Xuất khẩu Hà Nội: Nỗ lực tăng tốc

Bài, ảnh: Hoài Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dịch Covid-19 đã khiến kim ngạch xuất khẩu (XK) Hà Nội sụt giảm, để DN vượt qua khó khăn đưa kim ngạch XK tăng tốc trở lại trong những tháng cuối năm 2020, TP Hà Nội đã thông qua nhiều giải pháp hỗ trợ DN trong các lĩnh vực: Hải quan, thuế, đất đai, ngân hàng...

Xuất khẩu sụt giảm vì Covid-19
Số liệu của Cục Thống kê Hà Nội cho thấy trong quý I/2020, kim ngạch XK Hà Nội chỉ đạt 2,744 tỷ USD, giảm 18,1% so với cùng kỳ năm 2019.
Phân tích nguyên nhân khiến kim ngạch XK Hà Nội sụt giảm, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thanh Hải cho rằng: Khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại Trung Quốc, Hàn Quốc đã gây khó khăn cho DN sản xuất hàng XK bởi nguồn nguyên liệu sản xuất chủ yếu nhập khẩu từ những nước này.
Cụ thể, dệt may bị ảnh hưởng rõ rệt nhất khi 50% phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc và 10,2% nguyên liệu từ Hàn Quốc; ngành da giày có tới 27% nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc và 1,4% từ Hàn Quốc...
 
“Ngay cả DN đầu tàu ngành may mặc như Tổng Công ty May 10 cũng phải nhập 65 - 70% nguyên phụ liệu từ vùng có dịch, nên DN sản xuất cầm chừng, tạm ngừng sản xuất đã ảnh hưởng đến kim ngạch XK” - ông Hải nói. Nhìn chung, cộng đồng DN đang rơi vào tình trạng khó khăn, chủ yếu do thiếu nguồn cung nguyên liệu. Sự đứt gãy chuỗi cung ứng đầu vào gây ảnh hưởng trên diện rộng.
Thực tế cho thấy từ giữa tháng 3 đến nay dịch Covid-19 lan rộng toàn cầu khiến hoạt động xuất nhập khẩu gặp nhiều khó khăn bởi hoạt động giao thương các nước Mỹ, EU với các đối tác trong đó có Việt Nam cũng sẽ bị hạn chế. Nhu cầu tiêu thụ những mặt hàng XK chủ lực của Hà Nội như dệt may, da giày, đồ gỗ, điện thoại… suy giảm mạnh bởi đây không phải là mặt hàng thiết yếu nên các nước giảm nhập khẩu.
Khơi thông những ách tắc
Để giúp DN vượt qua "bão" Covid-19, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Thủ đô, Giám đốc NHNN Chi nhánh TP Hà Nội Nguyễn Minh Tuấn, cho biết: Bên cạnh việc hỗ trợ kinh phí cho DN thành lập mới, NHNN và các ngân hàng thương mại thực hiện chương trình kết nối ngân hàng – DN với dư nợ cho vay đến nay ước đạt 546.000 tỷ đồng; thực hiện các gói hỗ trợ cho vay sản xuất, kinh doanh như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí...
Chia sẻ cách thức hỗ trợ DN mở rộng thị trường XK và nhập khẩu nguyên liệu sản xuất, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng khẳng định: Sở sẽ phối hợp chặt chẽ với Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), thương vụ Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ các DN tìm nguồn nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu đầu vào sản xuất trong trường hợp nguồn cung bị ảnh hưởng của dịch bệnh (nhất là các nguyên liệu ngành dệt may, da giày, điện tử...).
Bên cạnh đó, tiếp tục tìm kiếm, mở rộng thị trường XK (như thị trường Nga, châu Mỹ Latinh, châu Phi) qua đó giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Đồng thời, hướng dẫn DN các tiêu chuẩn, quy cách, đóng gói, bảo quản, bao bì nhãn mác phù hợp với yêu cầu của thị trường XK khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản thời gian tới, TP Hà Nội tiếp tục triển khai 7 nhóm giải pháp để hạn chế ảnh hưởng của dịch Covid-19, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, phục hồi kinh tế. Đặc biệt chú trọng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện 100% thủ tục hành chính qua mạng điện tử mức độ 3, đẩy mạnh đăng ký trực tuyến mức độ 4 tất cả các thủ tục liên quan đến DN...
Hy vọng những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN của TP Hà Nội, ngành công thương sẽ góp phần hỗ trợ DN vượt khó sau dịch Covid-19, từ đó thúc đẩy kim ngạch XK tăng trưởng vào thời điểm giữa và cuối năm 2020.

"Hapro chủ trương phát triển hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích bám theo khu vực dân cư và khu vực ngoại thành. Bởi nông thôn được coi là thị trường chiến lược trong thời gian tới." - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) Nguyễn Tiến Vượng