Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xuất khẩu đón nhiều tin vui

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Doanh nghiệp dồi dào đơn hàng, thị trường thế giới dần phục hồi là những tín hiệu khả quan cho thấy hoạt động xuất khẩu hàng hóa sẽ tăng mạnh những tháng cuối năm và mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 6% năm 2024 là hoàn toàn khả thi.

Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực tăng trưởng cao 

Thông tin từ Bộ Công Thương, trong 9 tháng năm 2024, xuất khẩu hàng hóa tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh chung của nền kinh tế. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 299,6 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 83,47 tỷ USD, tăng 20,7%, chiếm 27,9% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 216,16 tỷ USD, tăng 13,4%, chiếm 72,1%.

May hàng xuất khẩu tại Công ty Vit Garment, huyện Mê Linh, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
May hàng xuất khẩu tại Công ty Vit Garment, huyện Mê Linh, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Trong 9 tháng qua, cả nước có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm trên 66%).

Đáng chú ý, xuất khẩu tới hầu hết các thị trường, nhất là các thị trường là đối tác thương mại lớn của Việt Nam trong 9 tháng năm 2024 đều có sự phục hồi tốt và đạt mức tăng trưởng cao ở mức hai con số. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 89,5 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 105 tỷ USD.

Dệt may là một trong các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang cho biết, 9 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may đạt 32,5 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ. Từ lâu hầu hết doanh nghiệp dệt may đã kín đơn hàng xuất khẩu đến hết năm.

Với những kết quả xuất khẩu đã đạt được thời gian qua, dự báo trị giá xuất khẩu dệt may cả năm nay chắc chắn sẽ đạt mục tiêu đề ra là 44 tỉ USD, đóng góp đáng kể vào kết quả xuất khẩu chung của cả nước. Các doanh nghiệp dệt may đã và đang rất tích cực đàm phán đơn hàng xuất khẩu cho quý 1/2025.

Dự báo năm 2024, xuất khẩu rau quả đạt trên 7 tỷ USD. Ảnh minh họa 
Dự báo năm 2024, xuất khẩu rau quả đạt trên 7 tỷ USD. Ảnh minh họa 

Đối với ngành hàng rau quả cũng tăng trưởng mạnh khi kim ngạch xuất khẩu đạt gần 5,7 tỷ USD trong 9 tháng qua, tăng 34% so với cùng kỳ và bằng với cả năm 2023. Đây là mức cao kỷ lục của ngành hàng chủ lực này từ trước tới nay.

Theo Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên, sầu riêng là sản phẩm chủ lực, đạt giá trị 2,5 tỷ USD; còn lại là các loại trái cây khác như thanh long, chuối, mít, xoài… Hơn nữa, nhờ vào sự tăng trưởng của các thị trường lớn như Trung Quốc, Mỹ và Hàn Quốc, xuất khẩu rau quả Việt Nam trong năm nay có thể đạt kỷ lục mới. Dự báo kim ngạch xuất khẩu rau quả cả năm có thể đạt hơn 7 tỷ USD, vượt xa mục tiêu đã đề ra.

Hướng tới xuất khẩu bền vững 
Báo cáo đánh giá của Bộ Công Thương cho thấy, sản xuất trong nước tiếp đà đi lên cho thấy Việt Nam đang bắt đầu một giai đoạn tăng trưởng tốt. Trong khi đó, kinh tế, thương mại toàn cầu có dấu hiệu tiếp tục hồi phục và tăng trưởng khả quan, xuất khẩu của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực.

Bộ Công Thương đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu năm 2024 là 6%. Ảnh minh họa 
Bộ Công Thương đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu năm 2024 là 6%. Ảnh minh họa 

Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải phân tích, hoạt động xuất nhập khẩu đạt được tăng trưởng tốt do bối cảnh quốc tế và trong nước đã tiến triển tích cực hơn. Cụ thể, tình hình kinh tế thế giới khả quan hơn khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã đưa ra lộ trình cắt giảm lãi suất sau một thời gian dài.

Bên cạnh đó, vấn đề hàng tồn kho cao tại các thị trường đang dần được khắc phục, đặc biệt tại các thị trường xuất khẩu chủ lực đã gặp những khó khăn trong năm 2023. Đối với Mỹ, các chỉ số tiêu dùng hồi phục đã trở thành yếu tố hỗ trợ quan trọng cho tăng trưởng kinh tế.
Ngoài ra, việc Việt Nam nâng cấp mối quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ, hứa hẹn sự phát triển bền vững cho quan hệ thương mại giữa hai nước. Còn trong nước, Chính phủ đã có sự vào cuộc mạnh mẽ với nhiều giải pháp hỗ trợ toàn diện cho nền kinh tế.

“Với vai trò là cơ quan chủ trì trong quản lý, điều hành hoạt động xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đã sớm nhận diện những khó khăn, rủi ro từ các thị trường xuất khẩu để tham mưu, đề xuất các giải pháp phát triển thị trường xuất khẩu. Chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhập khẩu của Việt Nam thông qua đàm phán, ký kết các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã mở ra các khu vực thị trường mới, giảm rủi ro của việc phụ thuộc lớn vào một số thị trường”- ông Trần Thanh Hải cho hay.

Để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu đạt được mục tiêu tăng trưởng 6%, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh khuyến nghị, ngành Công Thương cần đặt trọng tâm vào việc thực thi, tận dụng hiệu quả các cơ hội từ các hiệp định thương mại (FTA); ưu tiên cập nhật, nắm bắt thông tin thị trường nước ngoài; những điều kiện, yêu cầu, những thay đổi của thị trường xuất khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu. Từ đó kết hợp với các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu để có được đơn hàng không chỉ trong quý I/2025 mà cho cả năm sau. 

 

Cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các cơ quan quản lý của Bộ Công Thương với hệ thống Thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài và với các ngành hàng cũng như các doanh nghiệp để có sự liên kết, sâu chuỗi và chia sẻ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xuất khẩu cũng cần nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng tầm doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu về xanh hóa, số hóa để hướng tới xuất khẩu bền vững.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh