Những tín hiệu phục hồi
Thông tin từ Bộ Công Thương, trong tháng 8/2023, kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ đạt 9,01 tỷ USD. Đây là mức cao nhất trong 1 năm kể từ tháng 8/2022. So với cùng kỳ, xuất khẩu sang Mỹ vẫn tăng trưởng, tuy nhiên chỉ còn giảm 9,4% (cải thiện so với mức giảm 13,7% trong tháng 7 và giảm 25,5% trong tháng 6). So với tháng 7/2023, xuất khẩu sang Mỹ tăng 4,3%.
Trong nhóm 6 mặt hàng chủ lực xuất khẩu sang Mỹ, phục hồi rõ nét nhất là nhóm hàng dệt may khi giá trị xuất khẩu của nhóm hàng này theo xu hướng tăng liên tục từ đầu năm đến nay.
Khả năng phục hồi của xuất khẩu cũng thể hiện khi nhìn vào diễn biến xuất khẩu sang Mỹ, thị trường lớn nhất của Việt Nam. Trong tháng 8/2023, xuất khẩu sang Mỹ chỉ còn giảm hơn 9% so với cùng kỳ, là mức giảm ít nhất trong 6 tháng qua. Kỳ vọng mức giảm này sẽ dần thu hẹp trong những tháng cuối năm vì thông thường quý IV hằng năm cũng là quý xuất khẩu bật tăng mạnh.
Đáng chú ý, trong 8 tháng năm 2023, xuất khẩu sang Mỹ đạt 62,11 tỷ USD, giảm gần 20% so với cùng kỳ năm 2022, tuy nhiên giá trị vẫn cao hơn các năm trước.
Nhận định về vấn đề này, chuyên gia Kinh tế trưởng của VinaCapital Michael Kokalari nhận định, có một số tín hiệu cho thấy xuất khẩu sẽ phục hồi vào quý IV nhờ tồn kho của các nhà bán lẻ ở Mỹ đã chạm đáy.
Hiện nay, hơn một nửa giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ là các sản phẩm công nghệ cao (hàng điện tử tiêu dùng, điện thoại thông minh), các sản phẩm may mặc và giày dép, còn lại là các sản phẩm khác như nội thất và nông sản.
“Chúng tôi kỳ vọng về sự phục hồi trong nửa cuối năm nay, nhờ vào việc ra mắt các mẫu điện thoại mới, bởi nhiều linh kiện được sử dụng cho các điện thoại mới được sản xuất tại Việt Nam. Đối với mặt hàng may mặc và giày dép, dự báo xuất khẩu chưa phục hồi cho đến năm 2024, vì tốc độ giảm lượng tồn kho của các nhà bán lẻ tại Mỹ cho các mặt hàng này đang chậm hơn so với sản phẩm điện tử tiêu dùng” - chuyên gia Kinh tế trưởng của VinaCapital dự báo.
Nâng cao tính cạnh tranh hàng hóa
TS Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận, Mỹ là thị trường rộng mở đối với hàng nhập khẩu nhưng cũng chính vì đặc điểm này mà Mỹ cũng trở thành thị trường khó khăn và cạnh tranh bậc nhất. Việt Nam không chỉ phải cạnh tranh với các nước có cùng chủng loại sản phẩm mà còn phải cạnh tranh ngay chính với các nhà sản xuất nội địa.
Theo đó, Mỹ là một thị trường xuất khẩu có nhiều quy định và thủ tục phức tạp, ngặt nghèo. DN Việt Nam phải đối mặt với các rào cản thương mại, rào cản kỹ thuật, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.
Mỹ cũng là quốc gia thường xuyên áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại không chỉ tác động đến 1 DN mà còn toàn ngành và các đối tác có thể tìm phương án lựa chọn từ quốc gia khác. Điển hình là những mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ.
Báo cáo đánh giá của Bộ Công Thương chỉ rõ, chi phí sản xuất của ngành nông nghiệp Việt Nam ngày càng tăng cao do áp lực của giá xăng, dầu và chuỗi cung ứng. Đặc biệt là việc đầu tư quy trình sản xuất xanh, giảm phát thải theo yêu cầu từ các nhà mua hàng tại Mỹ cũng đặt các DN Việt vào tình thế phải chuyển đổi để theo kịp. Chưa kể, với khoảng cách địa lý xa xôi, chi phí vận chuyển cao, nên nông sản
Việt xuất đi Mỹ đang loay hoay tìm cách hạ tối đa giá thành sản xuất để cạnh tranh.
Trước sức ép về giá, Bộ Công Thương khuyến cáo, DN Việt Nam cần tăng đầu tư cho công nghệ bảo quản để trái cây tươi có thể đi đường biển sang Mỹ, tận dụng các Hiệp định thương mại tự do (FTA) để có ưu đãi thuế quan tốt nhất, giúp hàng hóa cạnh tranh hơn.
Ngoài trái cây tươi, các DN Việt Nam có thể đẩy mạnh các mặt hàng chế biến sẵn bằng công nghệ hiện đại. Về dài hạn, các nhà sản xuất Việt Nam phải triển khai các giải pháp phát triển mô hình “nông nghiệp thông minh”, với việc áp dụng công nghệ vào nông nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng, giảm thiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Nhiều chuyên gia nhận định, với kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang Mỹ lên đến gần 14 tỷ USD trong năm 2022 đã cho thấy Mỹ là thị trường tiềm năng để nông sản Việt tăng tốc xuất khẩu trong nhiều năm tới. Song hành với đó là các hoạt động đàm phán để mở cửa thị trường cho một số loại trái cây chất lượng cao của Việt Nam vẫn đang tiếp tục thực hiện.
Tuy nhiên, trước chính sách bảo hộ của Mỹ ngày một tăng, các nhà xuất khẩu Việt Nam cần lưu ý những vụ việc điều tra chống bán phá giá, lưu trữ hồ sơ hàng hóa xuất khẩu. Thị trường Mỹ ngày càng quan tâm nhiều đến các vấn đề an toàn cho người tiêu dùng, phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu. Đây là tiền đề để dựng lên những tiêu chuẩn mới, quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu sạch.
Dư địa lớn nhưng không dễ
Đánh giá về thị trường Mỹ, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Mỹ Đỗ Ngọc Hưng cho biết, với quy mô dân số hơn 333 triệu người cùng sức mua lớn, lại đang trong giai đoạn phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, Mỹ là thị trường tiềm năng với hàng hóa Việt Nam. Nhu cầu và tập quán tiêu dùng phong phú theo thu nhập, đặc trưng văn hóa và vùng miền tạo nên dư địa lớn cho các DN Việt Nam khai thác thị trường Mỹ.
Ngoài ra, lực lượng người Việt đông đảo ở Mỹ chính là cầu nối, là nhóm khách hàng quan trọng của hàng hóa Việt Nam. Về thị trường thực phẩm khu vực miền Tây nước Mỹ, Trưởng Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại San Francisco Trần Minh Thắng cho hay, khu vực này tập trung nhiều siêu thị lớn, số người Mỹ gốc Việt tại đây tương đối lớn với 2,18 triệu người cùng sức tiêu thụ hàng hóa lớn. Đây là thị trường tiềm năng cho hàng Việt Nam.
Tuy nhiên theo các chuyên gia, Mỹ cũng là thị trường khó tính với các yêu cầu cao về an toàn vệ sinh thực phẩm, các rào cản kỹ thuật về lao động, môi trường…
Bên cạnh đó, hàng Việt còn phải cạnh tranh gay gắt với hàng hóa sản xuất tại Mỹ cũng như sản xuất tại các nước châu Á, Nam Mỹ, thậm chí là châu Phi. Để chiếm lĩnh thị trường Mỹ, ông Đỗ Ngọc Hưng khuyến nghị, DN cần nắm bắt tính đa dạng và cởi mở trong văn hóa Mỹ.
Đồng thời, cần nâng cao hơn nữa chất lượng và hàm lượng kỹ thuật trong các sản phẩm, chú trọng tính hợp pháp, sự an toàn, thân thiện với môi trường; đánh giá thường xuyên các nguy cơ về cạnh tranh không lành mạnh để hạn chế rủi ro về phòng vệ thương mại.
Tổng Giám đốc điều hành Công ty Dragonberry Produce (DN hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu trái cây tại Mỹ) Amy Nguyễn chia sẻ, muốn xuất khẩu hàng hóa, nhất là nông sản sang Mỹ, phải nắm rõ các quy định liên quan đến kiểm dịch động, thực vật, bảo đảm sản phẩm không vượt ngưỡng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Công nghệ bảo quản sản phẩm cũng cần được nâng cấp để hàng hóa có thể vận chuyển đường dài mà vẫn tươi ngon khi đến kệ bán cho người tiêu dùng.
Từ năm 2020, Mỹ đã trở thành bạn hàng lớn nhất trong thương mại nông, lâm, thủy sản với Việt Nam, với các mặt hàng chủ lực là hạt điều, thủy sản, gỗ, trái cây. Ngay cả trong giai đoạn Covid-19, suy thoái kinh tế, đứt gãy chuỗi cung ứng, nhưng cả xuất khẩu và nhập khẩu nông, lâm, thủy sản giữa Việt Nam và Mỹ đều tăng ở mức 2 con số.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, để hiện thực hóa tiềm năng phát triển thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Mỹ, hai bên cần tăng cường kết nối, bảo đảm tính liên tục trong hoạt động của các chuỗi cung ứng, tránh những tác động tiêu cực đến các ngành sản xuất.
Đồng thời, cần phát huy cơ chế đối thoại chính sách của Hội đồng Thương mại và Đầu tư Việt Nam - Mỹ để kiến tạo khung khổ pháp lý thuận lợi, thúc đẩy trao đổi thương mại, đầu tư và kịp thời giải quyết những khó khăn phát sinh trong lĩnh vực kinh tế, thương mại.