Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xuất khẩu gỗ khởi sắc, vượt mốc 15 tỷ USD

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sự tăng trưởng rõ rệt của kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam từ đầu năm 2024 đến nay đã tạo nền tảng để ngành này bứt phá cán đích 16 tỷ USD.

Mục tiêu này đòi hỏi các DN ngành gỗ phải đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn về xuất xứ, môi trường, cũng như đầu tư cho thiết kế sáng tạo, nâng giá trị gia tăng của sản phẩm.

Tín hiệu tích cực từ thị trường

Thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, kim ngạch xuất khẩu gỗ tính đến hết tháng 7 năm 2024 ước đạt hơn 8,7 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2023. Riêng sản phẩm gỗ ước đạt hơn 5,96 tỷ USD, tăng hơn 22% so với cùng kỳ năm 2023.

Đánh giá về kết quả này, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải nhận định: yếu tố chính thúc đẩy hoạt động xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng trưởng tích cực cho tới thời điểm này là do nhu cầu tăng tại nhiều thị trường lớn, nhất là thị trường Mỹ.

Hiện Mỹ vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam, chiếm gần 54% tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm gỗ và sản phẩm gỗ từ Việt Nam. Từ đầu năm đến nay, mặt hàng xuất khẩu này vào Mỹ có sự tăng trưởng dần theo các tháng.

Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam Đỗ Xuân Lập chia sẻ, đồ nội thất bằng gỗ nhập khẩu từ Việt Nam chiếm khoảng 41% tổng giá trị nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ vào Mỹ. Thêm vào đó, từ giờ đến cuối năm 2024, theo diễn biến mới nhất, Mỹ đang có những động thái về cắt giảm lãi suất. Điều này tất yếu kích cầu tiêu dùng trở lại, mở rộng nhu cầu xuất nhập khẩu của các DN, kéo theo nhu cầu tiêu dùng đồ gỗ tại thị trường này sẽ tăng mạnh mẽ.

Bên cạnh đó, có một yếu tố cũng rất quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam vào Mỹ trong nửa cuối năm 2024, đó là vừa qua Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã ban hành kết luận cuối cùng của vụ việc điều tra xem xét phạm vi sản phẩm và chống lẩn tránh thuế, chống bán phá giá, chống trợ cấp với tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam.

Theo đó, DOC đã hủy bỏ toàn bộ vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế, chống bán phá giá, chống trợ cấp với tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam. Động thái này sẽ khiến xuất khẩu sản phẩm gỗ Việt Nam rộng đường vào Mỹ và đạt được mức tăng trưởng cao từ nay đến cuối năm.

Chế biến gỗ xuất khẩu tại huyện Ứng Hòa, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Chế biến gỗ xuất khẩu tại huyện Ứng Hòa, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam nhìn nhận, với nhiều dấu hiệu tích cực đến từ các thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam như Mỹ, châu Âu, các DN Việt Nam đã có sự tăng trưởng về hợp đồng đặt hàng đến nửa đầu năm 2024 là 22%, thậm chí có DN đã có đơn hàng đến gần hết năm 2024. Đáng chú ý, ngoài các thị trường truyền thống là Mỹ, Trung Quốc thì các thị trường mới như Ấn Độ, Trung Đông… được DN khai thác thời gian gần đây cũng có dấu hiệu tích cực.

Cụ thể: Trung Quốc đạt 1,05 tỷ USD, tăng 49,3%; Canada đạt 113.000 USD, tăng 23,9%; Ấn Độ 73.000 USD, tăng 94,2%...

Việt Nam với vị thế thuộc nhóm các nước có tỷ trọng xuất khẩu gỗ hàng đầu thế giới, ngành gỗ Việt Nam đã mở rộng thị trường xuất khẩu đến 170 quốc gia trên thế giới, thâm nhập sâu hơn vào các thị trường quan trọng như Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản và ngày càng hiện diện nhiều hơn tại các thị trường mới nổi như Trung Đông, Ấn Độ...

“Với nhiều thế mạnh về phát triển lâm nghiệp, chính sách hỗ trợ DN và các hiệp định thương mại tự do, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đã đạt được nhiều thành công trên thị trường quốc tế. Ngành gỗ Việt Nam có vị thế thuận lợi để tận dụng nhu cầu mạnh mẽ từ thị trường trong nước và quốc tế. Các DN đang đầu tư công nghệ mới, chuyển đổi kỹ thuật số để phát triển các sản phẩm và dịch vụ mới, nâng cao khả năng cạnh tranh, tăng tính hiệu quả và năng suất hơn” - ông Đỗ Xuân Lập nhấn mạnh.

Nâng giá trị sản phẩm đi đôi với phát triển bền vững

Mặc dù nhiều thuận lợi nhưng ngành gỗ vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn khi các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam ngày càng yêu cầu chặt chẽ việc kiểm soát nguồn gốc gỗ bảo đảm hợp pháp, không làm ảnh hưởng đến suy thoái, mất rừng; sản xuất xanh, giảm phát thải khí nhà kính, cơ chế điều chỉnh biên giới cacbon (CBAM), giảm phát thải khí nhà kính, thiết kế sinh thái...

Những tiêu chí này đòi hỏi ngành gỗ và các DN Việt phải tuân thủ nghiêm ngặt. Đơn cử như Quy định chống phá rừng của châu Âu (EUDR) đối với các sản phẩm gỗ cao su. Theo quy định này, các DN xuất khẩu đồ gỗ cao su vào châu Âu có thời gian 18 tháng (công ty lớn) hoặc 24 tháng (công ty nhỏ và vừa) để chuẩn bị cho việc đáp ứng các yêu cầu của Quy định chống phá rừng châu Âu (EUDR).

Ngoài các yếu tố khách quan, năng lực nội tại của các DN cũng còn hạn chế khi phần lớn DN chủ yếu gia công theo đơn hàng và mẫu mã của các nhà phân phối nước ngoài. Sản xuất, xuất khẩu tăng trưởng nhiều năm liên tục nhưng dựa vào lao động và nguyên liệu giá rẻ, giá trị gia tăng của sản phẩm không cao. Đa số DN có quy mô nhỏ, chưa đủ năng lực xây dựng thương hiệu; sức chống chịu kém trước các biến động bất ngờ và liên tục từ thị trường. Các sản phẩm ít được phân phối trực tiếp đến khách hàng mà phải thông qua các kênh phân phối, DN nước ngoài.

Nhiều chuyên gia khuyến nghị, để sản xuất, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ có giá trị gia tăng cao hơn nữa, các DN Việt Nam cần đầu tư công nghệ, chuyển đổi số nhằm hạn chế xuất dăm gỗ, gỗ tròn và nguyên liệu mà thay vào đó là đẩy mạnh sang gia công các sản phẩm tinh đáp ứng nhu cầu thị trường. Cùng với đó, DN gỗ cần tự sáng tạo, chế tạo bằng cách bỏ công sức đầu tư, thiết kế vào sản phẩm; tổ chức tiếp thị, quảng bá sản phẩm để nâng cao giá trị, lợi nhuận sản phẩm và chống chọi được biến động của thị trường.

Lưu ý về thị trường Mỹ, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương Nguyễn Liêm khuyến cáo: Mỹ đang là thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam là thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ số 1 cho Mỹ. Tuy nhiên, việc tập trung quá nhiều vào một thị trường chính đang là điểm yếu của Việt Nam. Minh chứng là khi nhu cầu tiêu thụ của thị trường Mỹ giảm, trị giá xuất khẩu của Việt Nam cũng giảm theo rất nhiều. Do đó, DN Việt Nam cần tiếp tục đa dạng hóa và nâng dần tỷ trọng xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng khác để giảm thiểu rủi ro.

Năm 2024, ngành gỗ đặt mục tiêu xuất khẩu 15,2 tỷ USD, trong đó gỗ và sản phẩm gỗ trên 14,2 tỷ USD, tăng 6% so với năm 2023. Đề cập về giải pháp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gỗ và lâm sản, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Quốc Trị thông tin: bộ đã chỉ đạo ngành lâm nghiệp tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả giải pháp phát triển bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ.

Song song đó, ngành lâm nghiệp phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại, kiểm soát chặt chẽ gỗ nhập khẩu từ các nước có nhiều rủi ro. Đặc biệt là, ngành bám sát, xây dựng kịch bản điều hành về xuất, nhập khẩu, bảo đảm mục tiêu đề ra năm 2024; tiếp tục phối hợp các đơn vị, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản phát triển thị trường xuất khẩu lâm sản phù hợp với luật pháp quốc tế.

 

Thời gian qua, nhiều DN ngành gỗ đã nhanh chóng nghiên cứu xu hướng thị trường và chuyển đổi từ gia công xuất khẩu sang thiết kế các mẫu mã mới, đẹp mắt và có chất lượng tốt, được nhiều khách hàng quốc tế đánh giá cao. Đây là tín hiệu tốt cho thấy ngành gỗ Việt Nam đang đi đúng hướng, không chỉ nhằm gia tăng kim ngạch xuất khẩu mà còn từng bước nâng cao vị thế, thương hiệu ngành đồ gỗ Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam Đỗ Xuân Lập