xăng, dầu) và các cửa hàng bán lẻ xăng, dầu.

Bày tỏ quan điểm về tình trạng vi phạm quy định kinh doanh xăng, dầu, PGS.TS Định Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, một trong những nguyên nhân chủ yếu là do buông lỏng quản lý trong thời gian dài. Thực trạng này tiếp tục bộc lộ những vấn đề hạn chế, tồn tại trong công tác quản lý của Bộ Công Thương cần sớm được điều chỉnh trong thời gian tới.

Mặt khác, việc các DN, cửa hàng kinh doanh xăng, dầu bắt buộc thực hiện xuất HĐĐT theo từng lần bán hàng, có kết nối dữ liệu với cơ quan Thuế đã làm bộc lộ những lỗ hổng của thương nhân. Bởi, khi tổng hợp, phân tích hóa đơn, cơ quan quản lý sẽ phát hiện các hành vi thiếu công khai, minh bạch của DN, cửa hàng như: nhập xăng dầu không rõ nguồn gốc, nhập lậu, mua đi bán lại lòng vòng…

Còn theo TS Nguyễn Tiến Thỏa - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) các hành vi vi phạm của DN, thương nhân kinh doanh xăng, dầu có nguyên nhân xuất phát từ những bất cập của quy định hiện hành. Thậm chí, dư luận cũng đặt ra câu hỏi có hay không tình trạng tiêu cực trong cấp phép khi nhiều DN đầu mối không đáp ứng theo các tiêu chí về vốn sở hữu, kinh nghiệm kinh doanh xăng, dầu, cơ sở hạ tầng, hệ thống cung ứng…

Kiên trì áp dụng hóa đơn điện tử, tăng chế tài xử phạt

 

Bộ Công Thương phải rút giấy phép vĩnh viễn với các DN nhiều vi phạm. Bên cạnh đó, cần xem xét việc xóa bỏ nấc trung gian trong chuỗi kinh doanh xăng, dầu để thanh lọc thị trường. Đây được coi là một trong những giải pháp gốc rễ để xử lý vấn đề đảm bảo nguồn cung xăng, dầu của thị trường trong nước.

PGS. TS Đinh Trọng Thịnh

Nhấn mạnh về vai trò của áp dụng HĐĐT trong quản lý kinh doanh xăng, dầu, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh khẳng định, HĐĐT sẽ giúp cho việc mua bán xăng, dầu công khai, minh bạch về giá, thuế, về lâu dài đảm bảo cho thị trường xăng, dầu Việt Nam lành mạnh, phù hợp với xu thế của thế giới, vì thế cần kiên trì áp dụng.

Đối với cơ quan quản lý trực tiếp là Bộ Công Thương cần tăng cường theo dõi, kiểm tra, quản lý chặt về số lượng nhập hàng, xuất hàng, tồn kho của các DN xăng, dầu. Đây là giải pháp cốt lõi để nắm bắt, xử lý kịp thời các trường hợp DN nhập lậu, nhập xăng không rõ nguồn gốc, nhập xăng không đảm bảo chất lượng…

Về mức xử phạt vi phạm kinh doanh xăng, dầu hiện nay, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, mức xử phạt của Việt Nam còn khá nhẹ so với nhiều nước trên thế giới nên chưa đủ sức răn đe. Đơn cử như Thái Lan, khi phát hiện DN gian lận thương mại, nhập lậu xăng, dầu, nước này tước giấy phép hoạt động kinh doanh vĩnh viễn chứ không đơn thuần là xử phạt hành chính như Việt Nam.

Nói về những khó khăn trong công tác thanh kiểm tra, lãnh đạo Cục Quản lý thị trường chia sẻ, do hạn chế về cơ sở vật chất, nguồn thông tin cũng như quy chế, cách thức phối hợp giữa các cơ quan chưa chặt chẽ đã không phát hiện kịp thời các vụ vi phạm về kinh doanh xăng, dầu. Điều này đòi hỏi cần có sự điều chỉnh cả về mặt chính sách cũng như cách phối hợp giữa các lực lượng thì mới ngăn chặn có hiệu quả gian lận thương mại xăng, dầu trong thời gian tới.

Từ một số bất cập trên, Tổng cục QLTT đề xuất Bộ Công Thương, Chính phủ cần chỉ đạo để sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng, dầu. Cụ thể, tại khoản 2 Điều 14 của Nghị định 99/2020/NĐ-CP của Chính phủ bổ sung thêm hành vi thương nhân bán lẻ xăng, dầu tại cơ sở có giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng, dầu hết hiệu lực.

Bổ sung chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với thương nhân phân phối thực hiện hành vi không duy trì mức dự trữ xăng, dầu bắt buộc hoặc duy trì mức dự trữ xăng, dầu thấp hơn mức tối thiểu và không báo cáo hoặc báo cáo không đầy đủ, không chính xác tình hình xuất, nhập, tồn kho xăng, dầu theo quy định. Bổ sung chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm thương nhân kinh doanh xăng, dầu không thực hiện các quy định về kiểm tra định kỳ.

Ở góc độ DN, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP Dầu khí Sơn Hải Nguyễn Đức Hạnh đề xuất, các lực lượng chức năng cần thực hiện hết trách nhiệm cũng như phải quyết liệt mới nâng cao được công tác chống gian lận thương mại trong kinh doanh xăng, dầu.

Cùng với đó, người dân cũng cần chủ động, tố giác những cửa hàng xăng, dầu nghi gian lận qua đường dây nóng của lực lượng QLTT. Về chế tài xử lý, dự thảo sửa đổi Nghị định cần quy định chặt chẽ việc hợp tác kiểm tra của lực lượng chức năng đối với các thương nhân đầu mối, tránh chồng chéo gây phiền hà cho DN...

 

Cần tổ chức lại hệ thống cung ứng xăng, dầu theo hệ thống chiều dọc là chủ yếu, nhằm tạo ra một hệ thống kinh doanh thống nhất, nối dài, liên kết chặt chẽ và xuyên suốt. Xóa bỏ việc hình thành thị trường ngầm và lợi ích nhóm trong kinh doanh xăng, dầu, nhất là ở những thời điểm cung cầu căng thẳng. Đảm bảo cạnh tranh theo chiều dọc và quản lý được nguồn cung thực cho thị trường.

TS Nguyễn Tiến Thỏa - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính)