Dưới đây là các loại tai biến do nhiệt, và các phòng cũng như sơ cấp cứu.
Phù do nhiệt: Triệu chứng xuất hiện khi chúng thay đổi môi trường nắng nóng hơn, hoặc ở phòng máy lạnh đột ngột ra môi trường nóng.
Biểu hiện của bệnh là phù ở phần thấp như ở mắt cá, bàn chân; nguyên nhân là do mạch máu giãn ra để thải nhiệt, gây phù. Sau khi cơ thể thích nghi trong thời gian vài giờ hay vài ngày thì hiện tượng này biến mất. Nếu triệu chứng không mất đi, chúng ta có thể kê cao chân ngủ nhằm giúp lưu thông máu. Một số người dùng thuốc lợi tiểu để giảm phù, điều này không có lợi vì làm tăng tình trạng mất nước của cơn thể vốn đã mất nước do nắng nóng.
Phát ban do nhiệt: Nguyên nhân là do da vùng tiếp xúc với ánh sáng mặt trời tắc và mồ hôi không tiết ra được gây viêm da. Biểu hiện phát ban là có nhiều nốt nhỏ trên mặt da, gây cảm giác như kim châm hay ngứa trên da. Một thời gian triệu chứng sẽ mất, nếu ngứa nhiều có thể dùng thuốc chống dị ứng thông thường. Ở đây chúng ta phân biệt bỏng do tiếp xúc ánh nắng lâu và da bị đỏ, sưng rộp, đau.
Người tham gia giao thông cần đeo khẩu trang và mặc áo chống nắng tránh đột quỵ và say nắng. Ảnh: Hải Linh |
Chuột rút do nhiệt: Bệnh thường xuất hiện với người lao động nặng, tập luyện thể thao cường độ cao. Cơ thể vận động sinh nhiệt lại gặp nhiệt độ môi trường cao sẽ xảy ra hiện tượng chuột rút, biểu hiện: Đau cơ thành bụng, bắp đùi, cẳng chân. Có thể dùng thuốc giảm đau, nghỉ ngơi, đến trú tại nơi thoáng mát bù nước có muối khoáng (không dùng nước lọc vì không bù được muối khoáng cho cơ thể).
Ngất xỉu do nhiệt: Thường gặp ở người du lịch vào mùa Hè, tập luyện lâu dài và cường độ cao lúc nắng nóng… bị mất muối và nước dẫn đến lượng nước trong lòng mạch giảm, huyết áp tụt, đặc biệt ở tư thế đứng làm giảm lưu lượng máu và gây ngất xỉu. Người ngất xỉu còn kèm theo các triệu chứng: nhận thức lẫn lộn, chóng mặt, hoa mắt, buồn nôn, nôn…
Sơ cứu cho người ngất xỉu quan trọng: Cho người ngất nằm đầu thấp, đưa đến vùng thoáng mát, nới rộng quần áo, cho bù nước có muối khoáng, theo dõi 30 phút nếu ổn định thì không cần đưa đến bệnh viện.
Kiệt sức do nhiệt: Nguyên nhân chủ yếu do mất muối và nước kéo dài, nạn nhân tiết mồ hôi nhiều, cảm giác ớn lạnh, da lạnh và ẩm ướt, mạch nhanh, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, nôn ói, chuột rút… sơ cứu bằng cách cho bệnh nhân đến nơi thoáng mát, có thể dùng khăn mát chườm vào trán, nách, bẹn…; cho uống nhiều nước. Trong vòng 30 - 60 phút nếu các triệu chứng không cải thiện phải đưa bệnh nhân đến bệnh viện.
Đột quỵ do nhiệt: Xảy ra khi cơ thể bị quá nóng, thường do tập thể dục căng thẳng ở nơi có nhiệt độ cao. Nguyên nhân là do cơ thể bị mất muối và nước kéo dài đi kèm với sự quá tải của trung tâm điều hòa thân nhiệt. Đây là hình thái nặng nhất về tai biến do nhiệt.
Khi thấy người đột quỵ do nhiệt, cần cho người bị nạn nằm đầu thấp, chuyển đến vùng thoáng mát, giảm nhiệt cho người bị bằng quạt hay ngâm người bị nạn vào nước trong vài phút; dùng khăn lạnh hay nước đá lạnh đắp vào vùng trán, nách, bẹn, lưng…; gọi ngay bộ phận cấp cứu để đưa người bị nạn đến bệnh viện. Triệu chứng của người đột quỵ khác với người kiệt sức do nhiệt là người đột quỵ không thể tiết mồ hôi nên da bị nóng và không còn da người kiệt sức do vẫn tiết được mồ hôi nên lạnh và ẩm ướt.
Vào trời nắng nóng, cần mặc quần áo thoáng, dài tay, đội nón rộng vành; hạn chế ra môi trường thời gian từ 10 - 16 giờ. Nếu buộc làm việc cần sau mỗi giờ có thời gian nghỉ 15 phút. Chủ động uống nước, không chờ đến khát mới uống. Tốt nhất là uống nước điện giải oresol, nước chanh có pha muối đường… Cơ thể khi đi ngoài nắng nóng về không nên tắm ngay mà nên nghỉ ngơi khoảng 30 phút để hết mồ hôi, tránh thân nhiệt thay đổi đột ngột; cũng không nên tắm thường xuyên khiến thân nhiệt thay đổi liên tục. |