Xuất khẩu chờ… tham tán?

Chia sẻ Zalo

Thông tin còn chung chung, chưa sát sườn DN, sự phối hợp chưa chặt chẽ giữa DN và thương vụ… là những tồn tại được DN phản ánh trong quá trình “hợp tác” với hệ thống thương vụ ở nước ngoài.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng, các tham tán thương mại đang gặp nhiều khó khăn để có thể làm “tròn vai” của mình.
Xuất khẩu chờ… tham tán?
Xuất khẩu chờ… tham tán?
Mỗi thương vụ chỉ có 2-3 người
Là một tỉnh “sống” nhờ vào nông nghiệp nên XK nông sản đóng góp vai trò quan trọng cho nền kinh tế Đồng Tháp cũng như đời sống của người dân nơi đây. Ông Nguyễn Thanh Hùng - Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, XK của tỉnh Đồng Tháp thời gian qua có sự đóng góp không nhỏ của các bộ, ngành, lực lượng tham tán thương mại ở các nước. Các DN XK của tỉnh trong các lĩnh vực gạo, cá tra… đã nhận được sự hỗ trợ của các tham tán thương mại ở Campuchia, Đức, Hàn Quốc, Hoa Kỳ… Song theo ông Hùng, sự phối hợp của các DN với các tham tán nhiều lúc, nhiều nơi chưa chặt chẽ, chưa phát huy vai trò cầu nối, thông tin thị trường, DN chưa am hiểu về thị trường, phong tục tập quán nên việc khai thác thị trường gặp khó khăn.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho rằng, hiện thương vụ mới chỉ có thể cung cấp thông tin chung, chưa thể cung cấp các thông tin chuyên sâu dù DN và các hiệp hội trong nước sẵn sàng chi trả phí dịch vụ.

Dù chưa “hài lòng” về chất lượng của hệ thống tham tán nhưng ông Hùng cũng thừa nhận một thực tế, với nguồn lực hiện nay, thương vụ và tham tán chỉ đủ để duy trì sự hiện diện của mình ở các nước, còn kinh phí hoạt động chuyên môn, chuyên sâu như quảng bá hình ảnh, tiếp các đoàn DN vào Việt Nam mua hàng... không thể đáp ứng, dẫn đến hạn chế hiệu quả hỗ trợ cho DN của các thương vụ.

Chia sẻ về phần khó của mình, các tham tán thương mại cũng cho rằng, nguồn nhân lực “eo hẹp” chính là khó khăn lớn nhất của đội ngũ tham tán. Ông Chu Thắng Trung, Tham tán thương mại Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc phân trần, hệ thống thương vụ thông thường mỗi nước có 2-3 cán bộ, trong khi đó thương vụ còn nhiệm vụ nặng nề như nghiên cứu chính sách, thúc đẩy XK, hỗ trợ DN… “Cùng với nhu cầu kết nối kinh tế, giao thương ngày càng tăng lên của 2 bên thì khó khăn về nguồn nhân lực là cả vấn đề”, ông Trung nói. Thêm nữa,  vấn đề tài chính cũng là một nguyên nhân khiến cho thương vụ chưa đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi từ phía DN.

Trong khi nguồn nhân lực còn mỏng thì việc giao “chỉ tiêu” cho từng thương vụ, theo ông Nguyễn Bảo, Tham tán Công sứ Thương vụ Việt Nam tại Campuchia, cũng sẽ “làm khó” thương vụ. Vị này phân tích: “Đành rằng, Chính phủ quan tâm đến cân đối các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô nhưng việc giao chỉ tiêu XK cho thương vụ không còn hợp lý. Nhiều khi thương vụ không thể tác động tới tăng trưởng XK, ví dụ như việc dầu thô giảm, hoặc mặt hàng bán được nhiều?”. Chưa kể, thời gian công tác của mỗi tham tán ở địa bàn chỉ có 3 năm- khoảng thời gian rất ngắn để các tham tán có thể tạo dựng mối quan hệ, xây dựng hệ thống “chân rết” cho mình để có được thông tin hỗ trợ cho DN.

Cầu nối

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhìn nhận, cùng với việc các nước mở cửa thị trường cho hàng hóa của Việt Nam thì Việt Nam cũng phải cam kết mở cửa thị trường cho hàng hóa NK từ các nước. Điều này có thể mang đến sức ép cạnh tranh cho hàng hóa sản xuất trong nước. Rào cản kỹ thuật và các biện pháp phòng vệ thương mại ngày càng được áp dụng phổ biến nhằm bảo vệ sản xuất trong nước, đặc biệt trong bối cảnh thuế NK được xóa bỏ trong các hiệp định FTA. Các nước phát triển ngày càng áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật, kiểm soát hàng NK, nhất là đối với hàng nông thủy sản. Hiện một số mặt hàng nông, thủy sản XK chủ lực bị giới hạn về khả năng mở rộng nuôi trồng, khó có khả năng duy trì tăng trưởng cao về mặt số lượng. Trong khi đó, nhiều mặt hàng XK đạt vị trí cao trên thế giới nhưng vẫn chưa có khả năng điều tiết giá cả thị trường, dẫn đến tăng trưởng kim ngạch XK phụ thuộc vào diễn biến giá thế giới. Do đó, cần nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa XK, tạo sản phẩm có chất lượng quốc tế.

Để làm được điều này, người đứng đầu Bộ Công Thương Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng “đặt hàng” các tham tán thương mại để có thông tin nhanh nhất, diễn biến chính xác về thị trường cung cấp cho cộng đồng DN. Theo đó, thương vụ tại các nước phải đổi mới trong công tác thông tin thị trường, phân tích làm rõ các vướng mắc, đặc biệt là tranh chấp thương mại ở từng thị trường. Thương vụ cần chủ động kiến tạo mối liên hệ chặt chẽ hơn nữa với các bộ, ngành địa phương và DN.

Còn theo ông Lộc, trong bối cảnh hội nhập như hiện nay, nhiệm vụ và phương thức hoạt động của các cơ quan thương vụ  ở nước ngoài không chỉ nhằm thúc đẩy thương mại theo hình thức và trong phạm vi truyền thống như thông tin tư vấn, chắp mối, tổ chức hội nghị, hội chợ, triển lãm để quảng bá sản phẩm, tìm bạn hàng, tìm đối tác bán mua các sản phẩm cụ thể…, mà còn bao gồm các hoạt động góp phần thúc đẩy cải cách thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập của nền kinh tế và các DN Việt Nam. “Chúng tôi đề nghị Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Công Thương giao nhiệm vụ cho các cơ quan thương vụ hãy là tai mắt và cánh tay nối dài của cả Chính phủ và DN, không chỉ có trách nhiệm cung cấp kịp thời thông tin và hỗ trợ các DN trong nước, trong việc tiếp cận các thị trường mua bán hàng hóa, thu hút đầu tư mà còn là các radar kinh tế, cơ quan tham mưu cho Chính phủ. Thương vụ là đơn vị giới thiệu những thực tiễn tốt nhất trên thế giới trong điều hành kinh tế, trong xây dựng thể chế, cải cách hành chính, trong xây dựng và vận hành các chính sách và thể chế hỗ trợ DN...”, ông Lộc đề xuất.

Tuy nhiên, với những khó khăn mà các tham tán nêu ra, một số ý kiến cho rằng, Chính phủ cần “tăng lực” cho hệ thống thương vụ để có thể làm “tròn vai” của mình.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần