Sau 10 năm sáp nhập về với Thủ đô, được thụ hưởng nhiều ưu đãi từ chính sách dân tộc, đời sống của đồng bào nơi đây đã có nhiều đổi thay tích cực.
Hạ sơn quần cư
Con đường ngoằn ngoèo được bê tông hóa khang trang, sạch đẹp dẫn chúng tôi về với bản người Dao ở xã Ba Vì (huyện Ba Vì). Nơi đây tập trung đến 98% tổng số đồng bào dân tộc Dao hiện sinh sống trên địa bàn Thủ đô. Dọc đường hoa nở, khói tỏa trên những nếp nhà nhỏ xinh. Ven lối nhỏ dẫn lên cao dần, cây xanh thay lá. Đào rừng khoe sắc rực rỡ. Đám trẻ nhỏ tung tăng vui đùa trước sân nhà, cười khúc khích khi chúng tôi giơ máy ảnh...
Không biết đã bao nhiêu lần đặt chân tới vùng đất nằm cách xa nhất so với trung tâm Thủ đô, nhưng mỗi lần đến là một lần bất ngờ trước những đổi thay ấn tượng của đất và người nơi miền sơn cước này. Ngồi hàn huyên cùng chúng tôi, ông Lý Văn Phủ, người có uy tín thôn Yên Sơn (xã Ba Vì) kể: Ngày trước, đồng bào dân tộc Dao sinh sống tản mác trong Vườn Quốc gia Ba Vì. Cuộc sống đa phần phụ thuộc vào sản vật của núi rừng.
Mãi tới năm 1968, khi được Nhà nước vận động, hỗ trợ an cư, đồng bào dân tộc Dao mới “hạ sơn”, xuống sinh sống tập trung thành 3 bản người Dao, nay là 3 thôn: Hợp Sơn, Hợp Nhất và Yên Sơn (cùng thuộc xã Ba Vì). Đồng bào dân tộc Dao nơi đây cũng dần thay đổi tập quán sản xuất để thích nghi với cuộc sống mới, thay vì trông vào khai thác sản vật của núi rừng.
Hướng ánh mắt về chiếc nỏ được treo trên tường nhà, Trưởng thôn Hợp Sơn Triệu Minh Huấn bảo: Nếu như trước đây, bà con chỉ biết vào rừng săn bắn muông thú, hái lượm rau rừng để mưu sinh, thì nay hầu hết đồng bào đã biết canh tác nương rẫy, chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà. Sức sống mới nơi đây bắt đầu từ chính những đổi thay trong nếp nghĩ.
Chăm lo Tết cho đồng bào nghèo
Trưởng ban Dân tộc TP Hà Nội Nguyễn Tất Vinh cho biết, kể từ khi hợp nhất về với Thủ đô, huyện miền núi Ba Vì nói chung, xã Ba Vì nói riêng đã được thụ hưởng nhiều chính sách dân tộc.
Bên cạnh các chính sách dân tộc của T.Ư, TP Hà Nội đã ban hành chính sách đặc thù, cụ thể hóa bằng các Kế hoạch số 166 và 138 với mục tiêu “Phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô”, trong hai giai đoạn 2011 – 2015 và 2016 – 2020. Hàng nghìn tỷ đồng đã được TP hỗ trợ đầu tư, góp phần nâng cấp đồng bộ thiết chế hạ tầng cơ cở. Qua đó, thay đổi căn bản diện mạo cho những thôn bản ven Vườn Quốc gia Ba Vì.
Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 sẽ là năm thứ hai gia đình chị Dương Thị Lan được đón năm mới trong ngôi nhà ba gian kiên cố nằm ven sườn đồi ở thôn Hợp Nhất. Gần 2 năm về trước, với sự quan tâm, hỗ trợ của TP Hà Nội, gia đình chị Lan được hỗ trợ 50 triệu đồng để nâng cấp nhà ở. “Nếu không có Nhà nước hỗ trợ thì gia đình tôi không biết đến khi nào mới được an cư…” – chị Lan cảm kích nhớ lại.
Không chỉ gia đình chị Lan, khoảng 125 hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc Dao trên địa bàn xã Ba Vì đã được các cấp, ban, ngành của TP, huyện Ba Vì phối hợp với các tổ chức, DN hỗ trợ kinh phí để kiên cố hóa nhà ở. Đến nay, vùng đồng bào dân tộc Dao ở xã Ba Vì đã cơ bản không còn nhà tạm, dột nát, bán kiên cố.
Phó Chủ tịch UBND xã Ba Vì Lý Sinh Vượng cho biết, hàng năm, bên cạnh hỗ trợ từ các cấp, ban, ngành của TP Hà Nội, địa phương cũng tích cực phối hợp với một số “Mạnh thường quân” là ngân hàng, tập đoàn viễn thông hỗ trợ xây dựng nhà ở, tặng thẻ nạp tiền, điện thoại di động cho các hộ nghèo vùng dân tộc. Chính quyền các cấp cũng thường niên tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho các hộ nghèo trên địa bàn nhân dịp lễ, Tết...
Những sự quan tâm, hỗ trợ trên góp phần mang hương Xuân, một cái Tết ấm cúng, đủ đầy hơn đến với những hoàn cảnh khó khăn. Nhưng quan trọng hơn, đó còn là niềm động viên, khích lệ lớn, để đồng bào dân tộc Dao xã Ba Vì nói riêng, vùng dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô nói chung tiếp tục tin tưởng vào đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nỗ lực phấn đấu, vươn lên vì mục tiêu phát triển bền vững, để không một ai bị bỏ lại phía sau trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo.
Xã Ba Vì là một trong 14 xã thuộc 5 huyện vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô. Trong những năm qua, TP Hà Nội đã quan tâm, bố trí hơn 2.000 tỷ đồng để thực hiện các chính sách dân tộc. Nhờ đó, trong 5 năm gần đây, tốc độ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi tăng trưởng bình quân 12%/năm. Đến cuối năm 2019, thu nhập trung bình của đồng bào dân tộc đã đạt trên 35 triệu đồng/năm, có nơi 41 triệu đồng/người; Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn khoảng 3%. |