Gạo xuất khẩu cao kỷ lục trong lịch sử
Thông tin từ Bộ NN&PTNT, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 10/2022 đạt 713.546 tấn, trị giá 341,064 triệu USD, tăng 22,3% về lượng và tăng 23,9% về trị giá so với tháng 9/2022. Tháng 10/2022 đã trở thành tháng có lượng gạo xuất khẩu cao kỷ lục trong lịch sử ngành gạo.
Luỹ kế 10 tháng năm 2022, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt hơn 6 triệu tấn, trị giá trên 2,9 triệu USD, tăng 17,4% về lượng và 7,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021. Giá gạo xuất khẩu bình quân 10 tháng đầu năm 2022 ước đạt 484 USD/tấn.
Về thị trường, trong 10 tháng năm 2022, xuất khẩu gạo sang Philippines đạt hơn 2,7 triệu tấn, chiếm tỷ lệ 45%, trị giá trên 1,2 tỷ USD. Xuất khẩu sang các thị trường khó tính cũng ghi nhận tăng trưởng cao. Trong 10 tháng, xuất khẩu gạo sang thị trường Mỹ tăng 84,8%; sang thị trường EU tăng 82,2%.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), sau gần 2 năm thực thi Hiệp định Thương mại tự do EU – Việt Nam (EVFTA), xuất khẩu gạo nói riêng của Việt Nam đang dần khẳng định chỗ đứng tại thị trường EU.
Các loại gạo thơm, gạo chất lượng cao như: ST24, ST25, Jasmine… được người dân khu vực này ưa chuộng. EU cấp hạn ngạch 80.000 tấn gạo với mức thuế suất ưu đãi 0% sau khi EVFTA có hiệu lực thi hành. Dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2022 sang thị trường EU sẽ đạt tối thiểu 60.000 tấn.
Đáng chú ý, giá gạo của Việt Nam hiện đứng đầu thế giới. Theo VFA, trong tháng 10/2022, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đạt bình quân 425 - 430 USD/tấn, mức cao nhất kể từ tháng 11 năm ngoái đến nay. Mức giá này cao hơn gạo cùng loại của Ấn Độ 48 - 51 USD/tấn và Thái Lan 18 - 23 USD/tấn. Trong khi đó, tại Thái Lan, giá gạo 5% tấm giảm 28 USD/tấn, từ mức 435 USD/tấn xuống còn 407 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ cuối tháng 7/2022.
Phân tích về yếu tố giúp xuất khẩu gạo tăng trưởng cao, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam Đỗ Hà Nam cho rằng, việc tỷ giá USD tăng, không chỉ DN xuất khẩu gạo mà nông dân trồng lúa cũng được hưởng lợi. Dự báo thị trường gạo cuối năm, các DN cho rằng xu hướng tăng giá sẽ kéo dài đến cuối tháng 12.
Chú trọng thị trường có hạn ngạch xuất khẩu lớn
Theo thông tin từ Bộ NN&PTNT, Việt Nam sản xuất từ 43 - 44 triệu tấn lúa, tương đương 22 - 23 triệu tấn gạo, với trách nhiệm đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu, 15% sản lượng gạo Việt Nam đã được xuất khẩu đi các nước.
Khuyến nghị về giải pháp phát triển thị trường, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ NN&PTNT) Lê Thanh Hòa cho rằng, các DN cần đặc biệt quan tâm tới Trung Quốc. Bởi đây vốn là thị trường lớn và tiềm năng của nông sản Việt từ trước đến nay. Thị trường này đang có nhiều thay đổi lớn về các yêu cầu nhập khẩu từ kiểm dịch thực vật, quy định đóng gói, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng… Hiện có 22 DN Việt Nam đang được cấp phép xuất gạo vào Trung Quốc, nhưng mỗi năm chỉ được xuất khẩu với hạn mức nhất định.
“Trước kia, Việt Nam xuất khẩu được hơn 2 triệu tấn gạo sang thị trường này, nhưng nay số lượng đã giảm đi. Việt Nam đang kiến nghị với Trung Quốc bổ sung thêm nhà máy được cấp phép xuất khẩu gạo tẻ, gạo thơm, gạo nếp” – ông Lê Thanh Hòa cho hay.
Cũng theo nhận định của Bộ NN&PTNT, bên cạnh Trung Quốc, EU và Anh cũng là hai thị trường quan trọng và có tiềm năng lớn nhờ hạn ngạch xuất khẩu lớn. Để tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do và hạn ngạch xuất khẩu, các DN xuất khẩu cần có sự liên kết chặt chẽ với các đơn vị thu mua, chế biến để đáp ứng các chứng nhận, tiêu chuẩn kỹ thuật của thị trường nhập khẩu.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, nhằm hỗ trợ DN chủ động phương án xuất khẩu gạo và tận dụng những lợi thế hiện có, Bộ NN&PTNT đang phối hợp với Bộ Công Thương liên tục cập nhật diễn biến thị trường, thường xuyên cung cấp thông tin cho DN. Thời gian tới, Bộ NN&PTNT tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành sản xuất lúa gạo theo hướng nâng cao giá trị; đồng thời phối hợp với các địa phương, DN tập trung xây dựng thương hiệu cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam.
Trước mắt, để đón đầu các cơ hội xuất khẩu gạo năm 2023, Bộ NN&PTNT chỉ đạo các vùng trọng điểm sản xuất lúa, nhất là Đồng bằng sông Cửu Long thực hiện canh tác lúa ưu tiên các giống lúa ngắn ngày chất lượng cao, giống lúa thơm phù hợp với yêu cầu của thị trường; giảm tỉ lệ các giống lúa chất lượng trung bình và lúa nếp.
Từ kết quả 10 tháng đã xuất khẩu hơn 6 triệu tấn gạo, với 2 tháng còn lại của năm thì tối thiểu mỗi tháng sẽ xuất đi 600.000 tấn gạo, ước tính cả năm nay sẽ xuất khẩu 7,2 - 7,3 triệu tấn gạo. Như vậy, năm 2022 sẽ là năm đạt khối lượng xuất khẩu cao thứ hai trong lịch sử ngành lúa gạo.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến