Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xuất bản truyện tranh: Khoảng trống quản lý

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Cuốn "Tổng hợp màu sắc trong Manga" của nhà xuất bản (NXB) Hồng Đức đang gây tranh cãi trong dư luận, bởi trong truyện có những hình ảnh phản cảm, thậm chí bạo lực có tác động xấu đến người đọc đã xuất hiện trên thị trường. Điều này cho thấy, vẫn còn đó những khoảng trống của ngành xuất bản cũng như việc quản lý xuất bản phẩm.

Truyện tranh không chỉ dành cho thiếu nhi

Lâu nay, người ta vẫn quen với quan niệm truyện tranh chỉ dành cho thiếu nhi. Nhưng trên thế giới, đặc biệt là trong xu thế phát triển của xã hội hiện đại, ngày càng phổ biến hình thức truyện tranh dành cho người lớn. Và tại triển lãm "Truyện tranh, Manga & Co - Văn hóa truyện tranh mới của Đức" vừa diễn ra tại Hà Nội (từ 8/5 đến 9/6) đã chứng minh điều này khi nhiều tác phẩm ở đây dành cho người lớn đọc.

Bà Almuth Meyer-Zollitsch - Giám đốc Viện Goethe Hà Nội cho biết: Truyện tranh giờ khá đa dạng với bút pháp và các mảng đề tài như: Chính trị, gia đình, khoa học giả tưởng, nghệ thuật... Nó thích hợp với cách tiếp cận thông tin nhanh của thời kỳ mới. Hiện nay, doanh số truyện tranh cho người lớn ở Đức rất cao và tiếp tục tăng hàng năm. Điều này cho thấy, truyện tranh Manga của Nhật Bản cũng không phải thể loại chỉ dành cho trẻ em. Và nhu cầu đọc truyện tranh của người lớn là có thật.
 
 
Xuất bản truyện tranh: Khoảng trống quản lý - Ảnh 1
 
Cuốn "Tổng hợp màu sắc trong Manga" của Nhà xuất bản Hồng Đức bị cho là “lạc lối”.
 

Chính vì chưa có sự cập nhật, phân định rạch ròi về "độ tuổi" của truyện tranh, nên cuốn "Tổng hợp màu sắc trong Manga" đã "lạc lối" khi đi ra thị trường. Rõ ràng, không ai có thể chấp nhận một ấn phẩm cho thiếu nhi mà ở đó dạy trẻ vẽ tranh khỏa thân, vẽ cảnh nam nữ hẹn hò lúc nửa đêm, nhìn trộm phụ nữ tắm... Và rõ ràng, nếu không ở trong ngạch mỹ thuật, mấy ai hiểu được như TS Phạm Thái Bình - giảng viên trường Đại học Kiến trúc Hà Nội: "Những cảnh đó đúng là không phù hợp với lứa tuổi học sinh. Tuy nhiên, cuốn sách lại bổ ích đối với sinh viên ngành mỹ thuật. Bởi, muốn phản ánh được tất cả những hình ảnh phản chiếu từ thực tế, mỗi sinh viên cần phải học cách vẽ tỉ mỉ”.

Những "khoảng trống"

Trước phản ứng của dư luận, bà Ngô Hồng Tú - đại diện NXB Hồng Đức cho biết: "Cuốn sách không phải cho trẻ nhỏ, đối tượng chủ yếu là những người đã biết vẽ, có thể là họa sĩ. Nhiều người không hiểu đúng về cách vẽ manga, cho rằng hở hang, phản cảm là không đúng. Phong cách Nhật Bản là như thế". Song, vấn đề là ở chỗ trên bìa sách, không thấy có bất cứ dòng khuyến cáo hay dấu hiệu nào "nhắc nhở" chuyện sách không phải cho trẻ nhỏ. Hơn nữa, người làm sách dường như còn "bỏ trống" khía cạnh đặc thù văn hóa Việt. Nghĩa là, không thể đổ lỗi cho "phong cách Nhật Bản", mà như TS Trịnh Hòa Bình nhìn nhận: "Tài liệu gốc của cuốn sách thì không bàn đến bởi mỗi nền văn hóa riêng của mỗi quốc gia, nhưng khi nhập về Việt Nam không được sàng lọc cho hợp với văn hóa của mình là không được".

Bên điện ảnh đã có quy định gắn mác "18+" cho phim, liệu truyện tranh có thể làm như vậy?Cũng còn phải nói đến cả chuyện, khi dư luận đã "om" lên vì sự phản cảm của cuốn sách, thì Cục Xuất bản (đơn vị quản lý) vẫn lặng thinh vì "NXB chưa nộp lưu chiểu". Phía Cục thừa nhận, đối với những cuốn sách chưa nộp lưu chiểu, trôi nổi trên thị trường như thế này rất khó quản lý. Như vậy có khác gì việc nếu chưa báo cáo, thì nhà quản lý cũng chẳng thể biết sách nào có mặt trên thị trường. Vậy thì, khâu quản lý cũng đang có một "khoảng trống" không nhỏ.

Nhìn vào thị trường sách thời gian gần đây, liên tục thấy những sai phạm trong sách xuất bản cho thiếu nhi, mà việc xử lý vi phạm vẫn theo kiểu "chữa cháy". Như trường hợp cuốn "Tổng hợp màu sắc trong Manga" cho đến thời điểm này (đã gần nửa tháng), vẫn ngập ngừng ở mức giả định: Nếu NXB thực sự vi phạm, Cục Xuất bản sẽ chiếu theo quy định để xử lý, có thể sẽ phạt hành chính hoặc cho thu hồi toàn bộ sách. Nếu những "khoảng trống" trong xuất bản và quản lý vẫn chưa được lấp đầy, thì vi phạm sẽ còn tiếp diễn.