Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xuất khẩu bứt phá trong khó khăn

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nỗ lực vượt khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhanh nhạy nắm bắt cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do đã giúp kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2021 tiếp tục đạt giá trị cao hơn 330 tỷ USD.

 Đặc biệt, sự tăng trưởng ngoạn mục và về đích sớm của nhiều ngành hàng chủ lực đã đưa xuất khẩu trở thành điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 660,1 tỷ USD, tăng 21% so với năm 2020. Trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 331,1 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 329 tỷ USD, tăng 25,2% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại năm 2021 xuất siêu ước đạt 2,1 tỷ USD, tăng 0,64% so với năm 2020. Đáng chú ý, năm 2021 có 37 nhóm hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, tăng 4 nhóm hàng so với năm 2020. Cơ cấu xuất khẩu chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng các sản phẩm công nghiệp chế biến (chiếm 86,1% tỷ trọng). Đây cũng là nhóm hàng có tỷ trọng tăng nhanh nhất trong cơ cấu hàng xuất khẩu, là nhân tố quyết định tạo nên bứt phá về kim ngạch xuất khẩu cũng như cán cân thương mại thặng dư.
Góp mặt vào danh sách các nhóm hàng chục tỷ USD, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tiếp tục thắng lớn trong năm 2021với giá trị kim ngạch đạt trên 44 tỷ USD, đạt mục tiêu phấn đấu của ngành nông nghiệp vượt 2 tỷ USD so với chỉ tiêu Chính phủ giao. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ năm ước đạt từ 15 tỷ USD; thủy sản ước đạt 8,5 tỷ USD; rau quả ước đạt 3,5 tỷ USD; các mặt hàng khác như gạo, cà phê, cao su, hạt điều đều mang về từ 3 - 3,6 tỷ USD mỗi loại. Xuất khẩu sắt thép của Việt Nam cũng bứt phá mạnh mẽ khi lần đầu vượt 10 tỷ USD. Năm 2021, xuất khẩu sắt thép cán mốc 11 tỷ USD với mức tăng trưởng khoảng 130% so với cùng kỳ 2020.
Thực hiện tốt “mục tiêu kép”, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19 đã giúp các DN phục hồi nhanh, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, dồn lực thực hiện các đơn hàng xuất khẩu trong trạng thái bình thường mới. Đây cũng là lúc hiệu quả đối với hoạt động xuất khẩu hàng hóa thể hiện rõ nét hơn sau 3 năm thực hiện Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và hơn 1 năm thực hiện Hiệp định Thương mại Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA). Trong đó, rõ nhất là xuất khẩu hàng hóa sang Canada, Mexico và Peru có mức tăng trưởng 25 - 30%/năm nhờ CPTPP. Bên cạnh đó với EVFTA, tỷ lệ tận dụng ưu đãi thông qua việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu EUR1 lên đến hơn 20%. Đặc biệt vào thời điểm cuối năm, nhu cầu nhập khẩu hàng hóa tăng cao, trong khi nguồn cung hạn chế do nhiều nước tái bùng phát dịch Covid-19 là cơ hội để các DN Việt Nam gia tăng xuất khẩu, mở rộng thị trường.
Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, các DN, ngành hàng Việt Nam còn đứng trước nhiều thách thức, khó khăn như: Thiếu lao động tay nghề cao, thiếu hụt nguồn nguyên liệu, chi phí dịch vụ kho vận tăng cao… Đáng nói, hoạt động xuất khẩu cũng như kinh tế Việt Nam phục hồi ở mức nào còn phụ thuộc vào sự phục hồi nhanh hay chậm của kinh tế thế giới cũng như khả năng ứng phó với dịch bệnh và các giải pháp, chính sách hỗ trợ DN của Nhà nước. Do đó, về lâu dài, các bộ, ngành cần triển khai đồng bộ hơn các hoạt động hỗ trợ cộng đồng DN nhằm giúp DN chủ động thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh phục vụ xuất, nhập khẩu hiệu quả hơn.

 

"Dự kiến đến cuối năm 2022, sự hồi phục về nhu cầu thị trường và khởi sắc trong chuỗi giá trị toàn cầu, khu vực sẽ đem lại nhiều cơ hội cho xuất khẩu Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam cũng cần khắc phục những thách thức để giảm chi phí thương mại; hỗ trợ DN nhỏ và vừa tích hợp vào chuỗi cung ứng hướng tới khả năng phục hồi." - Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam Andrew Jeffries