Xuất khẩu duy trì tăng trưởng trong khó khăn

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xuất khẩu hàng hóa là điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam 5 tháng đầu năm 2022, khi xuất siêu đạt hơn 1,5 tỷ USD. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu trong thời gian tới được dự báo gặp không ít khó khăn do nhiều yếu tố bất lợi từ bên ngoài.

Xuất siêu 1,53 tỷ USD

Thông tin từ Bộ Công Thương, 5 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 311 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 156,5 tỷ USD, tăng 29,8%; kim ngạch nhập khẩu đạt 155 tỷ USD, tăng 22,6%. Cán cân thương mại hàng hóa 5 tháng xuất siêu 1,53 tỷ USD.

5 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất siêu 1,53 tỷ USD. Ảnh minh họa
5 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất siêu 1,53 tỷ USD. Ảnh minh họa

Xuất siêu giúp tăng cường dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá, góp phần vào ổn định kinh tế vĩ mô. Đây là kết quả tích cực trong bối cảnh nước ta tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, chi phí vận chuyển tăng cao, ảnh hưởng bởi xung đột giữa Nga - Ukraine.

Đáng chú ý, trong 5 tháng đầu năm 2022, có 26 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 89,6% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong số này, nổi bật là nhóm hàng nông sản, thủy sản có mức tăng trưởng ấn tượng với kim ngạch xuất khẩu đạt 13,1 tỷ USD, tăng 20,6% so với cùng kỳ. Nhiều mặt hàng tăng trưởng cao như: Thủy sản đạt 4,8 tỷ USD, tăng 46,3%; cà phê đạt 2 tỷ USD, tăng 54%; cao su đạt hơn 1 tỷ USD, tăng 12%.

Ngoài ra, việc phát triển thị trường xuất nhập khẩu và nâng cao hiệu quả xuất nhập khẩu hàng hóa sang các thị trường mà Việt Nam đã ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng ghi nhận những tín hiệu khả quan. Cụ thể, 4 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu sang thị trường EU đạt 15,8 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ; xuất khẩu sang thị trường các nước ASEAN đạt 11,2 tỷ USD, tăng 22,2%; xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt 17,9 tỷ USD, tăng 9,9%...

Nhóm hàng nông sản, thủy sản xuất khẩu có mức tăng trưởng ấn tượng. Ảnh minh họa
Nhóm hàng nông sản, thủy sản xuất khẩu có mức tăng trưởng ấn tượng. Ảnh minh họa

Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải nhận định, những kết quả ấn tượng của bức tranh xuất khẩu hàng hóa 5 tháng đầu năm 2022 đến từ nỗ lực của các DN, đã nhanh chóng khai thác thị trường xuất khẩu ngay sau khi nhu cầu ở những thị trường này dần được phục hồi.

Bên cạnh đó, các DN cũng tận dụng tốt cơ hội để xuất khẩu sang những thị trường đối tác của Việt Nam đã ký kết, thực thi các FTA. Cùng với đó, các gói kích thích kinh tế, kích cầu tiêu dùng tại một số quốc gia đang được triển khai, qua đó gia tăng nhu cầu hàng nhập khẩu.

Đối mặt nhiều thách thức

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của DN Việt Nam tiếp tục đối mặt với thách thức trong thời gian tới.  

Đơn cử như, tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu được dự báo giảm tốc. Theo dự báo mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay và năm 2023 chỉ đạt 3,6%, giảm lần lượt 0,8 và 0,2 điểm % so với mức dự báo được đưa ra hồi tháng 1/2022.

Lạm phát cao hơn ở hầu hết quốc gia và dự kiến ​​còn kéo dài, do vậy các nước đã giảm dần gói kích thích kinh tế và tiến hành nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Lạm phát cao làm tiêu dùng các mặt hàng không thiết yếu nhập khẩu chịu ảnh hưởng, có thể làm giảm cầu hàng hoá nhập khẩu.

 

Theo phản ánh của các DN, hiện tại khó khăn lớn nhất vẫn là chi phí đầu vào gia tăng quá mạnh. Trong bối cảnh này, DN nào có tỷ trọng nguyên liệu mua trong nước cao sẽ thuận lợi hơn. Lý do là, hầu hết ngành nhập nhiều nguyên liệu từ Trung Quốc, trong khi nước bạn đang thực hiện chính sách “Zero Covid” khiến chuỗi cung ứng bị chậm lại

Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải

Bày tỏ lo ngại về xu hướng bảo hộ vẫn đang tiếp diễn, PGS.TS Phạm Tất Thắng - chuyên gia cao cấp Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công Thương) cho rằng, việc Trung Quốc áp dụng chính sách “Zero Covid” đã, đang và tiếp tục ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng hàng hoá cũng như hoạt động xuất khẩu hàng hoá qua biên giới của nước ta.

Trong khi đó, giá cước vận tải đang ở mức cao, giá năng lượng và các mặt hàng nguyên vật liệu cũng không ngừng “leo thang” do ảnh hưởng của xung đột Nga - Ukraine đã tác động mạnh đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, Bộ đã khuyến cáo các hiệp hội ngành hàng, DN tham gia hoạt động xuất khẩu cần áp dụng những biện pháp phòng ngừa rủi ro khi giao kết hợp đồng với khách hàng nước ngoài, cân nhắc thấu đáo trong lựa chọn ngân hàng thanh toán trong giữa bối cảnh cấm vận. Đặc biệt, DN cần tiếp tục tận dụng tối đa những ưu đãi trong 15 FTA giữa Việt Nam và các nước để đa dạng hóa thị trường.

“Đa dạng hóa thị trường cũng là khuyến cáo của các chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB), bởi với việc phụ thuộc lớn vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ Trung Quốc, nếu tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng bị kéo dài, thì có thể ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu của Việt Nam trong những tháng tới” - Thứ trưởng Trần Quốc Khánh lưu ý.