“Nhờ chính quyền chăm lo, nên Tết này gia đình tôi đã có căn nhà mới để đón xuân tươi vui, hanh phúc. Vì với nghề làm thuê, cả đời tôi không thể cất được căn nhà khang trang như vầy”- ông Phan Văn Tâm, con liệt sỹ ở ấp Cái Dầy, thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu vui mừng kể.
Cùng với Bạc Liêu và cả nước đi qua một năm khó khăn sau đại dịch Covid-19, huyện nghèo Vĩnh Lợi anh hùng đã đạt được những thành tựu vượt bậc trong công cuộc xây dựng huyện nông thôn mới năm 2022. Thành tích đó không chỉ thể hiện qua chỉ tiêu hay con số, mà chính từ sự hài lòng ủng hộ của người dân.
Đánh giá của Hội đồng Nhân dân huyện Vĩnh Lợi tại kỳ họp thường niên ngày 19/12 cho thấy, trong năm 2022, mặc dù gặp nhiều khó khăn sau đại dịch Covid-19 nhưng tình hình kinh tế - xã hội của địa phương tiếp tục phát triển, đời sống bà con luôn được ổn định. Thu nhập người dân đã cải thiện tích cực, khi bình quân đầu người đạt gần 60 triệu đồng/người/năm. Thu ngân sách Nhà nước 60,5 tỷ đồng, đạt 110% kế hoạch.
Trên bình diện chung, Vĩnh Lợi đã có nhiều chuyển biến tích cực vượt bậc. Nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội có tăng trưởng cao so với cùng kỳ, khi 16 chỉ tiêu mà Nghị quyết HĐND huyện giao, thì đã có đến 12 chỉ tiêu vượt, 2 chỉ tiêu đạt. Tổng sản phẩm trong huyện (GRDP) năm 2022 đạt trên 6.000 tỷ đồng, tăng 8,02% so với năm 2021. Khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản đạt trên 2.900 tỷ đồng, tăng 1,73%; khu vực công nghiệp và xây dựng đạt trên 1.100 tỷ đồng, tăng 14,62% so với cùng kỳ; khu vực dịch vụ đạt trên 2.000 tỷ đồng, tăng 14,46% so với cùng kỳ năm 2021.
Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lợi Trần Minh Hải, cho biết: Trong năm 2023 cán bộ và nhân dân huyện sẽ càng nỗ lực hơn để cuộc sống của bà con ngày được cao hơn. Theo đó, cơ cấu kinh tế nông và thủy sản đạt 45,25%; công nghiệp và xây dựng đạt 18,50%; dịch vụ đạt 36,25%; tổng sản lượng lúa đạt 250.000 tấn; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt trên 2.700 tỷ đồng. Phấn đấu thu nhập bình quân đầu người đạt 65,05 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ lao động đào tạo đạt 66%; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân đạt 93%; tỷ lệ giảm dưới 4%; thành lập mới 2 hợp tác xã hoạt động có hiệu quả; xây dựng xã Hưng Hội đạt tiêu chí nông thôn mới nâng cao.
Là huyện nghèo đi lên từ nông nghiệp, ác liệt trong thời chiến, gian nan thời bình. Nhưng công tác an sinh xã hội, chăm lo gia đình đối tượng chính sách, xóa đói giảm nghèo luôn được các cấp các ngành của Vĩnh Lợi xem như trọng trách phải hoàn thành. Truyền thống này đã được giữ vững và duy trì qua nhiều thời kỳ khác nhau, chính vì lẽ đó đã tạo sự đồng thuận cao giữa người dân với bộ máy chính quyền.
Bí thư thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi Trần Thanh Tuấn, cho biết, ấp Bà Chăng Thị trấn Châu Hưng, có 248 hộ với 1.155 khẩu thì có đến 67 hộ với 235 khẩu người Khmer. Là địa phương có tỷ lệ nghèo nhất khi thu nhập chính của bà con là trồng lúa-màu kết hợp chăn nuôi nhỏ lẻ. Nhưng bằng sự quyết tâm của hệ thống chính trị, nên thời điểm hiện tại, chỉ còn 2 hộ nghèo và 9 hộ cận nghèo. Năm 2023, Bà Chăng phấn đấu sẽ không còn hộ nghèo và hộ cận nghèo.
Theo lãnh đạo Hội đồng Nhân dân huyện Vĩnh Lợi, tính riêng năm 2022, huyện đã vận động quỹ vì người nghèo, quỹ an sinh xã hội được 6,3 tỷ đồng. Đã xây dựng mới 66 căn nhà tình nghĩa, 89 căn nhà tình thương, hỗ trợ vốn và trao phương tiện sản xuất cho 233 hộ nghèo, với tổng số tiền hơn 2,2 tỷ đồng. “Phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm xuống còn dưới 1%. Trước hết, sẽ nâng cao nhận thức, tinh thần chủ động sáng tạo của từng cá nhân, tập thể, tạo khí thế thi đua trong toàn xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi chính sách, chương trình giảm nghèo của Đảng và Nhà nước: vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” – ông Trần Minh Hải, Chủ tịch UBND huyện nói.