Kinhtedothi - Theo số liệu từ Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), năm 2014 cả nước đã đưa được 106.840 lao động đi làm việc ở nước ngoài, tăng 18,7% so với kế hoạch đề ra (90.000 người). Đây là số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài cao nhất trong những năm gần đây.
Trước đó, xuất khẩu lao động Việt Nam năm 2014 được đánh giá là đã gặp nhiều khó khăn do bất ổn chính trị ở Lybia và thị trường Hàn Quốc vẫn chưa hoàn toàn mở cửa với lao động Việt Nam. Tuy nhiên, số lượng lao động đi làm việc tại Đài Loan (Trung Quốc) trong năm 2014 đã bất ngờ tăng mạnh so với các năm trước, lên tới 62.124 người khiến xuất khẩu lao động vượt chỉ tiêu đề ra. Số lượng này cao gấp 2 lần so với số lao động đi Đài Loan (Trung Quốc) năm 2010.
Tập huấn nghề cho lao động xuất khẩu.
|
Nhật Bản, Hàn Quốc và Malaysia cũng là các thị trường dẫn đầu số lượng xuất khẩu lao động trong năm 2014.
Năm 2015, bên cạnh phát triển các thị trường lớn, Việt Nam sẽ đẩy mạnh đưa lao động đi châu Phi và Trung Đông bằng việc ký kết thỏa thuận trong một số lĩnh vực với Angola và Saudi Arabia, tạo điều kiện phát triển việc làm an toàn, thu nhập cao cho lao động Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Thanh Hòa, việc ưu tiên, đẩy mạnh đưa lao động có trình độ, lao động đã qua đào tạo đi làm việc ở nước ngoài luôn là chủ trương của Nhà nước. Hiện, Dự án Hỗ trợ đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó có chương trình hỗ trợ đào tạo lao động trình độ cao đi làm việc ở nước ngoài theo thỏa thuận quốc gia hoặc theo các hợp đồng cung ứng giữa doanh nghiệp Việt Nam với đối tác nước ngoài đang được triển khai.