Xuất khẩu lao động bằng… đi tour

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Với “mác” Giám đốc Công ty TNHH Phát triển thương mại Thái - Việt, Dương Hoài Châu (SN 1961, trú tại phường Liễu Giai, quận Ba Đình, Hà Nội) “bắt tay” với một số đối tượng để lừa đảo xuất khẩu lao động.

Dân nghèo thêm kiệt quệ

Tại hành lang phòng xử án, chị Nguyễn Thị Thắm (ở huyện Đông Hưng, Thái Bình), bị hại nữ duy nhất trong hàng chục nạn nhân của vụ án cho hay, cuối năm 2006, Vũ Đức Nam (trú ở quận Ba Đình, Hà Nội) về thăm quê và ghé qua nhà chị chơi. Thấy gia cảnh bần hàn nên Nam đã gợi ý và hứa “lo lót” để chị sang Hàn Quốc lao động với lương tháng hàng chục triệu đồng. Trong mắt vợ chồng chị Thắm, Nam thành đạt và đang làm việc tại Hà Nội nên chị tin tưởng ngay.

Chạy vạy và cầm cố nhà đất, chị Thắm đưa trước cho Nam 250 triệu đồng trong tổng số 22.000USD chi phí lo đi lao động ở nước ngoài. Số tiền còn lại chị Thắm sẽ phải giao nốt trước khi bay. Anh này hứa, chỉ trong một thời gian ngắn chị Thắm sẽ được sang Hàn Quốc làm việc. Chờ đợi mãi mà chẳng thấy “tin vui” nên chị Thắm phải nhiều lần thúc giục. Để “chữa cháy” việc đi Hàn Quốc bất thành, Nam quay sang bảo chị Thắm sang làm việc tại  Australia với thu nhập cũng không kém. Trung tuần tháng 3-2009, chị Thắm được Nam bố trí và cùng với 15 người khác xuất ngoại. Tại Indonesia, giấc mộng đổi đời của chị Thắm bị tiêu tan khi chân tướng vụ lừa đảo xuất khẩu lao động được phơi bày.

Tương tự tình cảnh của chị Thắm, anh Trần Văn Hồng (ở huyện Nghi Lộc, Nghệ An) cũng bị “sập bẫy” trong vụ lừa đảo này. Vốn quen biết với em gái của Phạm Đình Hạnh (quê ở TP Vinh, Nghệ An) nên anh Hồng được người bạn gái này tư vấn sang làm việc tại Australia để có thu nhập cao. Đầu mối để xuất ngoại không ai khác chính là Hạnh. Muốn thoát khỏi cảnh nghèo bấy lâu nên anh Hồng đã đưa cho Hạnh 20.500USD và nuôi hy vọng có cuộc sống sung túc hơn sau vài năm làm việc. Được Hạnh chắp mối bay sang Indonesia bằng đường du lịch, anh Hồng cùng 5 người đồng hương mới vỡ lẽ mình bị lừa. Theo tài liệu điều tra, tổng số nạn nhân bị lừa xuất khẩu lao động sang Australia do Châu “đạo diễn” là 16 người dân nghèo thuộc các tỉnh Nghệ An, Thái Bình, Hà Nam và Bắc Ninh. Họ đã phải vay tiền lãi suất cao và thế chấp nhà cửa để có kinh phí đưa cho nhóm Dương Hoài Châu.

Không có đồng phạm

Từ năm 2008 đến tháng 3-2009, Dương Hoài Châu đã lợi dụng lòng tin và sự thiếu hiểu biết của những người có nhu cầu đi lao động ở nước ngoài để chiếm đoạt 319.000USD, thông qua 7 đầu mối gồm: Vũ Đức Nam; Phạm Đình Hạnh; Nguyễn Thị Phương cùng ở quận Đống Đa; Nguyễn Thế Dũng, ở huyện An Dương, Hải Phòng; Nguyễn Đức Kính, ở TP Bắc Ninh, Bắc Ninh; Đồng Quang Phúc, ở huyện Từ Liêm và Vũ Thị Thanh Thương, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội.

Trước đó, mặc dù không có chức năng xuất khẩu lao động nhưng Châu vẫn “quảng cáo” với Nguyễn Thế Dũng là có thể đưa được người sang Australia làm việc tại các trang trại trong thời gian từ 3 - 5 năm, mức lương khởi điểm 2.500 AUD/tháng với chi phí là 19.500USD/người. Sau đó, Dũng thông tin cho Thương và người này tiếp tục “rỉ tai” cho những người khác biết để cùng nhau đứng ra thu tiền của nhiều người với chi phí được nâng lên từ 20.500 - 22.000USD/người. Thu gom được số người và tiền cần thiết, tháng 3-2009, Châu đặt một tour du lịch sang Indonesia, đồng thời nói với người lao động là sau đó sẽ quá cảnh sang “chân trời mơ ước”. Thế nhưng, khi các lao động tới Indonesia, Châu đã “mượn” hộ chiếu của họ rồi “biến mất”. Trước khi trở về nước tố cáo hành vi của “siêu lừa”, 16 lao động đã phải sống vạ vật ở các khu nhà trọ tồi tàn và trại tị nạn của nước bạn gần 4 tháng vì không có giấy tờ tùy thân.

Với hành vi lừa đảo xuất khẩu lao động để chiếm đoạt tài sản, Dương Hoài Châu bị VKSND Hà Nội truy tố ra trước cơ quan xét xử cùng cấp theo điểm a, khoản 4, Điều 139-BLHS. Ngày 19-4, TAND TP Hà Nội đưa vụ án ra xét xử, nhưng đã trả hồ sơ để làm rõ vai trò của những người liên quan. Ngày 26-10, vụ án được xét xử trở lại. Cũng như ở phiên tòa lần trước, Dương Hoài Châu cho rằng đối tượng cũng là nạn nhân vì đã ký hợp đồng với một người ở Indonesia để đưa lao động sang Australia làm việc. Tuy nhiên, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Phát triển thương mại Thái - Việt lại không đưa ra được bằng chứng chứng minh việc đó. Qua xác minh, Văn phòng Interpol Việt Nam cũng không thể xác định được đối tượng mà bị cáo “vẽ” ra. Số tiền 319.000USD chiếm đoạt của các nạn nhân, bị cáo đã tiêu xài hết. Đối với những “chân rết” của Châu, quá trình điều tra bổ sung và xét xử tại tòa cho thấy, tuy hành vi của họ đã trực tiếp giúp sức cho bị cáo, song không có ý thức lừa đảo. Khi sự việc vỡ lở, các “chân rết” này cũng đã tự nguyện khắc phục một phần hậu quả.     

Với hành vi lừa đảo xuất khẩu lao động để chiếm đoạt tài sản, Dương Hoài Châu đã bị VKSND Hà Nội truy tố ra trước cơ quan xét xử cùng cấp theo điểm a, khoản 4, Điều 139-BLHS. Ngày 19-4, TAND TP Hà Nội đưa vụ án ra xét xử, nhưng đã trả hồ sơ ngay sau đó để làm rõ vai trò của những người liên quan. Trong 2 ngày 26 và 27-10, vụ án được xét xử trở lại. Cũng như ở phiên tòa lần trước, Dương Hoài Châu cho rằng đối tượng cũng là nạn nhân vì thực tế bị cáo có ký hợp đồng với một người ở Indonesia để đưa lao động sang Australia làm việc.

Tuy nhiên, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Phát triển thương mại Thái - Việt lại không đưa ra được bất kỳ bằng chứng nào chứng minh việc đó. Qua xác minh, Văn phòng  Interpol Việt Nam cũng không thể xác định được đối tượng mà bị cáo “vẽ” ra. Toàn bộ số tiền chiếm đoạt của các nạn nhân, bị cáo đã tiêu xài hết và chưa khắc phục một đồng nào. Đối với những “chân rết” của Châu bị nghi ngờ là đồng phạm, song quá trình điều tra bổ sung và xét xử tại tòa cho thấy, tuy hành vi của họ đã trực tiếp giúp sức cho bị cáo, nhưng không có ý thức lừa đảo. Khi sự việc vỡ lở, các “chân rết” này cũng đã tự nguyện khắc phục một phần hậu quả. Kết thúc phiên xét xử, TAND TP Hà Nội quyết định tuyên phạt Dương Hoài Châu tù chung thân theo tội danh bị truy tố.