Xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ: Chủ động để không bị động

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

kinhtedothi - Những thông tin dự báo tích cực lẫn không khả quan về nhu cầu tiêu dùng và nhu cầu nhập khẩu từ thị trường Mỹ trong những tháng cuối năm 2023 là điều mà các nhà quản lý, DN xuất khẩu cần phải theo dõi sát sao.

Những giải pháp cũng cần được thận trọng triển khai để khi thị trường Mỹ bình ổn trở lại, DN Việt Nam không bị động trong việc cung ứng hàng hóa.

Kỳ vọng đơn hàng tăng trở lại

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. 8 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Mỹ đạt 62,3 tỷ USD, giảm 15 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2022. Đáng mừng là gần đây, đã có dấu hiệu tích cực cho thấy thị trường này có xu hướng ấm dần.

Đơn cử như, đối với ngành công nghiệp gỗ, Mỹ là thị trường lớn của ngành công nghiệp gỗ Việt Nam, chiếm từ 50 - 55% tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành.

Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Mỹ đạt khoảng 8,3 tỷ USD. Nhưng từ đầu năm 2023 đến nay, xuất khẩu gỗ sang thị trường này liên tục giảm mạnh.

Chế biến thủy sản xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Ảnh: Phạm Hùng
Chế biến thủy sản xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Ảnh: Phạm Hùng

Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam Ngô Sỹ Hoài, ngoài những khó khăn chung, còn có lý do là ngành bất động sản của Mỹ đang trong giai đoạn chững lại, tác động khiến tổng giá trị nhập khẩu các sản phẩm gỗ của nước này sụt giảm hơn 50%.

Hiệp hội kỳ vọng về cuối năm khi thị trường Mỹ hồi phục và ấm dần lên sẽ giúp lấy lại đà tăng trưởng xuất khẩu vì sản phẩm gỗ Việt Nam đã khẳng định tốt vị thế tại thị trường này; các DN gỗ Việt Nam cũng đã thể hiện rõ bản lĩnh, năng lực cạnh tranh một cách thực thụ.

 

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn như hiện nay, xu hướng tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu của Việt Nam nói chung và Mỹ nói riêng đã có nhiều thay đổi. Điều này đòi hỏi các DN Việt Nam phải thích ứng được với những thay đổi đó.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên

 

“Chúng tôi đánh giá khó khăn chỉ là tạm thời. Về lâu dài, Mỹ khó tìm được nhà cung ứng sản phẩm gỗ nào thay thế Việt Nam về chất lượng cũng như giá cả” - ông Ngô Sỹ Hoài khẳng định.

Còn theo Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Gỗ Đức Thành Lê Hải Liễu, sau giai đoạn khó khăn vừa qua, gần đây đã có khách hàng Mỹ quay trở lại đặt hàng Đức Thành, thậm chí còn công bố số lượng đặt hàng trong năm 2024.

Hiệp hội Xuất khẩu và Chế biến thủy sản Việt Nam (VASEP) đánh giá, thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam là Mỹ được đang có dấu hiệu phục hồi do lạm phát hạ nhiệt, mức tồn kho giảm, nhu cầu phục vụ dịp lễ cuối năm của nước này tăng.

Do vậy, thời điểm này, nhiều DN đang nỗ lực đa dạng hóa sản phẩm, tập trung chế biến sâu, đầu tư vào chuỗi giá trị để duy trì đơn hàng, trong đó, phát triển các loại mặt hàng thủy sản tiện lợi để chế biến sẵn tại nhà; các loại sản phẩm khô, được chế biến sẵn.

Hiện hữu những khó khăn

Dự báo về thị trường Mỹ những tháng cuối năm 2023, TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định, từ hai năm nay, Mỹ đang đối diện với lạm phát tăng rất cao như năm 2022 có lúc lên đến 9%. Hiện tại, lạm phát ở quốc gia này đã được kéo xuống mức 6%, song vẫn còn rất cao so với lạm phát mục tiêu là 2% do họ đặt ra. Trong tình hình này, Mỹ buộc phải tăng lãi suất và thắt chặt chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát.

“Tôi cho rằng Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt. Với chính sách này, giá cả hàng hóa không những tăng mà còn khiến việc tiêu thụ của nền kinh tế Mỹ gặp vấn đề về tín dụng. Khi lãi suất tăng lên thì dĩ nhiên sẽ hạn chế vay tiêu dùng. Tiêu dùng của Mỹ giảm đi, trong đó có nhu cầu tiêu dùng những sản phẩm mà Việt Nam xuất khẩu” - TS Nguyễn Trí Hiếu lập luận.

Trưởng Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại San Francisco (Mỹ) Trần Minh Thắng cho rằng, Mỹ có nhu cầu hàng hóa từ Việt Nam, nhưng đây cũng là thị trường nhận được rất nhiều lời chào hàng từ DN khắp nơi trên thế giới. Do đó, DN Việt Nam cần kiên trì việc tiếp cận và giới thiệu sản phẩm.

Bên cạnh đó, các DN cũng phải tích cực tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm, kết nối với các cơ quan liên quan, tạo uy tín và gây dựng niềm tin với khách hàng Mỹ.

Để phát triển thị trường, ngoài việc hợp tác với các kênh phân phối lớn, DN cũng cần tìm đến các thị trường ngách, bởi các nhà phân phối lớn có trở ngại là khi cầu giảm sẽ ngắt kết nối khiến cho hoạt động xuất khẩu của DN bị đứt gãy. Khi xúc tiến thương mại, DN nên tìm đến các đối tác bản địa, ký hợp đồng tư vấn để tìm được thị trường ngách, giải quyết hàng tồn kho, hàng lẻ.

Đề cập về các giải pháp hỗ trợ DN, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ đang đẩy mạnh hỗ trợ DN tham gia vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, thúc đẩy kết nối giữa các kênh phân phối, nhà nhập khẩu nước ngoài với DN sản xuất trong nước.

Mặt khác, các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cũng đang tăng cường hướng dẫn về chính sách của các khu vực và thị trường, trong đó có Mỹ, nhằm giúp DN có thêm thông tin để tận dụng tốt hơn cơ hội thâm nhập thị trường.

Thời gian tới, Bộ cũng sẽ mở nhiều diễn đàn cung cấp thông tin về thị trường cũng như đưa ra những chiến lược khác nhau nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam ở thị trường nước ngoài nói chung và thị trường Mỹ nói riêng.

Ứng dụng thương mại điện tử để mở rộng thị trường

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, DN Việt Nam cần phải nắm bắt xu hướng ứng dụng thương mại điện tử để phát triển xuất khẩu, tạo ra kênh xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ cạnh tranh hơn qua các nền tảng trực tuyến đến với khách hàng Mỹ.

Bằng cách tiếp cận này, các DN Việt Nam có thể tìm kiếm, hiểu thêm khách hàng mới ở Mỹ, thâm nhập thị trường này với chi phí thấp, thực hiện công việc kinh doanh 24/7. Tuy nhiên, để làm được điều này, buộc DN phải có sự thay đổi tư duy, đầu tư về công nghệ, chuyển đổi số dựa trên các nền tảng trực tuyến, có sự hiểu biết về nhu cầu thương mại điện tử, các xu hướng, các quy định của thương mại liên quan đến thương mại điện tử của Mỹ và đặc biệt phải có cách tiếp cận phù hợp, hiệu quả.

 

Các DN Việt Nam cần xác định lại chiến lược, kế hoạch sản xuất, kinh doanh; định hình rõ thị trường và sản phẩm; tìm hiểu kỹ các quy định, rào cản xuất khẩu sang thị trường Mỹ, đồng thời, liên tục cải thiện chất lượng hóa cũng như công nghệ sản xuất để đáp ứng tiêu chuẩn của nhà nhập khẩu.
TS Nguyễn Trí Hiếu

 

Theo Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) Lại Việt Anh, khó khăn của DN Việt chính là khả năng thích ứng và linh hoạt, khi mà Mỹ là một trong những thị trường khắt khe nhất về hàng hóa nhập khẩu. Điều này đòi hỏi DN cần kỹ năng ứng dụng và khai thác thương mại điện tử, tối ưu hóa tiếp cận khách hàng tiềm năng. Do vậy, DN cần đáp ứng để đưa sản phẩm của mình lên sàn thương mại điện tử, từ đó thu hút người tiêu dùng Mỹ.

Chia sẻ kinh nghiệm về thị trường Mỹ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam Trần Đình Toản phân tích: buổi tối theo giờ Việt Nam sẽ là ngày làm việc của Mỹ, vì vậy DN cần phải duy trì nhân sự làm đêm để trao đổi nhắn tin trực tiếp nếu họ có nhu cầu cần tư vấn sản phẩm.

Đồng thời, cần minh bạch hóa sản phẩm theo quy định quốc tế đặt ra. Dân số Mỹ là hơn 330 triệu người, đa dạng về sắc tộc, trong đó người Mỹ gốc Việt là hơn 2,1 triệu người. Đây là cộng đồng người Việt sinh sống tại nước ngoài đông nhất trên thế giới, cũng là tiềm năng to lớn đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam để tiến sâu vào thị trường Mỹ qua cả kênh truyền thống và thương mại điện tử.