Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xuất khẩu gạo Việt Nam năm 2022: Tạo đột phá bằng chất lượng

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các DN xuất khẩu gạo Việt Nam với lợi thế ưu đãi thuế quan từ các Hiệp định thương mại tự do đang tận dụng thời điểm thị trường gạo thế giới đẩy mạnh việc mua hàng...

Đây cũng được coi là giải pháp quan trọng để Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu xuất khẩu gạo năm 2022 đạt 6,3 triệu tấn, trị giá 3,3 tỷ USD.

Tăng cả về lượng và chất

Thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), dù chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố do xung đột Nga - Ukraine, nguy cơ lạm phát từ giá nguyên liệu sản xuất leo thang trên thế giới nhưng xuất khẩu gạo Việt Nam vẫn đạt được một số kết quả tích cực. Gạo là một trong 28 mặt hàng có giá trị xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD trong 6 tháng năm 2022.

Tập đoàn Lộc Trời xuất khẩu gạo thương hiệu “Cơm ViệtNam Rice” sang nhiều nước Châu Âu. Ảnh: Nguyên Bình
Tập đoàn Lộc Trời xuất khẩu gạo thương hiệu “Cơm ViệtNam Rice” sang nhiều nước Châu Âu. Ảnh: Nguyên Bình

Cụ thể, trong 6 tháng năm 2022, lượng gạo xuất khẩu của cả nước đạt hơn 3,5 triệu tấn, trị giá 1,72 tỷ USD, tăng gần 16,2% so với cùng kỳ năm 2021. Cơ cấu chủng loại gạo tiếp tục có sự chuyển biến tích cực phù hợp với định hướng Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo đã được phê duyệt.

Hiện, tỷ lệ xuất khẩu gạo trắng ở mức 44,7%, gạo thơm các loại khoảng 33,4%. Việt Nam tiếp tục xuất khẩu gạo hữu cơ và gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng tuy với tỷ trọng nhỏ nhưng đã làm đa dạng chủng loại gạo xuất khẩu và khẳng định được giá trị mặt hàng gạo xuất khẩu.

Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải phân tích, về giá gạo, trong nửa đầu năm nay cũng có xu hướng tăng và hiện ở mức 420 USD/tấn đối với gạo 5% tấm. Nguyên nhân do nhu cầu lương thực tăng và xung đột Nga - Ukraine khiến khách hàng chuyển sang mua gạo của các nước châu Á.

Về thị trường xuất khẩu, Philippines tiếp tục là thị trường dẫn đầu chiếm xấp xỉ 50% tổng lượng gạo xuất khẩu cả nước. Bên cạnh đó, việc Bộ Nông nghiệp Philippines chính thức cấp lại giấy phép kiểm dịch thực vật SPS-IC cho các thương nhân nhập khẩu gạo trong tháng 5 vừa qua đã giúp khôi phục kết quả xuất khẩu gạo vào thị trường này.

Ngoài Philippines, nhu cầu ổn định từ thị trường Trung Quốc, Châu Phi và Cuba cũng góp phần mạng lại kết quả xuất khẩu quý II và 6 tháng đầu năm 2022 đầy lạc quan.

Thị trường EU sẽ tiếp tục tăng trưởng cao

Theo nhận định của các chuyên gia, DN, trước khó khăn về nguồn cung lúa mì trên thế giới, gạo - một loại lương thực chính ở phần lớn châu Á sẽ tăng giá mạnh thời gian tới. Đây cũng là lợi thế cho xuất khẩu gạo Việt Nam.

Dự báo về tăng trưởng xuất khẩu, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại Phước Thành IV (tỉnh Vĩnh Long) Nguyễn Văn Thành cho biết, trong thời gian tới, xuất khẩu gạo có nhiều tín hiệu tích cực nhờ nhu cầu mua tại các thị trường vẫn ở mức cao, đặc biệt là thị trường Philippines và Trung Quốc. Nguyên nhân là do sản lượng giảm vì lũ lụt tại Trung Quốc, trong khi đó tại Philippines nguồn dự trữ gạo đang ở mức thấp.

Bên cạnh việc duy trì đơn hàng sang các thị trường truyền thống thì các DN cũng đang đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường đòi hỏi gạo chất lượng cao như Mỹ và các nước trong khối EU (Đức, Thụy Điển, Bỉ, Ba Lan…). Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển cho biết, gạo là mặt hàng tăng trưởng rõ rệt nhất trong mấy năm gần đây vào Bắc Âu. Kể từ khi Hiệp định Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực, lượng nhập khẩu gạo của Thuỵ Điển từ Việt Nam đã tăng lên đáng kể.

Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Đại Dương Xanh là DN có sản lượng gạo lớn nhất xuất khẩu sang EU. Trưởng phòng Kinh doanh xuất nhập khẩu của công y này - Vũ Thị Huệ cho biết, từ khi có EVFTA, cơ hội với gạo Việt Nam sang khu vực này rất nhiều và nhu cầu gạo từ Việt Nam của thị trường EU rất lớn.

Minh chứng rõ nhất là năm nay, nhiều DN đã mạnh dạn xuất khẩu cả tàu với số lượng hàng ngàn tấn, thay vì trước đây không có hạn ngạch ưu đãi các DN thường xuất khẩu nhỏ lẻ, gửi hàng chỉ vài trăm tấn.

“Mặc dù cước tàu tăng cao, nhiều chi phí khác cũng tăng, song nếu DN tận dụng được ưu đãi thuế quan thì sẽ thu lãi được 175 euro/tấn (khoảng 200 USD/tấn). Nhờ vậy, giá gạo Việt Nam sang EU có lợi thế cạnh tranh hơn rất nhiều. Đây là cơ hội để các DN gạo Việt thâm nhập vào thị trường EU” - bà Vũ Thị Huệ chia sẻ.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam Nguyễn Ngọc Nam, DN xuất khẩu gạo vẫn cần theo dõi thông tin biến động của thị trường tại Philippines, Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ… để có chiến lược phù hợp. Ngoài ra, tại một số thị trường khác thuộc EU, dù hiện nay lượng gạo xuất khẩu chưa nhiều nhưng lại có yêu cầu rất cao về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nên DN cần lưu ý để tránh ảnh hưởng tới uy tín chung của gạo Việt tại những quốc gia này.

Đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng là yếu tố quyết định

Nhận định về một số khó khăn đối với xuất khẩu gạo sang thị trường khó tính EU, ông Trần Thanh Hải cho rằng, vấn đề đặt ra là để đảm bảo gạo thơm xuất khẩu sang EU được hưởng ưu đãi phải được chứng nhận đảm bảo tính đúng giống. Do đó, DN phải có diện tích canh tác đảm bảo đúng giống, chất lượng.

Việc triển khai vùng trồng, giống, đánh giá đồng ruộng, xác nhận giống, thu hoạch… phải đảm bảo đúng theo quy định để có được xác nhận về giống lúa sản xuất. Từ đó, Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) sẽ cấp giấy chứng nhận cho DN.

Đưa ra khuyến nghị để tăng thị phần xuất khẩu gạo tại Anh, Tham tán thương mại Việt Nam tại Anh Nguyễn Cảnh Cường cho biết, Việt Nam đứng thứ 15 trong các nước xuất khẩu gạo sang Anh với thị phần chỉ có 0,42%.

Dư địa cho gạo Việt Nam tại Anh còn có thể mở rộng nhờ cộng đồng gốc Việt Nam 100.000 người và nhờ Quy chế hạn ngạch thuế quan trong UKVFTA. Để biến tiềm năng này thành hiện thực thì người trồng lúa và DN xuất khẩu gạo cần áp dụng triệt để trên diện rộng Global GAP, đồng thời đẩy mạnh sản xuất gạo thơm chất lượng cao.

Về phía Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) và chính quyền các địa phương có diện tích đất trồng lúa lớn cần triển khai các Chương trình hỗ trợ nông dân về giống lúa, vật tư nông nghiệp an toàn, xay xát và bảo quản lúa gạo trước khi xuất khẩu. Đặc biệt, các DN xuất khẩu gạo cần tìm hiểu thị hiếu, nhu cầu tiêu thụ gạo tại thị trường Anh.

Đề cập về giải pháp xuất khẩu gạo bền vững, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến thông tin, ngành sản xuất lúa gạo đang được thúc đẩy tái cơ cấu theo hướng đẩy mạnh giá trị, phát triển bền vững với việc tập trung các giải pháp nâng cao chất lượng và giá trị cho hạt gạo Việt Nam.

Do đó, thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với các địa phương, DN tập trung xây dựng thương hiệu cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam, đồng thời tiếp tục triển khai các cơ chế, chính sách, giải pháp xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo hoàn chỉnh.

Cùng với đó, đẩy mạnh thu hút nguồn lực về tài chính, ứng dụng khoa học công nghệ, hướng đến xây dựng ngành lúa gạo Việt Nam phát triển hiện đại, bền vững với các chuỗi sản xuất lúa gạo chất lượng cao, như: SRP, GlobalGAP, VietGAP…

Để đạt mục tiêu về đích xuất khẩu gạo năm 2022 với 6,3 triệu tấn, trị giá 3,3 tỷ USD, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đề nghị Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các DN xuất khẩu gạo cần tiếp tục đảm bảo việc thu mua lúa gạo cho nông dân, không để lúa gạo tắc đầu ra sau thu hoạch.

Đặc biệt, DN cần nâng cao chất lượng gạo, đảm bảo các yêu cầu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kiểm dịch thực vật, truy xuất nguồn gốc để tận dụng tối đa ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do.

 

"Tính từ đầu năm đến đầu tháng 6/2022, Cục Trồng trọt đã cấp 149 giấy chứng nhận gạo đi châu Âu với số lượng gạo cấp trên 15.000 tấn cho 8 công ty xuất khẩu gạo xin cấp giấy chứng nhận. Đáng chú ý, so với hạn ngạch ưu đãi từ EVFTA đối với chủng loại gạo thơm là 30.000 tấn, thì đến đầu tháng 6 các DN đã xin cấp giấy chứng nhận để xuất khẩu chiếm trên 50% lượng gạo được ưu đãi." - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Cường

"Các DN lúa gạo Việt Nam nên tập trung sản xuất các dòng sản phẩm gạo thơm, gạo cao cấp để xuất khẩu vào các thị trường khó tính vì dư địa tại các thị trường này là rất lớn. Song song với đó là xây dựng thương hiệu bởi cùng chất lượng gạo nhưng loại có thương hiệu tốt có thể sẽ bán được với giá cao hơn từ 10 - 20%." - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam Nguyễn Ngọc Nam