Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xuất khẩu lâm sản Việt Nam đứng đầu khối ASEAN

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá trị xuất khẩu lâm sản Việt Nam tiếp tục đứng đầu khối ASEAN, thứ 2 châu Á và thứ 5 thế giới. Sản phẩm gỗ và lâm sản Việt Nam tiếp tục có mặt, giữ vững uy tín, mở rộng đến 140 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Ngày 1/12, tại Nghệ An đã diễn ra hội nghị “Giải pháp thúc đẩy sản xuất, chế biến và xuất khẩu lâm sản năm 2021 và giai đoạn 2021 - 2025”.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng; Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường; Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn; Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng; Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung; Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam Đỗ Xuân Lập đồng chủ trì hội nghị.

Đây là hội nghị lần thứ 3 liên tiếp trong 3 năm qua về lĩnh vực sản xuất chế biến và xuất khẩu lâm sản. Hội nghị nhằm đánh giá kết quả chế biến, xuất khẩu lâm sản năm 2020 trước những khó khăn, thách thức; nhất là sự tác động của dịch Covid-19; đồng thời đề ra các giải pháp thúc đẩy ngành lâm nghiệp nói chung và lĩnh vực sản xuất, chế biến, xuất khẩu lâm sản năm 2021 và giai đoạn 2021 - 2025 phát triển bền vững, hiệu quả.

 Các đại biểu chủ trì hội nghị 

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, năm 2020, kim ngạch xuất khẩu lâm sản ước đạt trên 12,6 tỷ USD, tăng 11,5% so với năm 2019, tiếp tục đứng trong 10 nhóm sản phẩm xuất khẩu chủ lực, chiếm trên 30% tổng giá trị xuất khẩu của ngành nông nghiệp; giá trị xuất khẩu lâm sản Việt Nam tiếp tục đứng đầu khối ASEAN, thứ 2 châu Á và thứ 5 thế giới; giá trị lâm sản xuất siêu đạt trên 10 tỷ USD (cao nhất từ trước đến nay). Sản phẩm gỗ và lâm sản Việt Nam tiếp tục có mặt, giữ vững uy tín và mở rộng đến 140 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Hiện nay, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam mới chiếm khoảng trên 6% thị phần toàn cầu nên các DN có cơ hội mở rộng, phát triển thị phần. Bên cạnh các thị trường truyền thống có giá trị xuất khẩu cao như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc thì một số thị trường tiềm năng có cơ hội mở rộng phát triển mới như Canada, Nga, Ấn Độ, UEA… Việt Nam cũng có nhiều mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh như: Viên nén, dăm gỗ, gỗ dán, gỗ ghép, đồ mộc xây dựng, ghế ngồi, các đồ nội thất và bộ phận đồ nội thất…

Đặc biệt, với nhóm đồ nội thất có giá trị xuất khẩu lớn nhất trong các nhóm hàng xuất khẩu gỗ và lâm sản sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định trong thời gian tới. Cùng với đó, các hiệp định đối tác tự nguyện giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu về thực thi Luật Lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT), EVFTA và các hiệp định thương mại khác đang là cơ hội cho ngành chế biến, gỗ, lâm sản xuất khẩu.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, định hướng phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn trong sản xuất nông nghiệp, đóng góp quan trọng trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam; phấn đấu để Việt Nam trở thành một trong những nước hàng đầu trên thế giới về sản xuất, chế biến, xuất khẩu lâm sản có thương hiệu uy tín trên thị trường thế giới và khu vực, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường trong nước và gia tăng xuất khẩu.

Tiếp tục phát triển rừng trồng nguyên liệu theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng rừng, gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững; đảm bảo cung cấp tối thiểu 80% nhu cầu nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản; duy trì ổn định nguồn cung cấp nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu gỗ từ khai thác cây trồng phân tán, cây vườn nhà, vườn rừng và vườn cây cao su thanh lý với sản lượng gỗ từ 7 - 10 triệu m3/năm;

Về giá trị kim ngạch xuất khẩu, nâng kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản năm 2021 đạt 14 - 14,5 tỷ USD, tăng từ 10 - 11% so với năm 2020, và đạt 18 - 20 tỷ USD vào năm 2025); chủ động nguồn nguyên liệu gỗ và vật liệu phụ trợ trong nước, bảo đảm 100% gỗ, sản phẩm gỗ xuất khẩu có nguồn gốc hợp pháp; tăng dần tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm gỗ có giá trị gia tăng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu, giảm dần tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm thô, sản phẩm trung gian.