Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xuân Lộc - Long Khánh: Chiến trường xưa thay da đổi thịt

Trương Hiệu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước năm 1975, vùng đất Xuân Lộc (nay gồm huyện Xuân Lộc và TP Long Khánh, thuộc tỉnh Đồng Nai) được xem là “lá chắn thép bảo vệ Sài Gòn.

Sau 12 ngày đêm chiến đấu ác liệt, đến sáng 21/4/1975, quân ta đã đánh tan “lá chắn thép” của kẻ địch. Vùng đất oanh liệt đó đến nay dẫn đầu trong cả nước về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Dấu ấn một thời oanh liệt

Với vị trí chiến lược của Xuân Lộc - Long Khánh, chính quyền Sài Gòn lúc đó xác định mất Xuân Lộc là mất Sài Gòn. Trong khi đó, đối với quân ta, xác định muốn giải phóng Sài Gòn thì phải giải phóng Xuân Lộc - Long Khánh. Chính vì vậy, Xuân Lộc - Long Khánh trở thành chiến trường vô cùng ác liệt.

Ông Phạm Quốc Thân (nguyên chiến sĩ Sư đoàn 341, Quân đoàn 4) hiện là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP Long Khánh) bồi hồi nhớ lại: “Ngày 9/4/1975, tất cả các đơn vị nhận được lệnh tiến vào giải phóng Xuân Lộc - Long Khánh. Lúc này, cùng với Nhân dân, các đơn vị bộ đội đánh đến đâu giải phóng đến đó, khí thế tiến công như một cơn lốc. Đi đến đâu, bộ đội cũng được bà con chào đón, tiếp tế lương thực, thực phẩm”.
TP Long Khánh từng bước xây dựng khu đô thị mới đồng bộ, thay đổi diện mạo kiến trúc cảnh quan đô thị theo hướng văn minh, hiện đại. Ảnh: Trương Hiệu
Ông Trần Văn Phú (nguyên chiến sĩ Đội Công binh xưởng quân giới Thị đội Long Khánh) nhớ lại: “Sáng 9/4/1975, bộ đội chủ lực bắt đầu nổ súng đồng loạt tấn công từ các mũi vào “lá chắn thép” Xuân Lộc. Lúc bấy giờ, các đơn vị bộ đội địa phương cũng tiến lên, đánh từ trong đánh ra. Người dân vùng lên, hỗ trợ, tiếp tế cho lực lượng bộ đội, đánh đến đâu tiếp quản đến đó. Với khí thế tiến công ào ào như thác đổ, các mũi tấn công của quân ta đã làm chủ được trận địa khiến sĩ quan, binh lính ngụy quân tháo chạy tán loạn, tìm đường thoát thân”.

Thắng lợi của Chiến dịch Xuân Lộc mở ra thời cơ chiến lược cho đại quân ta tiến hành Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, thống nhất đất nước.

Xuân Lộc - huyện đầu tiên đạt chuẩn nông thôn mới

Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, từ một vùng đất chằng chịt hố bom, Đảng bộ và Nhân dân Xuân Lộc đã làm nên những kỳ tích, với một diện mạo mới. Năm 1991, Xuân Lộc được tách thành hai đơn vị hành chính là huyện Xuân Lộc và thị xã Long Khánh. Trong đó, huyện Xuân Lộc, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, với hơn 20% dân số thuộc diện đói nghèo.

Với xuất phát điểm là một huyện thuần nông, Đảng bộ, chính quyền và người dân huyện Xuân Lộc luôn xác định phải lấy nông nghiệp làm nền tảng. Cũng chính từ đây, Xuân Lộc đã tập trung nhiều nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp, nâng cao năng suất nhằm thực hiện mục tiêu quan trọng nhất là nâng cao thu nhập cho người dân. Vùng đất chiến trường ác liệt năm xưa dần “thay da đổi thịt”. Nếu như năm 1991, chưa có xã nào có điện thì đến nay 15/15 xã, thị trấn đã có điện quốc gia, tỷ lệ số hộ sử dụng điện đạt 100%. Liên tục trong nhiều năm tốc độ tăng trưởng của huyện Xuân Lộc luôn đạt hơn 10%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Nếu như trong chiến tranh, địa danh Xuân Lộc được cả nước biết đến như là “vùng đất lửa”, thì giờ đây mảnh đất này lại được biết đến là địa phương đi đầu trong xây dựng nông thôn mới. Năm 2014, huyện Xuân Lộc là huyện đầu tiên của cả nước được Thủ tướng Chính phủ công nhân đạt chuẩn nông thôn mới. Đó là một “kỳ tích” của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Xuân Lộc.

Từ những thành tựu trong xây dựng nông thôn mới, năm 2018, Xuân Lộc vinh dự được chọn là một trong bốn huyện của cả nước thực hiện thí điểm xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu. Hiện nay, hầu hết các xã trong toàn huyện Xuân Lộc đều có mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Toàn huyện Xuân Lộc đã có 21 sản phẩm nông nghiệp được cấp nhãn hiệu hàng hóa, 10 chuỗi liên kết sản xuất trên các loại cây trồng; 27 mô hình sản xuất nông nghiệp sạch tiêu biểu và 590 mô hình sản xuất nông nghiệp có thu nhập từ 300 triệu đồng đến một tỷ đồng/ha/năm.

Long Khánh - TP trẻ năng động và phát triển

Xuất phát điểm từ một huyện nông nghiệp, sau năm 1975, Đảng bộ và Nhân dân Long Khánh bắt tay ngay vào khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục kinh tế, đảm bảo cuộc sống cho người dân. Vị thế Long Khánh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, do đó có nhiều thuận lợi để phát triển mọi mặt về kinh tế - xã hội. Long Khánh đã tích cực huy động sức người, sức của đóng góp dựng xây đất nước. Năm 1980 Long Khánh là một trong 200 huyện đi đầu trong cả nước về thu nộp ngân sách được Chính phủ tặng Huân chương Lao động hạng Hai.

Năm 2003 thị xã Long Khánh được thành lập, bắt đầu sự chuyển mình và đổi thay. Với nhiều kết quả đạt được trên các lĩnh vực, năm 2014 thị xã Long Khánh được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2019, TP Long Khánh được thành lập, trực thuộc tỉnh Đồng Nai. Từ đây TP Long Khánh có điều kiện quy hoạch, liên kết phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật - xã hội với các đô thị lớn trong vùng Đông Nam Bộ. TP Long Khánh đã và đang phát huy các tiềm năng, thế mạnh và nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội nhanh hơn. Là một TP trẻ, nhưng TP Long Khánh vẫn luôn mang trên mình một nét riêng độc đáo, một đô thị sầm uất, khang trang, giao thương tấp nập nhưng không ồn ào náo nhiệt.

TP Long Khánh hiện đang tăng cường đầu tư phát triển tiềm năng về đất đai cho việc phát triển nông nghiệp, mảng xanh của đô thị và các vùng cảnh quan sinh thái, từng thay đổi diện mạo kiến trúc cảnh quan đô thị theo hướng văn minh, hiện đại, phát triển năng động.